Tuần rồi, 7 tiểu bang do Texas dẫn đầu kiện chính phủ liên bang yêu cầu hủy chương trình DACA, biện pháp pháp lý mà họ đã áp dụng để xóa bỏ một chính sách di trú khác cũng gây tranh cãi.
DACA, Trì hoãn Hành động đối với những người đến Mỹ khi còn nhỏ, cho phép những người trẻ đến Mỹ từ thuở thiếu thời không có giấy tờ hợp lệ được sống và làm việc hợp pháp tại Mỹ.
Chương trình Hoãn hành động đối với Cha mẹ công dân Mỹ và Thường trú nhân Hợp lệ, còn được gọi là DAPA, đã được đề nghị cùng thời điểm như một hành động của cơ quan hành pháp bảo vệ 4 triệu cư dân khỏi bị trục xuất, hầu hết những người này là cha mẹ của công dân Mỹ.
Tuy nhiên, DAPA không bao giờ có hiệu lực vì Tối cao Pháp viện Mỹ vào năm 2014 tuyên bố DAPA vi hiến.
Đơn kiện DAPA đầu tiên được 26 tiểu bang đệ lên Tòa án Liên bang Texas do Texas dẫn đầu
“Tòa án ngăn chặn DAPA sau khi tôi dẫn đầu một Liên minh các tiểu bang thách thức tính hợp hiến của DAPA lên đến Tối cao Pháp viện,” Tổng Chưởng lý Texas Ken Paxton nói trong một cuộc họp báo loan báo vụ kiện trong tuần qua. “Liên minh chúng tôi tin tưởng là cuối cùng qua đơn kiện liên bang của chúng tôi, DACA sẽ cùng chung số phận.”
Vụ kiện DACA cũng cùng một lối như vậy, đầu tiên cũng đưa lên cùng một thẩm phán tại Brownville, Texas, sau đó có khả năng sẽ kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Liên bang số 5 và sau cùng là lên Tối cao Pháp viện.
Tuy nhiên, cũng có những khác biệt.
Trong khi DAPA chưa bao giờ có hiệu lực, hơn 700.000 người trẻ đã tham gia chương trình DACA. Và chính sách này được công chúng Mỹ ủng hộ.
Tổng thống Donald Trump chấm dứt chương trình DACA vào tháng 9 năm ngoái, nói rằng Quốc hội nên thông qua một đạo luật để làm cho chính sách này hợp pháp. Tuy nhiên, Quốc hội đã không đạt được thỏa thuận về DACA.
Kể từ đó, Tòa án tại 3 nơi đã ra phán quyết là chương trình này phải tiếp tục trong khi các vụ kiện tụng đang chờ giải quyết. Do đó, Cơ quan Di trú Mỹ USCIS vẫn nhận đơn để gia hạn DACA thêm hai năm nữa.
Đã có 3 phán quyết thuận lợi cho DACA. Với một phán quyết thứ 4 chắc là bất lợi, chính phủ liên bang có thể bị kẹt giữa những phán quyết trái ngược nhau.
Cuối cùng vụ kiện DACA sẽ lên đến Tối cao Pháp viện Mỹ và cơ quan này sẽ phải quyết định xem DACA có đi cùng con đường như DAPA trước đây hay không.