Các vụ không kích và vụ nổ đã làm rung chuyển thủ đô Sudan hôm 19/4 sau thất bại của lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian giữa quân đội và lực lượng bán quân sự, buộc người dân phải ẩn nấp và khiến Nhật Bản chuẩn bị sơ tán công dân của mình.
Các cuộc oanh tạc liên tục và các vụ nổ lớn có thể được nghe thấy ở trung tâm Khartoum trong khu vực xung quanh khu phức hợp của Bộ Quốc phòng và sân bay, vốn đã bị tranh chấp quyết liệt và đã ngừng hoạt động kể từ khi giao tranh nổ ra vào cuối tuần trước.
Các cường quốc nước ngoài, bao gồm cả Mỹ, đã vận động một lệnh ngừng bắn giữa quân đội và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), một lực lượng bán quân sự, để cho phép cư dân bị mắc kẹt trong giao tranh được cứu trợ và tiếp tế mà họ đang rất cần.
Ít nhất 270 người đã thiệt mạng và 2.600 người bị thương trong giao tranh, Tổ chức Y tế Thế giới dẫn số liệu từ Bộ Y tế Sudan cho biết.
Cả hai phe đã đồng ý ngừng bắn từ 6h chiều giờ địa phương hôm 18/4 nhưng tiếng đạn vẫn tiếp tục vang lên không hề giảm bớt trong khi quân đội và RSF đưa ra tuyên bố cáo buộc lẫn nhau không tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.
Bộ chỉ huy cấp cao của quân đội Sudan cho biết các chiến dịch của họ đang diễn ra để bảo vệ thủ đô và các khu vực khác.
Một cư dân ở rìa phía đông của Khartoum cho biết giao tranh dữ dội lại nổ ra vào sáng sớm 19/4 sau các cuộc không kích và pháo kích gần nhà bà hôm 18/4.
“Chúng tôi không thể ngủ, thời gian yên tĩnh duy nhất là từ 3 đến 5 giờ sáng”, bà nói.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết nhà chức trách đang lên kế hoạch triển khai một phi cơ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để sơ tán khoảng 60 công dân Nhật hiện đang ở Sudan, phối hợp với các nước lớn khác.
Kể từ sáng ngày 15/4 và lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, giao tranh dữ dội đã nổ ra trên khắp thủ đô Sudan, vùng đô thị lớn có khoảng 5,5 triệu dân, với hàng triệu người khác sống ở hai thành phố lân cận là Omdurman và Bahri nằm phía bờ bên kia các con sông Nile Trắng và Nile Xanh.
Cuộc chiến đã làm chệch hướng kế hoạch mới nhất được quốc tế hậu thuẫn nhằm chuyển đổi sang nền dân chủ dân sự, 4 năm sau sự sụp đổ của nhà độc tài Hồi giáo Omar al-Bashir và 2 năm sau cuộc đảo chính quân sự.
Bạo lực có nguy cơ lôi kéo các bên khác từ khu vực lân cận của Sudan vốn ủng hộ các phe phái khác nhau, và cũng có thể bị đưa vào cuộc cạnh tranh giữa Nga và Mỹ để tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.
Mất điện và mất nước trên diện rộng do giao tranh đã khiến người dân phải khổ sở trong những ngày cuối cùng của tháng Ramadan và khiến hầu hết các bệnh viện ngừng hoạt động.
Các công sở và trường học đã đóng cửa ở Khartoum kể từ khi giao tranh bắt đầu, và đã có nhiều tin tức về cướp bóc và tấn công, và dòng người xếp hàng dài tại các tiệm bánh nào vẫn còn mở cửa.
Diễn đàn