Đường dẫn truy cập

Sinh viên Việt ở Ukraine: ‘Khi cô giáo hỏi về Việt Nam, mình không có câu trả lời’


Sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Ukraine, Hoàng nói anh gắn bó với “hai tổ quốc.” Nhưng lập trường của Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lược mà Nga phát động nhắm vào quê hương thứ hai của anh để lại cho anh nỗi thất vọng sâu sắc.
Sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Ukraine, Hoàng nói anh gắn bó với “hai tổ quốc.” Nhưng lập trường của Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lược mà Nga phát động nhắm vào quê hương thứ hai của anh để lại cho anh nỗi thất vọng sâu sắc.

Chiến tranh tại Ukraine đã làm thay đổi cái nhìn, nhận thức của nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Ukraine, bao gồm cả các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen X. Trong nỗi kinh hoàng còn sót lại từ biến cố lớn sau khi rời khỏi quê hương thứ hai để đi tị nạn, Hoàng, một sinh viên gốc Việt lớn lên tại Ukraine, đã đặt ra rất nhiều câu hỏi và bày tỏ sự thất vọng, bức xúc về lập trường, cách hành xử, công tác ngoại giao và cả những bài học đạo đức mà anh đã từng được dạy dỗ từ thủa bé dưới mái trường tại quê nhà Việt Nam. Mời quý vị theo dõi những trải nghiệm không mong muốn của Hoàng trong cuộc trò chuyện với Khánh An của Đài VOA sau đây.

VOA: Chào bạn. Xin bạn giới thiệu một chút về mình và cho biết chiến tranh đến với bạn như thế nào?

Sinh viên Hoàng: Trước tiên, mình xin tự giới thiệu mình tên là Hoàng. Năm nay mình 23 tuổi, đến từ thành phố Kiev. Mình là sinh viên đã được sang Ukraine sinh sống từ năm mình 8 tuổi. Trước ngày 24/2 thì mình sống ở Kiev và giờ thì mình đã đi di tản sang một nước châu Âu rồi. Mình biết tin có chiến tranh là lúc đó vào buổi sáng khoảng 6:30, mình tỉnh dậy vì nhiều cuộc điện thoại gọi. Mình dậy và bạn gái mình lúc đấy cũng tỉnh dậy vì mẹ của bạn cũng gọi cho bạn. Mình mới xem điện thoại thì thấy có rất nhiều cuộc gọi từ bạn thân của mình. Mình gọi lại thì nghe thấy giọng của bạn thân mình rất run, bảo là “Ông Putin đã làm một điều rất… bây giờ nói ‘ông’ thì cũng hơi… thôi nói là ‘Putin’ thôi… đã làm một điều rất kinh khủng”. Nghe câu đấy xong thì mình hiểu là đã có một điều gì đó thực sự kinh khủng xảy ra. Mình mới mở điện thoại ra để xem tin tức thì thông tin đầu tiên mình thấy là cái video mà trong đó tổng thống Nga đã thông báo là bắt đầu đưa quân vào lãnh thổ của Ukraine.

VOA: Cảm nhận của bạn lúc đó thế nào?

Sinh viên Hoàng: Ngay từ những phút giây đầu tiên khi mình biết tin như thế thì tay mình, đây này, bây giờ đang kể thì tay mình vẫn run mỗi lần nghĩ lại.

Sau khi biết tin, mình gọi cho bố mẹ để gọi bố mẹ dậy. Bố mẹ mình lúc đó cũng đã tỉnh rồi, và mình cố gắng không đi ra sát cửa sổ. Từ hôm đấy đến khi ra khỏi đất nước, mình cảm thấy chiến tranh lúc nào cũng ngay sát bên mình. Đây, vừa xong cũng vừa có thông báo. Tất cả những ai sống ở Ukraine đều có một ứng dụng để thông báo, báo động. Vừa xong điện thoại của mình tắt tiếng rồi nhưng mình vẫn bật chương trình đó. Đây, các bạn có thể nghe thấy tiếng này… (tiếng báo động)… người dân Ukraine ở Kiev và các thành phố khác nhau mỗi ngày đều phải nghe vài lần. Đến giờ khi đã ra nước ngoài rồi, thì khi mình đi ngủ, chẳng hạn như đêm qua mình cũng mơ, dường như các giấc mơ đều về chiến tranh hết.

Không thể chờ đại sứ quán

VOA: Chuyện sơ tán của gia đình bạn diễn ra thế nào?

Sinh viên Hoàng: Ngay hôm đầu tiên, mình cùng chị gái đi tới Đại sứ quán (Việt Nam) để lấy hộ chiếu vì chị đã nộp đơn xin cấp hộ chiếu mới. Trên đường đi, cảm giác rất sợ. Vì mình sinh ra ở Việt Nam vào thời bình và sang đất nước Ukraine cũng vào thời bình nên mình chưa bao giờ phải đối diện với chiến tranh. Lúc đó rất rất sợ, vì trên những con đường thường ngày bọn mình đi chơi, đi học, đi làm rất an toàn thì hôm đó có rất nhiều bộ đội, trên đầu thì nghe tiếng máy bay quân sự… Khi đến Đại sứ quán, mình nghĩ rằng ở đấy thỉnh thoảng cũng có đông người, mình nghĩ chắc các bác ở đấy cũng sẽ có cách trấn an mình và chị mình, rồi có hướng dẫn, chỉ dẫn nào đó cho gia đình mình và những người đến đó. Nhưng hoàn toàn không có. Thứ duy nhất mình nhận được là quyển passport mà chú bảo vệ đưa qua hàng rào. Chú còn không nhìn mặt mình.

VOA: Vậy bạn nhận xét thế nào về những hỗ trợ của đại sứ quán và nhà nước Việt Nam đối với công dân của mình ở Ukraine vào thời điểm đó?

Sinh viên Hoàng: Theo mình biết thì nhà nước và đại sứ quán Việt Nam có tổ chức vài chuyến bay, nếu mình nhớ không nhầm là 3 chuyến, để đưa người Việt Nam từ nước ngoài về Việt Nam. Nhưng 3 chuyến bay đó không đủ cho tất cả những người thực sự muốn bay về. Điều thứ nhất mình muốn nhấn mạnh là đại sứ quán hành động quá chậm. Khi đại sứ quán ra thông báo bắt đầu ghi sổ, mở đăng ký cho người Việt Nam về trên các chuyến bay đó thì hầu như tất cả mọi người, bạn mình, cả gia đình mình đều đã ở Ba Lan rồi.

Thứ hai, mình là một trong những người tổ chức hoạt động sinh viên, giới trẻ ở thành phố Kiev. Ngay từ hôm chiến tranh thì bọn mình đã có nhóm ở trong Messenger, Instagram để liên lạc với các bạn, để biết các bạn đang ở đâu, làm gì, ai biết thông tin gì thì để vào đó để mọi người cùng tham khảo… Nhưng đại sứ quán của mình thì mình không thấy có một hoạt động nào dạng như thế. Bản thân gia đình mình hai hôm đầu rất hoang mang, không biết thế nào. Theo mình đọc thông tin thì bên Nga thông báo rằng chỉ đánh vào những khu vực quân sự thôi, nhưng thực chất không phải như thế. Trong hai hôm đầu tiên, kể từ hôm thứ hai mình đã thấy gần nhà bạn mình đã có máy bay quân sự không người lái của Nga rơi vào nhà thường dân. Sau đêm đấy thì nhà mình mới quyết định là phải đi tiếp chứ không thể ngồi ở nhà chờ đến sự giúp đỡ của đại sứ quán được.

Thứ ba, khi mình sang Ba Lan rồi thì mình ở cùng nhà với 2 gia đình Việt Nam đã đăng ký để bay về Việt Nam rồi. Máy bay lúc đầu nói bay vào ngày mùng 6, sau đó chuyển sang mùng 8, rồi lại hoãn sang mùng 9. Hầu như các gia đình muốn về Việt Nam đều có trẻ em nên cũng mệt, cũng khổ cho người ta vì cứ hoãn đi hoãn lại như thế. Và vào hôm lẽ ra phải bay rồi thì buổi chiều hôm trước khi bay, đại sứ quán lại thông báo là tất cả những ai đã đăng ký rồi thì giờ phải đăng ký lại vì từ bây giờ đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại Ukraine không chịu trách nhiệm cho việc đăng ký về Việt Nam nữa, mà việc này là đại sứ quán tại Ba Lan sẽ chịu trách nhiệm. Thế nên ai đã đăng ký rồi thì phải đăng ký lại. Theo mình, với góc nhìn của một sinh viên, một công dân Việt Nam thì thực sự khó hiểu. Tại sao lại khó dễ như thế đối với những người đã chịu cảnh chiến tranh, mất mát và muốn về nước như thế?

Việt Nam chọn sai bạn?

VOA: Việt Nam đã bày tỏ quan điểm của mình rõ ràng trong những lần bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc. Bạn nghĩ sao về lựa chọn của Việt Nam?

Sinh viên Hoàng: Mình sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Ukraine, vì vậy mình có hai tổ quốc. Đối với mình, mình là người yêu cả hai đất nước. Không bên nào hơn bên nào kém. Chính vì vậy, khi quê hương thứ hai của mình bị xâm lược và đất nước đã cho mình sự sống lại bỏ phiếu trắng, lần đầu tiên thì mình cũng không để ý, mình gửi cái screen cho bạn gái. Bạn gái mình mới gửi lại và hỏi tại sao Việt Nam lại bỏ phiếu trắng. Lúc đó, mình mới thực sự ngạc nhiên và cảm thấy rất xấu hổ vì cả thế giới, những nước yếu nhất người ta cũng dám công nhận tội ác của đất nước Nga, mà đất nước Việt Nam mình…

Mình học tốt lịch sử Ukraine, mình biết hai đất nước của mình lịch sử cũng gần giống nhau, là hai nước nhỏ ở bên cạnh hai nước láng giềng lớn hơn và hay xâm lược mình. Cả hai nước đều bị xâm lược từ khi mới được lập ra. Mình hiểu điều đó và mình đặt câu hỏi là tại sao đất nước của mình, con người cũng như thế, mình công nhận mà tại sao đất nước mình không ai dám lên tiếng?

Lần đầu tiên thì mình nghĩ có thể là Việt Nam sợ vì mình cũng có quen với vài cán bộ trong quân chủng phòng không Không quân Việt Nam vì các bác hồi trước có sang bên này làm việc và mình có đi phiên dịch cho các bác. Mình biết Việt Nam về mặt quân sự thì có liên quan mật thiết đến Liên bang Xô Viết và các nước sau khi tan rã bây giờ. Có thể vì thế mà Việt Nam không dám lên tiếng để lên án Nga. Nhưng sau lần thứ hai, là ngày 24/3, Việt Nam vẫn bỏ phiếu trắng thì mình thực sự không còn gì đế nói. Mình xấu hổ vì lãnh đạo của đất nước mình. Người dân cũng nhìn thấy việc mà cả thế giới công nhận, mà tại sao đất nước mình im lặng?

Thật ra thì không cần thiết phải là người từ Ukraine để thất vọng về những gì mà Việt Nam đã và đang làm. Khi đất nước Việt Nam bỏ phiếu trắng thì Ok, chính quyền Việt Nam có thể nói rằng Việt Nam chọn cách “Liệu cơm gắp mắm” này, chọn cách chọn bạn này… để sau này có cách chọn bạn để chơi… Nhưng đến khi Việt Nam bỏ phiếu chống, nhất là sau khi cả thế giới được nhìn thấy cảnh xác chết nằm hàng loạt ở Bucha, Irpin, Kharkiv… nhất là ở Bucha và Việt Nam bỏ phiếu chống thì không còn gì để biện minh cho Việt Nam nữa. Hồi trước, mình có thể nói Việt Nam bỏ phiếu trắng vì Việt Nam muốn hoà bình cho cả thế giới, thì bây giờ nhân quyền đâu, đạo đức ở đâu mà Việt Nam lại làm như thế?

Ở Việt Nam, mình đã được học hai lớp từ lớp 1 đến lớp 2, và có một môn “Đạo đức” mình rất thích. Môn Đạo đức người ta dạy mình cách làm con người như thế nào, còn đến khi Việt Nam bỏ phiếu chống để loại Nga ra khỏi Hội đồng của LHQ về quyền con người thì câu hỏi của mình là môn Đạo đức ngày xưa ấy có không? Và tất cả những người Việt Nam bỏ phiếu đấy thì có được học môn đấy không?

Mình cũng có nhiều bạn, nhất là có một bạn học cùng đại học với mình, từ thành phố Bucha. Trên trang cá nhân Istagram của cô ấy có rất nhiều ảnh đẹp từ Bucha. Đến bây giờ thì người ta không thể nhận diện ra thành phố mình mình đã sinh ra và lớn lên nữa. Em gái mình cũng có cô giáo có người thân ở Bucha. Cô có hỏi mình là “Tại sao Việt Nam làm như thế?”, mình không có câu trả lời. Mình cũng muốn hỏi câu đấy với những người mà mình quen trong quân chủng phòng không không quân Việt Nam, những người quen riêng của mình, rằng tại sao Việt Nam, ừ thì đi ra thế giới thì im lặng, vậy tại sao những người ở trong nước cũng im lặng?

Mình cũng có tìm hiểu về các công việc của Bộ Ngoại giao Việt Nam với các nước khác. Ví dụ khi mình cầm hộ chiếu Việt Nam của mình đi các nước thì hầu như các nước, ngoại trừ vài nước ở Đông Nam Á, thì mình đều phải có visa. Theo mình hiểu thì điều đó có nghĩa là Bộ Ngoại giao của mình làm việc chưa đủ tốt. Theo logic thì Việt Nam có thể có chính sách khác, mình không biết… Nhưng theo mình, Việt Nam không phải là đất nước của những người không hiểu biết. Bản thân mình thấy những nước đang ủng hộ Ukraine bây giờ có nhiều chỉ số tốt hơn đất nước Nga. Nga bây giờ đang bị cô lập về kinh tế, bị các nước phạt, các doanh nghiệp đóng cửa, quỹ vàng và ngoại hối bị cô lập, không giao dịch được, thì theo mình, ngay giờ phút này, Việt Nam đang chọn sai người để chơi.

Gần giống Nga và Belarus

VOA: Bạn có theo dõi những tranh luận và những ý kiến bất đồng tại Việt Nam về cuộc chiến tại Việt Nam hay không? Bạn nghĩ sao về thông tin tại Việt Nam về cuộc chiến mà bạn đã và đang chứng kiến?

Sinh viên Hoàng: Mình thực sự không có thời gian để xem đài báo ở Việt Nam nói thế nào. Nhưng theo những hiểu biết với những người mà mình đã nói chuyện ở Việt Nam thì người ta hiểu không đúng sự thật. Vì nhiều người là thế hệ trước và người ta chỉ nhớ là Liên bang Xô Viết ngày xưa đã giúp Việt Nam rất nhiều. Đó là sự thật. Nhưng Liên bang Xô Viết không chỉ là Liên bang Nga, mà trong đó còn có Kazashtan, Ukraine và những nước xung quanh. Nhiều người cũng không phân biệt được chủ nghĩa phát xít là gì, chủ nghĩa dân tuý là gì, và theo mình biết thì propaganda (tuyên truyền) bên Nga và Việt Nam dường như là giống nhau vì thông tin bị cô lập trong nước và không có thông tin hai chiều.

Thời gian gần đây mình cũng nói chuyện với những người bạn đã lớn lên ở Ukraine với mình và đang ở Việt Nam sinh sống và học tập tiếp. Các bạn nói là ở Việt Nam người ta khuyên các bạn không đi ra các đường phố để biểu tình. Theo mình, là một người đã được sinh ra ở một đất nước tự do và lớn lên ở một đất nước tự do, thì mình thấy là chế độ ở Việt Nam bây giờ đang giống gần với chế độ ở Nga và Belarus, những nước mà mình không thể lên tiếng tự do được. Mỗi lần mình muốn nói gì đó thì đều bị trừng phạt.

VOA: Cám ơn Hoàng đã dành thời gian cho VOA.

VOA Express

XS
SM
MD
LG