Phi hành đoàn của Discovery lần này gồm 5 người và một robot tên “Robonaut 2” cân nặng 120 kilogram. Trên đường đến Trạm Không Gian Quốc Tế, Robonaut 2 nằm yên trong một ngăn kéo, nó chỉ thực sự hoạt động khi Discovery tắp vào trạm.
Các chuyên viên của NASA hy vọng robot này sẽ dọn đường cho việc sử dụng công cụ này nhiều hơn trong các chuyến thăm dò không gian trong tương lai.
Robonaut 2 có một cái đầu đội mũ bảo hiểm rất đẹp bằng kim loại, có hai cánh tay, bàn tay, và ngón tay có thể hoạt động y như bàn tay con người.
Kỹ sư Josh Mehling, Trưởng nhóm chế tạo robot cho NASA nói cánh tay và bàn tay của robot sẽ được sử dụng để giữ những vật nó nhặt được, thay vì bóp giẹp những vật đó:
“Cánh tay giúp robot cảm nhận được những lực đang nắm trong tay, và bán tay có 5 ngón cũng cảm nhận được món đang cầm là món gì.”
Ông Mehling cho biết Robonaut 2 làm được nhiều công việc thường lệ trên Trạm Không Gian Quốc Tế, giúp con người tiết kiệm được năng lượng và thời giờ:
“Nó có thể dựng lên một chỗ làm việc cho phi hành gia, dọn dẹp sau khi phi hành gia làm xong, hoặc nó có thể cầm giữ một dụng cụ nào đó cho phi hành gia trong khi làm việc. Mục tiêu của chúng tôi là để các phi hành gia bớt bận tâm vào những chuyện thông thường và chú ý vào công tác nghiên cứu khoa học, dùng nhiều đến bộ óc thực sự.”
Ngoài robot, phi thuyền con thoi Discovery còn mang một mô-đun để chứa đồ và hàng tiếp tế cho trạm.
Cuộc hành trình sẽ kéo dài 11 ngày và sẽ là chuyến bay thứ 39, chuyến bay cuối cùng của Discovery. Kể từ khi được phóng đi lần đầu tiên vào năm 1984, Discovery đã bay được 230 triệu kilomet.
Các phi thuyền con thoi còn lại của Mỹ- là Endeavour và Atlantis - sẽ bay chuyến cuối cùng từ giờ đến cuối năm.
Chuyên viên tại Trung tâm Không gian Kennedy, tiểu bang Florida đang kiểm tra cho chuyến bay cuối cùng của Phi thuyền con thoi Discovery, dự trù vào chiều thứ Năm. Trong số những thứ mang theo lên Trạm Không Gian Quốc Tế có một robot để giúp các phi hành gia làm những chuyện thông thường.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1