Trung Quốc tuyên bố không sử dụng vũ lực trong những vụ tranh chấp với các nước láng giềng ở Biển Đông (biển Nam Trung Hoa), nhưng đưa ra một lời phản bác ngầm đối với các vị thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng quân đội Hoa Kỳ nên bảo vệ tự do hàng hải của thủy lộ chiến lược này.
Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ 3 nói rằng Trung Quốc sẽ không “sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực” trong vụ tranh chấp lãnh thổ đang gia tăng cường độ với Việt Nam và Philippines.
Ông Hồng Lỗi nói rằng những vụ tranh chấp nên được giải quyết thông qua thương thuyết với “những nước có liên hệ trực tiếp”.
Tuyên bố này rõ ràng là để đáp lại một dự luật được đệ trình ở quốc hội Mỹ hôm thứ Hai bởi hai thượng nghị sĩ hàng đầu của ủy ban giám sát chính sách đối ngoại của Mỹ ở vùng Đông Á.
Dự luật của thượng nghị sĩ Jim Webb thuộc đảng Dân chủ và thượng nghị sĩ James Inhofe thuộc đảng Cộng hòa tố cáo Trung Quốc sử dụng sức mạnh trong những vụ tranh chấp biển đảo, và yêu cầu quân đội Hoa Kỳ Hoa Kỳ “khẳng định và bảo vệ quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông.
Phát biểu hôm thứ Hai tại một cuộc hội thảo ở Washington, thượng nghị sĩ Webb cho biết ông nghĩ là Hoa Kỳ đã có lập trường quá nhu nhược đối với những vụ tranh chấp, vốn đã sôi sục trong nhiều tuần qua.
Hôm thứ Hai, Việt Nam đã tiến hành những cuộc thao dượt bắn đạn thật trong vùng biển phía đông mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã làm Trung Quốc tức giận khi cùng với những nước khác tham dự một hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực yêu cầu áp dụng đường lối đa phương để giải quyết những vụ tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng tuyên bố việc duy trì tự do hàng hải trong vùng biển này là lợi ích quốc gia của Mỹ.
Tuy nhiên, Washington không tuyên bố gì nhiều về những vụ xích mích mới nhất giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Giới hữu trách Hoa Kỳ chỉ kêu gọi các bên liên hệ giải quyết những mối bất đồng một cách hòa bình. Hôm chủ nhật vừa qua Việt Nam tõ ý hoan nghênh những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông.
Cuối tháng trước Việt Nam tố cáo các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02, một chiếc tàu khảo sát địa chấn, trong vùng biển mà Hà Nội tuyên bố là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của mình. Trong một vụ việc thứ nhì hồi tuần trước, một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc cũng tìm cách cắt cáp thăm dò của một chiếc tàu khảo sát khác của Việt Nam là tàu Viking II.
Trung Quốc cho rằng vụ việc thứ nhì là một tai nạn, nhưng tuyên bố cả hai vụ việc đều xảy ra trong vùng biển thuộc quyền quản lý của họ.
Trong khi đó, Philippines tố cáo Trung Quốc bốc dỡ vật liệu xây dựng và dựng cột chủ quyền trên những hòn đảo nhỏ ở quần đảo Trường sa mà Manila cho là nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của mình.
Philippines tố cáo rằng hành động đó của Trung Quốc vi phạm một thỏa thuận mà Bắc Kinh ký kết với các nước ASEAN năm 2002.
Trung Quốc bác bỏ tố cáo của Manila và nói rằng họ hành động một cách hợp pháp trong vùng biển thuộc quyền quản lý của họ.
Nguồn: VOA’s CN 1031883