Những lời chống đối mới do các chính trị gia đối lập đưa ra đã gây trở ngại cho việc chính phủ Nam Triều Tiên cuối cùng muốn phê chuẩn một hiệp định thương mại quan trọng đã ký với Hoa Kỳ cách đây gần 4 năm rưỡi.
Một số chính trị gia hy vọng các cuộc thương lượng vào phút chót sẽ ngăn tránh được điều có thể biến thành một vụ xô xát tay chân giữa các nhà lập pháp.
Đảng Đại Quốc đã hội đủ số phiếu tại Quốc hội để thúc đẩy việc phê chuẩn, cho dù tất cả các thành viên thuộc các đảng đối lập phản đối. Nhưng trong bối cảnh sắp diễn ra các cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống vào năm tới, đảng cầm quyền muốn tránh các biện pháp mạnh tay có thể làm xói mòn thêm sự ủng hộ của quần chúng.
Mặc đầu phe đối lập Nam Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ ủng hộ thỏa thuận thương mại lúc còn cầm quyền dưới chính quyền trước, vào năm 2007, họ bất mãn với những khoản điều chỉnh đã thương lượng với Washington hồi năm ngoái.
Phía chống đối còn nói rằng những thay đổi đem lại những lợi ích một cách bất công cho các nhà sản xuất xe hơi Mỹ và sẽ gây thiệt hại cho các nông gia và công nghiệp của Nam Triều Tiên.
Trong số những người phản đối Hiệp định Tự do Thương mại giữa Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ có tân đô trưởng Seoul, ông Park Won-soon. Ông là một ứng viên độc lập không thuộc đảng nào đã được bầu lên cách đây 2 tuần lễ với sự hậu thuẫn nhất trí của các đảng đối lập cấp tiến.
Mặc dầu việc một đô trưởng đưa ra lập trường về các vấn đề chính sách quốc gia là một sự kiện hiếm khi xảy ra, ông Park tuyên bố hiệp định thương mại cần phải được duyệt lại để xác định tất cả những ảnh hưởng mà hiệp định sẽ có đối với người dân và các cơ sở kinh doanh nhỏ tại thủ đô 10 triệu người.
Chẳng hạn, ông Park lập luận rằng thỏa thuận với Hoa Kỳ sẽ vượt lên trên những quy định của thành phố nhằm bảo vệ các cửa hàng trong khu phố khỏi bị cạnh tranh ồ ạt của các siêu thị và các cửa hàng lớn khác.
Một số các nhà lập pháp đối lập đang đòi Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak họp với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama để bãi bỏ một điều khoản giải quyết tranh chấp.
Điều khoản về tranh chấp giữa giới đầu tư và nhà nước cho phép các vụ kiện chính phủ được giải quyết bởi một hội đồng tài phán quốc tế.
Đó là tiêu chuẩn của nhiều hiệp định tự do mậu dịch, nhưng nó lại châm ngòi cho một sự phản đối kịch liệt tại thủ đô Nam Triều Tiên trong mấy ngày qua.
Những người ủng hộ hiệp định nói rằng thông tin sai lạc đã được lan truyền qua các phương tiện truyền thông xã hội về điều khoản này. Chẳng hạn, nhiều thông điệp trên mạng được truyền đi nói rằng hiệp định sẽ dẫn tới một cơn dịch bệnh bò dại, xóa sạch ngành trồng lúa gạo, đường phố tràn ngập súng ống và tư hữu hóa các dịch vụ y tế.
Quốc hội Hoa Kỳ đã phê chuẩn hiệp định hồi tháng trước và Tổng thống Obama đã ký thành luật.
Chính phủ Nam Triều Tiên đã hy vọng sẽ được sự phê chuẩn của Quốc hội vào lúc này để bộ luật có thể có hiệu lực trước ngày 1 tháng giêng năm tới. Nhưng các nhà lập pháp đối lập đã chiếm một phòng của ủy ban để ngăn chặn việc thỏa thuận được chuyển ra trước toàn thể quốc hội.
Các nhóm công nghiệp ủng hộ hiệp định nói rằng theo dự kiến hiệp định này sẽ làm cho kim ngạch mậu dịch 2 chiều tăng thêm hơn 15 tỷ đôla mỗi năm.
Đảng cầm quyền ở Nam Triều Tiên cho biết dự định đề nghị Quốc hội mau chóng phê chuẩn một hiệp định thương mại quan trọng với Hoa Kỳ. Nhưng sự kiện này có thể đưa đến việc các nhà lập pháp chống đối nhau một lần nữa lại xung đột, một điều thỉnh thoảng lại xảy ra ở Nam Triều Tiên.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Việt Nam phạt nặng lỗi giao thông: đường sá rối loạn, dân tình ta thán
2Phái đoàn Đài Loan sẽ mang 'lời chúc tốt đẹp nhất' đến lễ nhậm chức của Trump
3TikTok đối mặt với hạn chót trước khi lệnh cấm có hiệu lực ở Mỹ
4TT Biden duyệt tên mới cho bưu điện ở Westminster, tôn vinh cựu binh Chiến tranh Việt Nam
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!