Đường dẫn truy cập

Sergei Khrushchev, con trai lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev, qua đời ở Mỹ


Tiến sĩ Sergei Khrushchev, con trai cựu lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev, diễn thuyết về vụ phóng vệ tinh Sputnik 1 lên quỹ đạo nhân kỷ niệm 50 năm vụ phóng lịch sử ngày 4/10/2007 ở Chicago, Illinois. (AP Photo/M. Spencer Green)
Tiến sĩ Sergei Khrushchev, con trai cựu lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev, diễn thuyết về vụ phóng vệ tinh Sputnik 1 lên quỹ đạo nhân kỷ niệm 50 năm vụ phóng lịch sử ngày 4/10/2007 ở Chicago, Illinois. (AP Photo/M. Spencer Green)

Tiến sĩ khoa học Sergei Khrushchev, con trai của cố lãnh tụ Xô-viết Nikita Khrushchev, qua đời Hoa Kỳ ngày 18/6/2020 vừa rồi ở tuổi 84, nghi do tự vẫn, báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin.

Cảnh sát địa phương cho biết Tiến sĩ Sergei Khrushchev chết vì một viên đạn bắn vào đầu tại tư gia ở Cranston, Rhode Island, và dựa vào điều tra sơ khởi, cảnh sát địa phương nói có thể ông đã tự kết liễu mạng sống.

Cái chết có nhiều dấu hỏi của ông gây chú ý, không những vì gốc gác của ông, là con trai và người tín cẩn của cha, cựu Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, mà còn vì ông là một nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giáo sư đại học được nể trọng ở Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của ông.

Vợ ông, bà Valentina Golenko, cho biết tang lễ sẽ được tổ chức tại thủ đô Moscow của Nga vào tháng 10 tới đây.

Thân thế và sự nghiệp

Theo lý lịch cá nhân đăng trên trang web của Đại học Brown nơi ông giảng dạy, Sergei Khrushchev ra đời ngày 2/7/1935.

Sergei Khrushchev là một Tiến sĩ khoa học kỹ thuật từng tham gia chương trình không gian của Liên Xô (1958-1968), thiết kế tên lửa hành trình cho tàu ngầm, xe tự hành trên mặt trăng và tên lửa đẩy UR-500 sau này gọi là ‘Proton’.

Ông là người biên tập Hồi ký nhiều tập của Nikita Khrushchev bằng tiếng Nga, và sau đó tiếng Anh tại Hoa Kỳ. Ông là tác giả của “Khrushchev on Khrushchev” nói về cha ông, Nikita Khrushchev và thời đại của ông.

Từ năm 1989, ông giảng dạy, nghiên cứu và viết sách. Ông đã xuất bản hơn 350 quyển sách hoặc bài tham luận về nhiều đề tài, từ khoa học kỹ thuật, công nghệ không gian, lịch sử và chính sách của Liên bang Xô-viết và của Nga sau đó.

Năm 1996, Sergei Khrushchev trở thành một nhà nghiên cứu cấp cao cuả Viện Watson, Brown University. Trường đại học này liệt kê lĩnh vực chuyên môn của ông gồm Lịch sử Liên bang Xô-viết, Liên Xô và Nga: Chính trị và Phát triển kinh tế; và vấn đề An ninh Quốc tế.

Sergei Khrushchev sang định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1991, vào lúc Liên bang Xô viết đang tan rã. Ông giảng dạy môn Lịch sử Chiến tranh Lạnh tại Brown University ở Providence, Rhode Island.

Ông cũng từng là nhà nghiên cứu tại Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy của Đại học Harvard, và được mời thỉnh giảng tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Newport, Rhode Island. Các đề tài gồm: Cải cách Kinh tế và Chính trị ở Nga, Quan hệ Mỹ-Nga giai đoạn 1959-1964, Lịch sử Chương trình Không gian Liên bang Xô-viết, và Cải cách Kinh tế, Chính trị và An ninh thời Nikita Khrushchev.

...Nếu giống như tôi, ông được chứng kiến và nghiệm ra rằng chủ nghĩa tư bản, rốt cuộc vận hành tốt hơn, thì có thể cá nhân ông cũng sẽ đi Mỹ”.
Sergei Khrushchev nói cha ông, cốTổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Xô Viết Nikita Khrushchev, sẽ chấp nhận quyết định của ông nhập quốc tịch Mỹ

Ông còn là nhà bình luận thường xuyên được các đài phát thanh, truyền hình Mỹ săn đón để phỏng vấn, và là tác giả của hơn 350 sách hoặc bài tham luận. Sách của ông được dịch sang 12 ngôn ngữ và được xuất bản trên khắp thế giới.

Chuyến thăm lịch sử

Năm 1959, Sergei, 24 tuổi, tháp tùng cha, nhà lãnh đạo Liên bang Xô-viết, trong chuyến công du Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower.

Được thực hiện giữa lúc căng thẳng Mỹ-Nga lên tới mức cao nhất trong Chiến tranh lạnh, chuyến thăm đã để lại nhiều ấn tượng đẹp nơi cha con ông Khrushchev, một phần nhờ sự đón tiếp nồng ấm của TT Eisenhower và gia đình ông, cơ sở cho mối thâm tình giữa hai gia đình cho tới ngày nay.

Tổng Thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev khi ông tới thăm Hoa Kỳ
Tổng Thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev khi ông tới thăm Hoa Kỳ

Sergei, công dân Mỹ

Chuyến đi của hai cha con ông Khrushchev tới thăm New York, California, Iowa, và Camp David ở thủ đô Washington, đã thay đổi sâu sắc cái nhìn của cha con nhà Khrushchev về đất nước Hoa Kỳ và người Mỹ, và có lẽ đã gieo mầm cho quyết định của Sergei Khrushchev sau này, sang Mỹ làm việc và định cư luôn ở Mỹ từ năm 1991.

Năm 1999, ở tuổi 64, Sergei Khrushchev, con trai của Nikita Khrushchev, gia nhập quốc tịch để chính thức trở thành công dân Mỹ.

Hãng tin AP thuật lại lời ông Sergei Khrushchev phát biểu sau lễ nhập tịch:

“Tôi cảm thấy như được sinh ra lần nữa, bắt đầu cuộc sống mới”.

Cũng có mặt tại lễ nhập tịch, nhà báo của tờ Telegraph thuật lại cảnh tượng con trai nhà lãnh đạo Xô-viết đã từng đưa tên lửa sang Cuba và hăm dọa tiêu diệt người Mỹ, Sergei Khrushchev, giơ tay tuyên thệ trung thành với nước cựu thù, là một nghịch lý của thời hậu Chiến tranh lạnh, cho phép chúng ta nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhưng Sergei Khrushchev khẳng định cha ông, nếu còn sống, sẽ hiểu quyết định của ông. Nhà báo thuật lại lời của Sergei Khrushchev:

“Cha tôi ở trong đảng cộng sản bởi vì ông tin rằng chủ nghĩa cộng sản tốt hơn cho tất cả chúng ta. Nếu giống như tôi, ông được chứng kiến và nghiệm ra rằng chủ nghĩa tư bản, rốt cuộc vận hành tốt hơn, thì có thể cá nhân ông cũng sẽ đi Mỹ”.

Nikita Khrushchev từng là cố vấn thân tín của Josef Stalin. Sau khi Stalin chết vì xuất huyết não, ông Khrushchev lên nắm quyền và bắt đầu hạ bệ thần tượng Stalin. Nikita Khrushchev bị Leonid Brezhnev lật đổ năm 1964. Cựu Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô qua đời năm 1971 ở tuổi 77 vì một cơn đau tim. Ông không được hưởng nghi lễ quốc tang và không được chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ.

Tác giả, nhà giáo, kỹ sư tên lửa và chuyên gia về lịch sử Chiến tranh Lạnh Sergei Khrushchev được cả hai bên trong Chiến tranh lạnh đánh giá cao, và đạt thành công lớn tại cả quê hương cũ và quê hương thứ hai. Nếu còn sống, ông sẽ mừng sinh nhật thứ 85 vào ngày 2/7/2020.

Sergei Khrushchev ra đi, để lại con trai cũng tên Sergei, cháu gái Nina, đặt theo tên bà nội. Một người con trai khác với người vợ đầu, tên Nikita, một nhà báo Nga, đã qua đời ở tuổi 47 sau một cơn đột quỵ vì tai biến mạch máu năm 2007.

VOA Express

XS
SM
MD
LG