Hôm thứ Ba, Tây Ban Nha nhận thêm những tin buồn với con số cho thấy mức thất nghiệp tiếp tục leo thang trong tháng Ba trong 8 tháng liền, lên tới 4 triệu 750 ngàn người, một con số cao kỷ lục.
Thống kê này được đưa ra sau một phúc trình tương tự gây lo ngại cho khối đồng euro, cho thấy mức thất nghiệp trong khối tiền tệ chung cũng đều đặn tăng lên đến mức 10,8% trong tháng Hai.
Cùng với những dự báo cho thấy kinh tế trong khu vực có phần chắc sẽ rơi trở lại vào tình trạng suy thoái trong năm 2012, điều này có nghĩa là sẽ thêm một năm khó khăn nữa cho khu vực đồng euro.
Nhưng đặc biệt là Tây Ban Nha bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cứ 4 người trong tuổi làm việc lại có gần 1 người thất nghiệp. Con số này tăng lên đến 50% trong giới trẻ dưới 25 tuổi.
Nghiên cứu sinh về kinh tế John Springford, thuộc Trung tâm Cải Tổ cho Châu Âu, trụ sở tại London, nói bản chất của thị trường nhân dụng Tây Ban Nha, với một số rất lớn công nhân chỉ có những hợp đồng làm việc tạm thời, ngắn hạn, làm cho những khó khăn của quốc gia tăng lên gấp bội. Ông nói:
”Viễn ảnh thực là bi quan. Khối euro đang dự kiến kinh tế Tây Ban Nha sẽ suy thoái chừng 2,2%. Nhưng thành thật mà nói con số này còn là lạc quan, vì mức độ nợ nần của khu vực tư quá lớn. Vì vậy chính phủ bị mắc kẹt trong một tình huống rất khó khăn.”
Vào thứ Sáu, chính phủ Tây Ban Nha công bố một ngân sách rất eo hẹp so với nhiều thập niên nay, và bày tỏ quyết tâm theo sát, bất chấp những vụ biểu tình chống đối các biện pháp khắc khổ thêm nữa.
Những cắt giảm này đi theo cùng một mô thức với việc cắt giảm ngân sách của các nước thành viên EU khác có nền kinh tế đang chao đảo, như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland.
Nhưng ông Springford cùng một nhóm phân tích gia khác lên tiếng chỉ trích các biện pháp này. Ông nói:
”Xét trên nhiều phương diện, đây là những biện pháp tự hại chính họ. Nếu quí vị nhìn vào Hy Lạp và Ireland, chúng ta chứng kiến thấy sự sút giảm ghê gớm của tổng sản lượng nội địa GDP. Chúng ta đã chứng kiến mức nợ nần gia tăng trong toàn thể nền kinh tế, và trong trường hợp Hy Lạp, lại cần tới một loạt cứu nguy thứ nhì, điều đó rất có thể xảy ra tại Ireland nữa. Vì thế sách lược này có những nguy cơ rất lớn.”
Chính phủ Tây Ban Nha nói họ không cần EU cứu nguy. Nhưng ông Springford là một trong những người không tin chắc được như vậy. Ông và một số các chuyên gia phân tích khác cũng đã chỉ trích thỏa thuận trong tuần qua gia tăng quĩ cứu nguy của khu vực đồng euro.
Họ cho biết số tiền trong quĩ cứu nguy mới không đủ để bảo vệ khối các nước sử dụng đồng euro trước tình trạng đầu cơ trên thị trường và không đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu trợ giúp tài chính cùng một lúc của Tây Ban Nha và những nền kinh tế khác đang phải chật vật đối phó với khó khăn bủa vây.
Tây Ban Nha đang dẫn trước trong lúc những số liệu mới cho thấy mức thất nghiệp trong khu vực đồng euro tăng vọt tới mức kỷ lục. Cùng với những tiên liệu mới đây cho thấy mức tăng trưởng rất thấp hoặc không tăng trưởng, những dự báo này gợi lên viễn ảnh kinh tế ảm đạm trong năm nay.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1