Vào tháng 5 năm 2009, khi quân chính phủ Sri Lanka bao vây phe Hổ Tamil trong vùng Đông Bắc, chuyên viên vệ tinh thuộc hội các nhà Thăng Tiến Khoa học Hoa Kỳ, AAAS, chăm chú nhìn vào hai bộ ảnh chụp từ vệ tinh.
Hai tổ chức nhân quyền HRW và Ân xá Quốc tế, AI, phải nhờ đến AAAS vì họ quan tâm đến số phận của thường dân trong khu vực bị bao vây.
Hai bộ hình vệ tinh, một được chụp ngày 6 tháng 5, khi cuộc chiến bắt đầu nổ lớn; và một được chụp ngày 10 tháng 5, khi trận chiến giảm bớt.
Chuyên viên Bromley nói có những hố đạn trên hình cho thấy quân chính phủ Sri Lanka đã pháo vào một khu vực đã được chỉ định là vùng an toàn của thường dân.
Ông nói tiếp: “Về cơ bản, chúng tôi có thể xác định được hố đạn súng lớn đó được bắn từ địa điểm nào, và cuối cùng chúng tôi kết luận đạn đó xuất phát từ các vị trí của quân đội Sri Lanka.”
Ông Bromley còn nói các hình này còn cho thấy những chuyện đáng lo hơn.
Ông nói: “Số mồ chôn tăng lên, và số lều vải tạm bợ của những người Sri Lanka chạy loạn giảm bớt trong khoảng thời gian này.”
Trong những năm gần đây, vệ tinh ngày càng được sử dụng nhiều để theo dõi những nghi ngờ về vi phạm nhân quyền, nhưng chi phí vẫn là trở ngại lớn: một ảnh có độ phân giải cao có thể tốn đến 10.000 đôla Mỹ.
Kỹ thuật này nếu được kết hợp với những kỹ thuật khác, như điện thoại di động hoặc phần mềm của Ushahidi (www.ushahidi.com) thì sẽ làm hình ảnh linh động hơn và có tính thuyết phục cao hơn.
Tuy nhiên, hình ảnh do vệ tinh chụp không diễn tả được sắc thái pháp lý hay đạo đức của một cuộc xung đột.
Trong trường hợp của Sri Lanka chẳng hạn, Liên Hiệp Quốc tố giác phiến quân Hổ Tamil đã ẩn núp trong các vùng được chỉ định là vùng an toàn, có nghĩa là họ đã dùng thường dân làm bia đỡ đạn, và người dân nào định bỏ trốn có thể bị họ bắn chết
Một nhóm chuyên viên của Liên Hiệp Quốc sắp sửa phổ biến phúc trình nêu ra bằng chứng tội ác chiến tranh trong những tháng cuối cùng của cuộc nội chiến ở Sri Lanka. Trong số các bằng chứng có những hình ảnh chụp được từ vệ tinh.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1