Sữa và những phó phẩm từ sữa đã trở thành một đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống lại những thách thức mới nhất về dinh dưỡng của châu Á: đó là bệnh béo phì và tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất, theo một báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố hồi gần đây.
"Báo cáo này là có tác dụng khai sáng và cảnh tỉnh ... vẫn còn gần phân nửa tỉ người bị đói trong khu vực này," bà Kundhavi Kadiresan, trợ lý Tổng giám đốc FAO nói. Bà cho biết thêm: "Gia tăng tiêu thụ sữa và những sản phẩm từ sữa có tiềm năng rất lớn để cải thiện dinh dưỡng."
Với tình hình chính trị ổn định hơn và và ngành nông nghiệp được cơ giới hóa nhiều hơn, châu Á đã có những bước tiến rõ rệt trong việc khống chế nạn đói và và tình trạng thiếu ăn. Trong 25 năm qua, tỉ lệ suy dinh dưỡng đã giảm một nửa ở châu Á từ 24,3 phần trăm xuống còn 12,3 phần trăm, đáp ứng được một trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.
Khi hàng triệu người di cư từ vùng quê ra thành phố lớn, khẩu phần ăn uống ăn đang thay đổi từ lối truyền thống với gạo chiếm vị trí chính yếu sang phiên bản Âu hóa đa dạng hơn, kết hợp nhiều loại trái cây, rau quả, và những loại thịt. Báo cáo cho thấy lượng calorie từ tinh bột giảm 50 calorie cho một người mỗi ngày trong khi calorie từ các loại trái cây, rau và thịt tăng hơn 300 calorie cho một người mỗi ngày.
Nhưng cũng như người phương Tây, người châu Á đang tập thể dục ít hơn và ăn nhiều hơn những loại thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo. Điều này có nghĩa là nhiều người vẫn không nhận đủ những chất dinh dưỡng như kẽm, sắt hoặc vitamin A, và tỉ lệ béo phì đang tăng vọt, tăng hơn 4 phần trăm một năm.
Tuy nhiên, thị hiếu thay đổi có nghĩa là người châu Á đang uống sữa nhiều hơn, thứ mà lâu nay vắng bóng trong những nhà bếp ở châu Á nhưng nay đang được mua ào ạt từ Bangkok cho tới Bắc Kinh. Sản lượng đã gần gấp ba, từ khoảng 110 triệu tấn vào năm 1990 lên tới gần 300 triệu tấn vào năm 2013 — chiếm hơn 80 phần trăm mức tăng nguồn cung ứng sữa của thế giới tron khoảng thời gian đó.
Sự bùng nổ sản phẩm sữa đã khuyến khích các chính phủ đưa sữa đến lớp học. Những nghiên cứu nhận thấy Chương trình Sữa Quốc gia của Thái Lan đưa sữa tới trường học đã giúp học sinh trở nên cao lớn hơn và hấp thụ nhiều protein và calcium hơn. Những chương trình tương tự đã được phát động từ Ấn Độ đến Trung Quốc và Philippines.
Còn tại Việt Nam, Chương trình Sữa học đường đã được chính phủ ký ban hành hồi tháng 7 năm nay với mục tiêu “cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.”
Được biết chính phủ đề ra mục tiêu lớn là đến năm 2020, 100 phần trăm số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; và 70 phần trăm số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa.
Báo nhà nước dẫn lời Bộ trưởng Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến, rằng bà “trăn trở” vì “hình ảnh những học sinh lớp 5, khi được tặng hộp sữa tươi sạch, đã loay hoay không biết cắm ống hút vào đâu để uống.” Bà Tiến được báo Giáo dục Việt Nam trích thuật: “Tôi hỏi và được biết, từ lúc lọt lòng đến lớp 5, rất nhiều em chưa từng được cầm hộp sữa lần nào.”
Số liệu thống kê được nói là trích dẫn từ báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho biết lượng sữa uống của người dân Việt Nam là 15 lít một người mỗi năm. Con số này bằng một nửa Thái Lan, một phần ba Singapore và kém xa mức tiêu thụ 300 lít ở châu Âu, theo báo cáo.
"Tôi mong muốn giới trẻ Việt Nam có thể đạt mức như các nước trong khu vực, mỗi ngày chỉ cần dùng khoảng 0,5 lít sữa hoặc các sản phẩm từ sữa để thể lực và trí tuệ cải thiện," bà Mai Kiều Liên, Tổng giám giám đốc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, được trang tin VnExpress dẫn lời nói tại một sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài hồi tháng 9 vừa qua.
Dù giá trị dinh dưỡng của sữa là “không thể chối cãi,” nhưng giới chuyên môn cho rằng cũng có những bất lợi không thể xem nhẹ khi tăng khẩu phần sữa cho người Việt Nam, như khuyến cáo của bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ từ California (Mỹ).
“Người Việt Nam, người Á châu chúng ta 80-90 phần trăm ruột không có chất xúc tác lactase để tiêu hóa sữa, và vì vậy nếu mình uống thì sẽ bị tiêu chảy, có thể có hại nữa là đằng khác,” bác sĩ Cơ nói.
Ông nói thêm rằng hệ quả nguy hiểm nhất là bệnh Crohn gây sưng ruột non, khó chữa và tốn kém.
Bác sĩ Cơ nói đó một thực tế mà chính phủ cần lưu ý khi phát triển chương trình sữa quốc gia vì nếu không “sẽ tạo ra vấn nạn cho quần chúng nghèo.”