Đường dẫn truy cập

Một niên học nước ngoài ở Việt Nam


Cô giáo Nguyễn Hoàng Lan dạy môn tiếng Việt và em Sonya Schoenberger (phải)
Cô giáo Nguyễn Hoàng Lan dạy môn tiếng Việt và em Sonya Schoenberger (phải)

Chương trình ‘Niên học ở nước ngoài’ tổ chức niên học đầu tiên tại Việt Nam cho các em học sinh trung học Mỹ vừa học văn hóa và tiếng Việt vừa tiếp tục hoàn thành giáo trình trung học Mỹ của cùng niên học ngay tại Việt Nam. Phóng viên Tấn Chương của ban Việt ngữ đài VOA mới đây có dịp đến thăm lớp học của ‘Niên học ở nước ngoài’ và có các ghi nhận trong bài tường trình sau đây.

Giờ học môn tiếng Việt của các em học sinh trung học Mỹ đến Việt Nam theo một chương trình vừa tạo môi trường cho các em học văn hóa và tiếng Việt ngay tại Việt Nam, trong lúc các em vẫn có thể tiếp tục giáo trình của trường của các em ở Hoa Kỳ mà không bỏ lỡ thời gian một năm học.

Giáo sư Vũ Đức Vượng, Giám đốc chương trình cho biết: “Tổ chức của chúng tôi -- School Year Abroad (SYA), Năm học ở nước ngoài -- quy tụ các trường tư bên Mỹ. Các trường hội viên gởi học sinh tham gia chương trình này, và khi học sinh sang đây, thì chúng tôi lo cho các em. Sau đó các em trở về Mỹ và tiếp tục học ở Mỹ, ví dụ như lớp 11 thì về học tiếp lớp 12, còn nếu lớp 12 thì các em sẽ vào đại học. Như vậy các em không mất một năm, mà lại có được cái môi trường, cái mà bên kia không thể tạo ra được.

Chủ trương của tôi là ‘sống là học’, do đó các em được đưa sang đây, thì khi đi ăn ngoài đường cũng là học, về nhà với các gia đình Việt Nam mà các em tá túc cũng là học, đi chơi cũng là học. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức cho các em đi thực tập với các cơ quan báo chí, chẳng hạn như hai em thực tập ở Vietnam Economic Times, hai em ở Nhà xuất bản Thế giới...do đó các em vừa làm, vừa tiếp xúc với các nhân viên ở đây, học được tiếng Việt, học các bộ môn, đồng thời biết được cách làm việc ở bên này.”

Về thành phần học sinh và giáo viên của niên học đầu tiên này, Giáo sư Vượng cho biết: “Tất cả các học sinh của năm nay không có một em nào gốc Việt vì chương trình này mới mở, và chúng tôi làm việc qua hệ thống các trường tư ở bên Mỹ mà đa số ít học sinh Việt.

Chúng tôi thuê giáo viên từ bên Mỹ, những người muốn đi dạy ở nước ngoài một năm hay hai năm. Họ có đủ khả năng, họ là những giáo viên thực thụ. Khi sang đây họ dạy những môn của họ, ai dạy tiếng Anh thì dạy tiếng Anh, ai dạy kinh tế thì dạy kinh tế, ai dạy toán thì dạy toán. Tôi dạy lịch sử và văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh.”

Em Sonya, một học sinh theo học chương trình này tính đến nay được 2 tháng, tự giới thiệu: “Tôi tên là Sonya, Sonya Schoenberger. Tôi là học sinh ở Việt Nam. Em thích Việt Nam. Em thích con người Việt Nam. Em thích học tiếng Việt, nhưng khó. Khi em nghỉ, gia đình của em ở Mỹ sẽ đến thăm em ở Việt Nam.”

Cô Nguyễn Hoàng Lan giảng dạy môn tiếng Việt của chương trình cho biết: “Tôi cảm thấy rất vui thích khi dạy ở đây, bởi vì các em đều rất hiếu học, thông minh, tiếp thu rất nhanh. Tôi dùng phương pháp ‘communicative’ tức là phương pháp hướng đến sự giao tiếp nhiều hơn. Sách vở thì có, nhưng chỉ là nền tảng để lấy ngữ liệu mà thôi, và tôi tạo các tình huống để học sinh có thể thực hành, đối thoại với nhau. Giờ học thì không chỉ bó gọn trong lớp học, ví dụ học về mua bán, thì tôi có thể cho các em đi ra chợ, hoặc học về các mối quan hệ thì cho các em đến các gia đình làm quen, nói chuyện. Tức là giờ học mở, chứ không ở trong lớp.

Khóa học của tôi kéo dài một năm, tức là 9 tháng. Sau trình độ này, thì các em mới qua được trình đổ sơ đẳng, tức là các em có thể nói được, giao tiếp được. Ngoài các mục đích ngôn ngữ ra, tôi hy vọng các em còn hiểu được văn hóa Việt Nam. Tức là các em có thể chuyện trò được với người Việt Nam một cách hiểu, chứ không phải chỉ lập lại các cấu trúc học ở lớp. Các em còn phải hiểu được là tại sao dùng từ này, tại sao dùng từ kia.

Bây giờ khóa học mới chỉ có hai tháng, nhưng các em đã có thể tự tin đi ra đường, khi giao tiếp có thể nói chuyện với taxi, hoặc mua bán ở ngoài chợ có thể dùng tiếng Việt để giao tiếp rồi.

Các em có một thuận lợi nữa là ở cùng các gia đình người Việt. Các em tâm sự với tôi rằng ở nhà các em không chỉ giao tiếp với gia đình chủ nhà của các em, mà các bác hàng xóm cũng rất hay bắt chuyện, các em cũng hay sang các bác hàng xóm để học hỏi thêm. Nên ngoài những từ ở trường lớp, các em còn biết rất nhiều từ trong cuộc sống hàng ngày nữa. Theo tôi thì không có sự kỳ thị. Người Việt Nam rất hiếu khách. Họ biết các em muốn học tiếng Việt, và họ sẵn lòng giúp đỡ.”

Mới học tiếng Việt có hai tháng, em Paul Dillon nói tiếng Việt khiến mọi người ngạc nhiên. Paul nói: “Em tên là Paul, và em sống ở Việt Nam hai tháng. Em không học tiếng Việt trước ở Mỹ. Mẹ em là người Lethuania, và bố em là người Irish và một tí Pháp. Em thích Việt Nam lắm. Em yêu gia đình người Việt. Và em thích thức ăn Việt. Em thích nói tiếng Việt. Em thích học tiếng Việt. Em thích giáo viên Việt.”

Theo Giáo sư Vượng thì tổ chức được niên học này là một sự chuẩn bị rất công phu.

Ông nói: “Công việc của những người như tôi là phải chuẩn bị cả hai bên. Chuẩn bị cho bố mẹ, chuẩn bị cho các gia đình bên này, rồi chuẩn bị cho các học sinh. Phải giúp cho học sinh biết văn hóa khác nhau. Sao cho hai bên dung hòa với nhau ở một điểm nào đó. Nhưng dĩ nhiên là phải biết trước mới dung hòa được.”

Giáo sư Vượng nói: “Chúng tôi chọn nhà ở cho các em với những điều kiện tối thiểu mà thôi, đại khái như nhà phải có dư một phòng để các em có phòng để làm việc, có wi-fi, internet. Có máy lạnh thì tốt, không có máy lạnh cũng được. Phải đối xử với các em như con trong nhà.”

Ông Vượng giải thích lý do chương trình của ông chọn Hà Nội để mở niên học đầu tiên.

Ông nói: “Có vài lý do. Thứ nhất là tiếng Việt nói giọng chuẩn phải là tiếng ở miền bắc. Thứ hai đây là cái nôi văn hóa và lịch sử của Việt Nam, từ thành Cổ Loa rồi thì 1000 năm Thăng Long. Sài Gòn thì chỉ mới có độ 300 năm thôi. Cũng có cái hay của Sài Gòn là mình sẽ học được những văn hóa khác. Thành phố Hà Nội thì tương đối còn nhỏ một chút, nên nó nhiều cơ hội để tham gia các hoạt động hơn. Chẳng hạn như chúng tôi hãnh diện đi diễu hành trong lễ hội Ngàn năm Thăng Long, cùng với hơn 30 ngàn người ngày hôm đó.

Cuối tháng này, chúng tôi sẽ tổ chức lễ Thanksgiving theo truyền thống của Mỹ, mời các gia đình mà các em ở chung đến. Các em đã ăn cơm Việt Nam mãi, bây giờ mời các gia đình ăn cơm Mỹ.”

Nói về những rủi ro, Giáo sư Vượng cho biết: “Cái chuyện đó thì nó vô cùng, nhưng cũng không đến nỗi gì, tại vì Việt Nam thực sự mà nói là một xã hội tương đối an toàn, không có cướp bóc, giết người, hiếp dâm nhiều.

Có hai điều cấm đối với các em, một là cấm uống bia, uống ruợu, hai là cấm đi xe máy, hay xe ôm.”

Paul tâm sự: “Em thích sống ở Việt Nam vì Việt Nam không là Mỹ. Anh hiểu không? OK. Xin lỗi, em nói một tí tiếng Việt.”

Giáo sư Vượng hy vọng rằng các em học sinh đến Việt Nam hôm nay sẽ là chiếc cầu hữu nghị tích cực nối giữa hai nước khi các em lớn lên. Ông nói: “Vô tri, bất mộ. Không biết thì không mến, nhưng biết rồi thì dễ mến hơn. Những lớp học sinh có dịp qua đây chỉ 3 tuần thôi, nhưng đến giờ các em vẫn còn nhớ, vẫn còn vui, có tin gì ở Việt Nam các em vẫn trao đổi với nhau. Do đó tôi thấy rằng 30 năm nữa khi các em thành những tổng giám đốc, nghị sĩ, hay giáo sĩ, cái gì cũng được tôi không cần biết, nhưng khi các em đã có cảm tình với Việt Nam rồi, thì tôi mừng!”

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG