Đường dẫn truy cập

Tokyo tranh đăng cai Olympic 2020: Một dấu hiệu hồi phục sau thiên tai 11/3


Cổ động viên thể thao Nhật Bản tại World Cup 2010 (ảnh tư liệu)
Cổ động viên thể thao Nhật Bản tại World Cup 2010 (ảnh tư liệu)

Loan báo mới đây của Tokyo sẽ tranh quyền đăng cai Olympic 2020 cho thấy tinh thần rất đáng khâm phục của người Nhật trong nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai động đất và sóng thần 11 tháng 3. Quyết định này của Tokyo cũng chứng tỏ với thế giới một dấu hiệu hồi phục của Nhật Bản và khả năng tổ chức thành công đại hội thể thao lớn nhất hành tinh này; tuy nhiên dư luận vẫn tỏ ra lo ngại về viễn ảnh rủi ro phóng xạ hạt nhân.

Nhân dịp đánh dấu 100 năm Ủy ban Olympic Nhật Bản, Chủ tịch Tsunekazu Takeda của tổ chức này tuyên bố thủ đô Tokyo sẽ là ứng viên tranh đăng cai Thế vận hội mùa Hè 2020.

Ông Takeda nói rằng ngày nay "nước Nhật đang hồi phục từ thiên tai động đất, sóng thần, và Nhật Bản mong muốn tổ chức Olympic 2020 như là một biểu tượng của sự hồi phục." Loan báo này của Ủy ban Olympic Nhật Bản nhận được sự ủng hộ to lớn của công chúng, nhưng cũng gặp phải những ý kiến bất đồng.

Ông Đỗ Thông Minh, một học giả gốc Việt định cư lâu năm tại Tokyo: "Cá nhân tôi không thể nào vẽ lên bức tranh toàn cảnh dư luận của người Nhật. Tuy nhiên qua một số hiểu biết, thì chúng tôi thấy như thế này – Trước đây Tokyo đã tranh đang cai Thế vận hội 2016, và cuối cùng đã thua Rio de Janeiro của Brazil. Có nhiều yếu tố, là bởi vì Nhật đã tổ chức Thế vận hội rồi vào năm 1964, còn Brazil là một nước Nam Mỹ lần đầu tiên, cái 'lần đầu tiên' đó cũng có ít nhiều được người ta ủng hộ để nâng một nước Nam Mỹ lên. Tuy nhiên cũng có những yếu tố khác, đặc biệt một yếu tố rất được quan tâm là sự ủng hộ của người dân. Những thăm dò cho thấy chính người dân Tokyo và nước Nhật – trên nguyên tắc cũng ủng hộ, nhưng không nồng nhiệt lắm so với người dân ở các quốc gia tranh đăng cai khác, cụ thể như Brazil.

Lần này Tokyo lại xin đăng cai Olympic 2020 trong tình hình khó khăn sau thiên tai động đất và khó khăn về vấn đề công trái phiếu. Chúng ta biết Nhật Bản hiện đang nợ công trái phiếu trên 10 ngàn tỉ đôla, tức là gấp đôi GDP của nước này, so với Hoa Kỳ nợ ngang với GDP, tức 100%, còn Nhật Bản đến 200%, hoặc như Việt Nam thì khoảng từ 50% đến 60%. Chính Tokyo cũng đang có mức nợ công rất lớn. Cho nên nếu đi vào chương trình này có thể sẽ phải đầu tư từ 10 đến 20 tỉ đôla, thì nợ nần sẽ tăng lên, mặc dù việc tổ chức đại hội như vậy thì hiệu quả kinh tế rất cao, có thể tăng thêm vài chục tỉ đôla. Trong hoàn cảnh trước đây không có những khó khăn như hiện tại mà dư luận lại không ủng hộ nhiều lắm, còn với chương trình nhắm tới năm 2020 như hiện nay thì cũng không biết sẽ có được chọn hay không, một phần cũng là do chính tâm lý của người dân Nhật lúc này."

Tokyo còn lại là thành phố duy nhất của Nhật Bản theo đuổi mục tiêu tranh đăng cai Olympic 2020 sau khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki ban đầu dự định cùng đứng chung liên danh với Tokyo nhưng sau đó đã rút lui vì những khó khăn về tài chánh.

Ông Đỗ Thông Minh nói: "Mỗi lần đứng ra xin đăng cai không thôi cũng tốn cả trăm triệu đôla. Tức là mình phải chuẩn bị cơ sở, rồi tuyên truyền vận động mấy năm trời, bởi vì phải tranh với nhiều nước. Sở dĩ người ta muốn tổ chức là để nâng uy tín, và cái gọi là hiệu quả kinh tế. Giống như mới vừa rồi Hàn Quốc tranh được quyền đăng cai Thế vận hội mùa Đông lần đầu tiên. Nhật thì đã tổ chức hai lần Thế vận hội mùa Đông rồi. Chúng ta thấy Hàn Quốc rất mừng với sự kiện đó. Có được một đại hội như vậy thì cần phải có sự đầu tư một tỉ, hai tỉ đôla (đối với Thế vận hội mùa Đông), nhưng hiệu quả kinh tế có thể lên đến 10 tỉ. Thế vận hội mùa Hè thì cao hơn nhiều. Anh kỳ này có thể vì thiếu tiền nên chỉ đầu tư mười mấy tỉ, trong khi đó Trung Quốc trước đó đầu tư trực tiếp hai mươi mấy tỉ, và gián tiếp 20 tỉ, tức tổng cộng 40 tỉ. Vì nó mang lại một hiệu quả kinh tế cao nên người ta rất ham tổ chức."

Tranh được quyền đăng cai Thế vận hội 2020 sẽ là một động lực lớn thúc đẩy công cuộc tái thiết cho các thành phố bị hư hại trong thiên tại 11 tháng 3 vừa qua ở Nhật.

Ông Đỗ Thông Minh: "Bây giờ có được [trao quyền đăng cai] hay không thì không biết, nhưng đến năm 2020 thì chuyện động đất, sóng thần đến giờ đó cũng đã qua rồi; 10 thì mọi chuyện xem như cũng xong hết rồi. Làm những chương trình lớn như vấn đề tái thiết thì chắc chắn phải bán công trái phiếu. Đó là cái nợ nần của chính phủ, nó gây mất uy tín, mất niềm tin v.v. nhưng một khi số tiền lớn như vậy được tung ra thì nó cũng mang lại một hiệu quả kinh tế. Chắc chắn những thành phố bị đổ nát như chúng ta thấy hiện nay sẽ đẹp hơn xưa, vì khi được tái thiết bằng công nghệ hiện đại, chẳng hạn như pin mặt trời, năng lượng gió, đường dây điện được chôn dưới đất ... vì một khi xây cất lại thì phải làm theo quy hoạch, chứ không để cho 'tự biên, tự diễn' nữa. Tiền thì đương nhiên là nợ nần, nhưng thành phố thì chắc chắn sẽ đẹp hơn, và sẽ công ăn việc làm trong giai đoạn đó. Cái bối cảnh là như vậy.

Người chủ trương điều này là Đô trưởng Shintaro Ishihara, nguyên là dân biểu và là người đã viết chung với ông Morita cuốn 'Japan That Can Say No' làm kinh ngạc nước Mỹ mười mấy năm về trước. Ông Ishihara đã làm đô trưởng 3 nhiệm kỳ, tức 12 năm rồi, và vừa mới đắc cử nhiệm kỳ thứ tư."

Đô trưởng Ishihara cam kết rằng chính phủ sẽ hết lòng ủng hộ nỗ lực tranh đăng cai Olympic của Tokyo.

Tuy nhiên những nỗ lực vược bậc khắc phục hậu quả thiên tai của nước Nhật và hướng đến mục tiêu tranh quyền đăng cai Olympic 2020 vẫn bị viễn ảnh phóng xạ hạt nhân bao phủ; đồng thời cũng gặp phải những ý kiến không tán đồng của các nhà bảo vệ môi sinh.

Ông Đỗ Thông Minh: "Chúng tôi thấy việc đưa ra quyết định xin đăng cai Olympic 2020 vừa rồi có lẽ cũng chỉ tạo được một tiếng vang vừa phải thôi. Một số dư luận phản đối trước đây khi chưa có vấn đề động đất, sóng thần hay phóng xạ, nhưng người ta sợ là khi có những công trình kiến trúc này, thì từ những người dân bình thường đến những người hơi có tư tưởng cấp tiến một chút đều lo ngại nhất là vấn đề môi sinh. Khi xây cất như vậy thì phải quy hoạch, phá đất, phá rừng, rồi làm đường cao tốc, rồi xả rác v.v. Hiệu quả kinh tế thì không ai phủ nhận được, nhưng đất Tokyo quá chật hẹp như vậy mà lại cất thêm những công trình lớn thì môi sinh sẽ càng ngày càng bị hủy hoại.

Bây giờ lại cộng thêm chuyện phóng xạ. Cái phóng xạ không phải chỉ là một tháng, một năm, mà nó còn có thể kéo dài. Thí dụ chuyện khắc phục lò nguyên tử ở Fukushima có thể phải mất cả năm trời. Và đến khi hủy được cái lò này cũng phải mất từ 10 năm đến 20 năm. Vào thời điểm đó thì có thể ít nhiều dư luận sẽ e ngại, bởi vì không ai muốn đi chơi, muốn vui, muốn du lịch, muốn đi xem thể thao mà lại cứ canh cánh bên lòng là không biết cái lò phóng xạ đó nó như thế nào. Không phải chỉ lò phản ứng ở Fukushima có vấn đề thôi, mà thí dụ lò phản ứng ở Chubu, tức là vùng trung bộ, ở tỉnh Shizuoka -- hiện thì không có vấn đề gì cả, nhưng nó cũng nằm ở vị trí tương tự như ở Fukushima, tức là cũng ven biển mà cũng không có đê che chặn gì đầy đủ cả. Và người ta sợ là nếu có động đất ở cấp 8, thì lò này cũng bị tai họa không khác gì ở Fukushima. Thêm những yếu tố như thế thì làm cho chính người Nhật cũng e dè chứ chưa nói đến du khác từ các nơi đổ về Nhật, nếu và có tổ chức Olympic."

Thành Rome của Ý và Madrid của Tây Ban Nha đã chính thức công bố dự tranh quyền đăng cai Olympic 2020. Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chuẩn bị tham gia cuộc đua này nhưng chưa loan báo quyết định chính thức.

Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ chọn ra thành phố để trao cho quyền đăng cai Olympic 2020 vào năm 2013.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG