Đường dẫn truy cập

World Cup Nam Phi là sự kiện thể thao nổi bật nhất năm 2010


Một sân vận động World Cup 2010 của Nam Phi
Một sân vận động World Cup 2010 của Nam Phi

World Cup 2010 đã kết thúc cách đây gần sáu tháng, song hình ảnh và không khí của một vòng chung kết thành công vẫn sống động trong lòng người dân Nam Phi. Với giới hâm mộ thể thao trên toàn thế giới thì World Cup Nam Phi thật sự là một sự kiện thể thao nổi bật nhất trong năm. Còn đối với các nhà tổ chức và chính phủ nước chủ nhà thì World Cup 2010 là thành tựu cao nhất của nhiều năm nỗ lực.

Người dân Nam Phi vẫn nhớ không khí sôi động của World Cup đầu tiên của châu Phi diễn ra trên đất nước của họ. Trong những ngày đón chờ lễ khai mạc, sinh hoạt hội hè ở những nơi công cộng trong cảm giác phấn chấn của người dân Nam Phi thường được tổ chức thành những buổi diễu hành.

Thông tín viên Scott Bobb của đài VOA từ Johannesburg mới đây tường trình rằng Bộ trưởng Du lịch Nam Phi Marthinus van Schalkwyk trong một báo cáo hồi gần đây nói rằng hơn 300 ngàn lượt du khách quốc tế đã đến nước ông trong thời gian một tháng của vòng chung kết bóng đá thế giới, và ước tính du khách đã chi tiêu nửa tỉ đôla tại Nam Phi trong khoảng thời gian đó.

Bộ trưởng Van Schalwyk nói: "Thành công của World Cup 2010 sẽ tiếp tục âm vang trên thế giới trong nhiều năm tới. Thành công này nâng cao uy tín của Nam Phi, để thế giới xem quốc gia này là nơi có đủ khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế, các đại hội thể thao, các hội nghị, và Nam Phi còn là một nơi tham quan du lịch lý tưởng. World Cup vừa qua thực sự là một gương thành công lớn."

Ông Van Schalkwyk nói cổ động viên nước ngoài đến Nam Phi nhiều nhất là từ các nước châu Phi, chiếm 38%, kế đến là châu Âu và châu Mỹ; còn nếu tính theo quốc gia thì thì du khách Mỹ dẫn đầu bảng thống kê với hơn 30 ngàn người, kế đến là Mozambique và Anh Quốc.

Cũng theo báo cáo của Bộ Du lịch Nam Phi thì gần 60% cổ động viên World Cup đến Nam Phi lần đầu tiên, và 80% trong số đó cho biết đó cũng là lần đầu tiên họ trực tiếp tham gia cổ động World Cup.

Còn trong số các du khách đã từng tham gia cổ động trực tiếp ở một hoặc những kỳ World Cup trước, 50% đánh giá rằng World Cup Nam Phi là ấn tượng nhất, và đến 90% trong số này cho biết họ sẽ có kế hoạch trở lại thăm Nam Phi.

Ông Danny Jordaan, chủ tịch Ủy ban tổ chức nói rằng World Cup đã tạo cơ hội cho đất nước ông trình bày với thế giới rằng Nam Phi là một địa điểm du lịch thuộc đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên ông Jordaan nhấn mạnh rằng một mục tiêu quan trọng là cổ vũ cho tình thần hòa hợp và đoàn kết dân tộc sau nhiều năm bất bình đẳng, kỳ thị của chế độ tách biệt chủng tộc Nam Phi.

Ông Joraan nói: "Đất nước của chúng tôi có một quá khứ bị chia cắt, một quá khứ đầy mâu thuẫn và xung đột gần như chiến tranh. Do đó xây dựng một nước Nam Phi đoàn kết, không phân biệt chủng tộc là một nhiệm vụ trọng yếu của mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng cường và phát triển sâu rộng dân chủ của đất nước.

Ông Nguyễn Văn Thức một trong số rất ít người Nam Phi gốc Việt sống tại thành phố Durban nói với đài VOA: "Trong thời gian World Cup, người Nam Phi rất đoàn kết. Hầu như tình hình tội phạm giảm tối đa. Sau World Cup thì tình hình an ninh vẫn tiếp tục tốt hơn là thời chưa có World Cup."

World Cup còn tạo ra một động lực khuyến khích đầu tư vào lãnh vực cơ sở hạ tầng. Trong khoảng thời gian hơn 4 năm trước đó, chính phủ Nam Phi đã chi tiêu ước tính khoảng 12 tỉ đôla để xây dựng các sân vận động, phi trường, mở rộng hệ thống đường sắt và đường bộ. Bên cạnh đó Nam Phi còn chi tiêu 160 triệu đôla cho lãnh vực an ninh, trong đó có các chương trình bảo đảm an ninh trật tự ở những nơi tập trung đông người, trang thiết bị mới, và một hệ thống tòa án đặc biệt để giải quyết những trường hợp vi phạm tại các địa điểm phục vụ World Cup.

Bộ trưởng Du lịch Schalkwyk nói những đầu tư đó thật là đáng giá. Ông nói: "Nhìn lại World Cup, là người Nam Phi chúng tôi bây giờ có thể hoàn toàn tự hào nói rằng các các đầu tư đó thật đáng giá đến từng xu, đến từng mỗi kilowatt năng lượng và đến từng phút từng giây một."

Số lượng vé đến sân xem 64 trận đấu bán ra đạt đến con số hơn 3 triệu vé, trở thành World Cup có số lượt người xem cao thứ ba, sau Mỹ vào năm 1994 và Đức vào năm 2006. Bên cạnh đó còn có hàng tỉ lượt khán giả theo dõi các trận đấu trên màn ảnh truyền hình ở mọi nơi trên thế giới.

Hàng trăm ngàn người hâm mộ theo dõi các trận đấu trên các màn hình khổng lồ tại các công viên trên cả nước, cùng với hàng triệu người xem truyền hình tại các quán cà phê hay ở nhà.

Trách nhiệm xã hội cũng được đặt biệt chú trọng tại World Cup Nam Phi. Cơ quan quản lý bóng đá quốc tế, tức FIFA đã bảo trợ và phối hợp với nước chủ nhà tổ chức Giải bóng đá Ước vọng dành cho các bạn trẻ kém may mắn đến từ 40 nước trên thế giới.

Cũng nhân dịp World Cup này, FIFA đã thành lập 20 trung tâm Bóng đá Ước vọng đầu tiên tại châu Phi. Chương trình này nhằm thu hút các bạn trẻ kém may mắn tham gia các hoạt động bóng đá, và qua đó nhận được sự đào tạo, hướng dẫn về chăm lo sức khỏe, dinh dưỡng và một số kỹ năng xã hội.

Tiếng tù và vuvuzela đã gây khó chịu cho nhiều người hâm mộ ở những ngày đầu của vòng chung kết, thế nhưng không lâu sau đó âm thanh và hình ảnh của vuvuzela đã trở thành một phần biểu tượng của World Cup 2010. Vuvuzela từ đó đã được phổ biến rộng ra trên thế giới và sẵn sàng xuất hiện ở những hội hè nào có liên quan đến World Cup. Gần đây nhất người hâm mộ lài được chứng kiến hình ảnh một số bạn trẻ ở Qatar dùng cây kèn vuvuzela để góp vào niềm hân hoan khi đất nước của họ được FIFA trao cho quyền đăng cai World Cup 2022.

Nhiều người dân Nam Phi trong niềm hân hoan của một World Cup được nước họ đăng cai thành công đang mơ ước trong một tương lai không xa được chứng kiến Thế vận hội diễn ra trên đất nước của họ.

Ông Thức nói với đài VOA: "Trong tương lai thành phố của tôi cũng có thể là thành phố Olympic đấy. Tuần vừa rồi Ủy ban Olympic Quốc tế họp ở thành phố này. Cũng có thể là Olympic 2020 sẽ diễn ra ở thành phố Durban. Thành phố này tổ chức World Cup tốt nên người ta cũng muốn để cho tổ chức Olympic luôn. Mấy thành phố khác cũng muốn để cho Durban tổ chức Olympic."

Tiếp theo sau thành công của World Cup 2010, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, ông Jacques Rogge đã không ngần ngài phát biểu rằng, ông hy vọng ủy ban của ông sớm nhận được đơn xin đăng cai Olympic từ một quốc gia châu Phi, tuy ông không nói cụ thể quốc gia nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG