Giới phân tích dự đoán Singapore có thể tổ chức bầu cử sớm sau quyết định của Thủ Tướng Lý Hiển Long cho thành lập một ủy ban để xem xét các khu vực bầu cử, theo Asia Times.
Bầu cử trước kỳ hạn
Ủy ban Xem xét Khu vực Bầu cử (EBRC) đã được giao trách nhiệm rà soát lại các quy định bầu cử và đưa ra những đề nghị để tái định hình các khu vực cử tri.
Thông thường EBRC gồm 5 người, trong đó có Chánh Văn phòng Thủ tướng (Chủ tịch EBRC), lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà ở, Giao thông, Thống kê và Cơ quan Bầu cử Singapore.
Trong các cuộc bầu cử trước đây, khoảng thời gian giữa thời điểm thành lập EBRC cho tới ngày bầu cử là từ 2 đến 7 tháng.
Giáo sư Luật Eugene Tan thuộc Đại học Quản trị Singapore (SMU) dự đoán bầu cử sẽ diễn ra trong quý nhì của năm 2020, có thể vào cuối tháng Ba, sau khi quốc hội thông qua một ngân sách quốc gia được dự kiến là “rộng lượng”.
Giáo sư Tan nói:
“Chúng ta có thể trông đợi ngân sách năm tới sẽ là rất đáng kể, một trong những lý do là vì chính phủ đương nhiệm đã tích lũy được một kho bạc tương đối lớn từ năm 2015 tới nay. Ngân sách đó có thể được sử dụng một cách thông minh để tăng lòng tin và sự tin tưởng vào giới lãnh đạo và các chính sách của chính phủ vào một thời điểm kinh tế đang bấp bênh ở trong nước và trên toàn cầu.”
Luật pháp Singapore quy định cuộc tổng tuyển cử sắp tới phải diễn ra trước tháng 4/2021.
Trong khi Đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông Lý Hiển Long được dự đoán sẽ lại tái đắc cử, chính đảng đã ngự trị trên chính trường Singapore từ thời lập quốc sẽ vấp phải thách thức gay go nhất tính cho tới nay từ một phe đối lập đã được tăng sức và được sự ủng hộ của người em trai của nhà lãnh đạo Singapore, ông Lý Hiển Dương.
Theo giới phân tích thì ứng cử viên đối lập đang gây nhiều chú ý là ông Tan Cheng Bock, 79 tuổi. Xuất thân từ đảng PAP, ông là một cựu Dân biểu và là bác sĩ đã về hưu.
Ông cho rằng đảng PAP đã thay đổi theo hướng tiêu cực, và cho biết đảng đối lập do ông mới thành lập sẽ vận động cho thay đổi chính trị tại Singapore.
Tại buổi ra mắt Đảng Tiến bộ Singapore, ông nói phong cách cai trị đã thay đổi, bởi vì “3 trụ cột chính là tính minh bạch, sự độc lập, và tinh thần trách nhiệm, đã bị sói mòn.”
Nhà báo lão thành và tổng biên tập PN Balji nói về ông Tan Chen Bock:
“Điều đáng chú ý nhất về việc ông Tan tham gia phe đối lập là ông ấy xuất thân từ đảng đương quyền. Ông đang vạch ra một ranh giới giữa đảng PAP cũ và một đảng PAP mới, nêu bật những khác biệt giữa đảng PAP của Thủ Tướng Lý Quang Diệu và đảng PAP của ông Lý Hiển Long, người con.”
Lục đục trong gia đình họ Lý
Quyết định của ông Lý Hiển Dương, công khai tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đối lập chống lại anh của mình, là động thái mới nhất thể hiện sự rạn nứt ngày càng sâu đậm hơn trong gia đình cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu.
Công luận Singapore trong mấy năm qua vẫn xôn xao về những lục đục trong gia đình họ Lý kể từ khi ông Lý Quang Diệu, Thủ Tướng đầu tiên có công lập quốc của Singapore, qua đời vào năm 2015 ở tuổi 91.
Căn nhà do ông để lại đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi đầy cay đắng giữa đương kim Thủ Tướng Lý Hiển Long và hai người em của ông. Ông Lý Hiển Dương và bà Lý Vỹ Linh tố cáo anh ‘lạm dụng quyền lực trong cương vị Thủ Tướng’ khi tìm cách bảo toàn căn nhà số 38 đường Oxley, đi ngược lại với ước nguyện của cha, vì lý do chính trị.
Trong di chúc đầu tiên, ông Lý Quang Diệu muốn phá hủy căn nhà đường Oxley sau khi ông qua đời, nhưng vấn đề thực sự phức tạp hơn thế nhiều bởi vì di chúc đã được sửa đổi nhiều lần, và có đến 7 bản di chúc.
Những bất đồng trong nội bộ 3 anh em nhà họ Lý bùng nổ thành xung đột công khai trên trang Facebook thoạt tiên với một status của bà Lý Vỹ Linh, tố cáo anh là tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1 năm ngày giỗ của cha theo kiểu “sùng bái anh hùng”, là hành động lạm dụng quyền lực để “xây dựng vương triều riêng”.
Thủ Tướng Lý Hiển Long phản bác tố cáo của hai người em, và một ủy ban chính phủ đã được thành lập để định đoạt tương lai của căn nhà mang tính lịch sử, địa điểm nơi thế hệ lãnh đạo đầu tiên của PAP hội họp trong thập niên 1950.
Trong khi cả ba anh em đều là những người thành đạt, Lý Hiển Long trên chính trường, Lý Hiển Dương trong doanh thương, bà Lý Vỹ Linh, sinh năm 1955, là Cố vấn cao cấp của Viện Y học Thần kinh não, tuy nhiên bà là một người lập dị, sống độc thân, tự nhận mình là người ‘quái dị’, hay ‘người đến từ Sao Hỏa’.
Ông Lý Hiển Dương sinh năm 1957, là em út trong gia đình. Tốt nghiệp Đại học Cambridge ở Anh, và Đại học Stanford ở Hoa Kỳ, ông từng được phong hàm Chuẩn Tướng trước khi xoay sang kinh doanh. Ông cũng từng là CEO của Singtel và Chủ tịch Cục Hàng không Singapore.
Mâu thuẫn trong gia đình Thủ Tướng Lý lan sang lĩnh vực chính trị
Việc ông Lý Hiển Dương công khai ủng hộ ứng cử viên đối lập, gây bối rối không ít cho chính phủ của Thủ Tướng Lý Hiển Long.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ những nguyên tắc và giá trị của Đảng Tiến Bộ Singapore. Ngày nay, PAP không còn là đảng PAP của cha tôi. Đảng PAP đã lạc lối.”Ông Lý Hiển Dương, em trai của Thủ Tướng Lý Hiển Long.
Trong một status chia sẻ trên Facebook hồi tháng trước, người em trai út trong gia đình họ Lý viết:
“Tôi hoàn toàn ủng hộ những nguyên tắc và giá trị của Đảng Tiến Bộ Singapore. Ngày nay, PAP không còn là đảng PAP của cha tôi. Đảng PAP đã lạc lối.”
Giáo sư Michael Barr giảng dạy môn Quan hệ Quốc tế tại Đại học Flinders của Úc, nói:
“Sự hiện diện của ông Lý Hiển Dương gây nhiều lo ngại cho chính phủ. Tên tuổi ông, hình ảnh ông là một sự nhắc nhở liên tục rằng gia đình họ Lý là một gia đình bị chia rẽ.”
Giáo sư Michael Barr nói vụ xích mích về căn nhà đường Oxley đã phần nào tác động tới hình ảnh của Thủ Tướng Lý Hiển Long, và phủ bóng lên những thành tích của ông.
Giáo sư luật Eugene Tan nói “khó có thể xác định lập trường của công chúng về những sự tranh chấp trong nội bộ gia đình họ Lý. Nhưng đối với một số người, vụ tranh chấp về căn nhà hương hỏa của họ Lý không chỉ là chuyện riêng tư của gia đình, mà nêu lên một số thắc mắc về khả năng “tề gia, trị quốc” của nhà lãnh đạo Singapore.
Chuyển quyền sang thế hệ lãnh đạo mới
Dự kiến cuộc bầu cử trước kỳ hạn sẽ là cuộc bầu cử cuối cùng mà Thủ Tướng Lý Hiển Long ra dự tranh, trước khi ông từ nhiệm để dọn đường cho thế hệ lãnh đạo thứ Tư của Đảng Nhân dân Hành động lên nắm quyền.
Theo Asia Times, có người coi cuộc bầu cử kế tiếp ở Singapore là một cuộc trưng cầu dân ý về thế hệ 4G của đảng PAP, vốn mới được tiến cử vào những chức vụ cao cấp.
Giáo sư Tan nhận định:
“Điều mà đảng PAP muốn nêu bật là: trong những tình huống bất định, đảng PAP là tảng đá vững chắc mà người Singapore có thể trông cậy. Ngân sách được dự kiến cho năm tới sẽ nêu bật sức mạnh, sự thận trọng về tài chính và kỷ luật của hệ thống cai trị của Thủ Tướng Lý, cũng như tầm nhìn xa của chính quyền Singapore.”
Asia Times dẫn lời các chuyên gia và nhà quan sát khác nói rằng trong khi ông Tan Cheng Bock là một chính khách có thể thu hút sự ủng hộ của nhiều người, Đảng PAP vẫn không coi đảng PSP đối lập là một mối đe dọa.
Thủ Tướng Lý Hiển Long, 67 tuổi, dự định sẽ rút lui khỏi chính trường trước khi lên 70 tuổi. Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, là người được dự kiến sẽ lên kế nhiệm Thủ Tướng Lý Hiển Long.