Người đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel của Việt Nam mới đây thể hiện có giấc mơ lớn về công nghệ mạng 6G, thậm chí cả “sản xuất tàu vũ trụ”. Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ hoài nghi về năng lực thực hiện của Viettel.
Một số báo mạng Việt Nam gồm Trí Thức Trẻ, CafeBiz, CafeF hôm 23/10 đăng bài phỏng vấn dài với Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, với lời giới thiệu rằng Viettel “đã làm chủ và sản xuất được gần như toàn bộ hệ thống mạng viễn thông lõi” và “đứng vào hàng ngũ một trong 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới”, nay là lúc đến tính đến tương lai.
Vị lãnh đạo Viettel cho hay theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, tập đoàn của ông sẽ có con chip macro tự sản xuất để chạy cho mạng 5G của tập đoàn, đồng thời bày tỏ “hoàn toàn tin tưởng” rằng đến năm 2025, các thiết bị 5G cũng do Viettel sản xuất sẽ được sử dụng trong mạng của tập đoàn.
Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, tỏ ra có khả năng nhìn xa trông rộng bằng lời nhận định là ở thời điểm đó thế giới có thể bắt đầu với mạng 6G rồi, vì vậy, đến năm 2023, tập đoàn của ông “sẽ phải nghiên cứu 6G” để chờ thời điểm ứng dụng vào khoảng năm 2028 hoặc 2030.
Thiếu tướng Dũng lưu ý rằng trong thời gian trước đây, khi thế giới trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, Việt Nam “đều đi sau và tụt hậu”. Do đó, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thường được gọi là cách mạng 4.0 ở Việt Nam, “mong muốn lớn nhất là chúng ta đi ngang bằng với thế giới”, người đứng đầu Viettel nói trong cuộc phỏng vấn.
Ông Dũng nói thêm: “Những câu chuyện này đều xuất phát từ khát khao về sự hùng cường của đất nước”.
Vị lãnh đạo của tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam nêu ra kỳ vọng là đến năm 2023, “trong công nghệ 6G trên thế giới bắt đầu có tiếng nói của Viettel” và tập đoàn sẽ đóng góp không ít bằng sáng chế, đặt ra những tiêu chuẩn trong ngành viễn thông, được Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU công nhận, giới thiệu.
Cuối bài phỏng vấn, Thiếu tướng Dũng, lãnh đạo cao nhất của Viettel, nói rằng định hướng lớn của tập đoàn tuy “tập trung hơn đến dân sinh, nền tảng tự động hóa sản xuất, tự động hóa nền nông nghiệp thông minh, y tế, giáo dục” nhưng cũng không loại trừ một điều là “ước mơ lớn như vũ trụ thì biết đâu, vài năm nữa người Viettel cũng sẽ làm”.
“Có thể một ngày nào đấy, người Viettel cũng ước mơ bay vào vũ trụ như Jeff Bezos và bắt tay sản xuất tàu vũ trụ”, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng nói chốt lại cuộc phỏng vấn.
Theo quan sát của VOA, chỉ riêng trên trang Facebook của báo mạng CafeF, bài phỏng vấn với Thiếu tướng Dũng nhận được hơn 7.700 phản ứng, trong đó có hơn 6.400 biểu tượng thể hiện cảm xúc yêu thích, hơn 1.000 biểu tượng cười cợt. Bài đăng cũng được 150 người lan tỏa qua chức năng “chia sẻ” và thu hút hơn 1.000 lời bình luận.
Trong số những người chia sẻ và bình luận, một số nhỏ nói họ “tin tưởng” Viettel “sẽ làm được” hoặc “không gì là không thể”, “tại sao không?”, kèm theo là những lời chúc Viettel thành công, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, phần lớn những người còn lại bày tỏ hoài nghi về những phát biểu của vị lãnh đạo tập đoàn Viettel.
Không ít người đăng ý kiến nhắc nhở về thực tại là đường cáp quang internet cho các hộ gia đình lẫn mạng 4G của Viettel hiện còn chưa hết tình trạng bị chậm, bị gián đoạn, và mong vị quyền chủ tịch kiêm tổng giám đốc khắc phục cho tốt đã rồi hãy bàn về 5G, 6G.
Một Facebooker có tên Trần Tâm viết: “Bác nâng cấp chất lượng internet Viettel hộ chúng cháu cái đã rồi hãy bay vào vũ trụ”.
Một số người khác dẫn ra ví dụ là ứng dụng về trao đổi, kiểm soát thông tin dịch COVID-19 do Viettel làm cho Bộ Y tế chỉ là một phần mềm nhỏ mà còn đang bị “lỗi tùm lum” thì việc theo đuổi những ước mơ lớn có lẽ chỉ là hão huyền.
“Làm mấy cái phần mềm khai báo y tế chạy còn không thông mà còn đòi lên cung trăng”, Nguyễn Văn Tu, một trong số các Facebooker, đưa ra bình luận.
Nhiều người viết rằng “không ai đánh thuế giấc mơ” song vẫn cho rằng Thiếu tướng Dũng “nổ” quá mức, hàm ý rằng ông đã nói ba hoa, phóng đại.