Cố gắng của Tổng thống Obama muốn đoàn kết một Quốc hội chia rẽ phản ánh một quốc gia đa cực về chính trị đã nhận được sự đánh giá tích cực của nữ dân biểu Sheila Jackson-Lee của đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang Texas.
Bà Jackson-Lee nói: “Bài diễn văn rất sáng tạo và hấp dẫn. Ta có thể thấy tổng thống đề cập một cách cẩn thận đến đường hướng tiến tới. Đó là điều các vị tổng thống làm. Họ dẫn đường. Họ đề ra một triển vọng, một lộ đồ, và ta sẵn sàng để đi theo.”
Nhưng lời kêu gọi của Tổng thống Obama tạm đình chi phí cho các chương trình quốc nội trong 5 năm để chống lại mức thâm hụt ngân sách liên bang hàng ngàn tỷ không làm toại nguyện dân biểu Steve King của đảng Cộng hòa, đại diện tiểu bang Iowa.
Ông King cho biết: “Tổng thống vẫn còn tin tưởng rằng tiêu tiền là một công cụ để nền kinh tế này phục hồi. Và ông ấy vẫn còn tin vào việc quốc gia hóa khi có cơ hội làm như thế. Vì vậy tôi nghĩ rằng phía Cộng hòa chúng tôi có một mối bất đồng cơ bản rất to lớn với tổng thống.”
Nếu ông Obama có ý định dùng lời lẽ trung dung hơn để làm đẹp lòng phía Cộng hòa, thì nỗ lực đó đã không thu phục được dân biểu Trent Franks của tiểu bang Arizona.
Dân biểu Franks nói: “Ông ấy đã bẻ ngoặt sang phía trung dung. Và nếu mọi người tin là ông có ý định thực sự làm như thế, thì thật là điều đáng tiếc.”
Bất kể sự chia rẽ đảng phái, không phải toàn bộ phản hồi của phía Cộng hòa đều mang tính tiêu cực, và không phải toàn bộ phản ứng của phía Dân chủ đều là tích cực. Dân biểu King ca ngợi một số tuyên bố của Tổng thống về lãnh vực ngoại giao.
Ông King nói: “Các nhận định của tổng thống về Iraq rất tốt. Các nhận định ấy có tính khích lệ. Chúng nói lên mức độ thành quả và hy sinh. Và phát biểu về Afghanistan, khi ông nói với phe địch là “chúng tôi sẽ đánh bại các anh”, đó là một điểm mạnh trong bài diễn văn của ông.”
Dân biểu Jackson Lee của đảng Dân chủ lo ngại về tác động của việc chính phủ liên bang tạm ngưng chi trả cho các chương trình dành cho giới nghèo khó và thiếu phương tiện.
Ông Lee cho biết: “Ta có một khối dân yếu thế tại nước Mỹ. Chúng ta phải lo cho các cá nhân sẽ không biết trông cậy vào đâu nếu không có sự hỗ trợ và được sự nâng đỡ của chính phủ liên bang.”
Bài diễn văn được đọc sau khi xảy ra vụ bắn người tập thể ở Arizona suýt gây thiệt mạng cho một nữ dân biểu Quốc hội. Trong một hành động biểu lộ tình đoàn kết và cố gắng xóa bỏ các hàng rào đảng phái, nhiều đại biểu Quốc hội của đảng này đã đổi chỗ ngồi với các bạn đồng viện của đảng kia, thay vì ngồi riêng ở chỗ dành cho mỗi đảng. Dân biểu dân chủ Jim McDermott của tiểu bang Washington đã nêu ra một sự thay đổi bầu không khí trong bài diễn văn về tình trạng liên bang năm này, so với những bài diễn văn trước đây.
Ông McDermott nói: “Đây là một buổi tối nghiêm trang, mở đầu bằng lời tán dương đồng chí và bạn đồng viện của chúng ta, dân biểu Gabrielle Giffords. Tôi nghĩ có một bầu không khí khác trong phòng và mọi người hiểu rằng chúng ta phải hợp tác với nhau nếu muốn mang lại hiệu quả cho đất nước này.”
Mọi cảm giác về tình đồng chí đạt được trong thời gian bài diễn văn về tình trạng liên bang sẽ được trắc nghiệm vào lúc Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo tìm cách hợp tác với Thượng viện và Tòa Bạch Ốc do đảng Dân chủ kiểm soát trong vòng hai năm tới đây.
Phản ứng trước bài diễn văn về tình trạng liên bang của Tổng thống Barack Obama được phân cách bằng lằn ranh đảng phái, với các đảng viên Dân chủ tỏ ý tán đồng hơn là các đảng viên Cộng hòa. Từ trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, thông tín viên VOA Michael Bowman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1