Đường dẫn truy cập

Sudan, Trung Quốc thảo luận về vụ tranh chấp dầu


Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Sudan Ali Ahmed Karti trong cuộc họp tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 28/2/2012
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Sudan Ali Ahmed Karti trong cuộc họp tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 28/2/2012

Ngoại trưởng Sudan và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thảo luận về vụ tranh chấp lệ phí chuyên chở dầu với Nam Sudan và vấn đề an ninh của công nhân Trung Quốc. Từ thủ đô Trung Quốc, nơi diễn ra các cuộc họp giữa các giới chức hôm nay, thông tín viên Shannon Van Sant gửi về bài tường thuật sau đây.

Ngoại trưởng Sudan Ali Ahmed Karti kết thúc chuyến thăm 2 ngày tại Bắc Kinh và yêu cầu Trung Quốc giúp thương lượng lệ phí chuyên chở dầu với Nam Sudan vừa được độc lập.

Một thỏa thuận đòi Nam Sudan phong phú dầu hỏa trả lệ phí để chuyên chở dầu qua miền bắc đã tan vỡ sau khi Khartoum bắt đầu tịch thu dầu của miền Nam.

Đáp lại Nam Sudan đã cắt nguồn cung ứng dầu cho miền bắc. Ngoại trưởng Karti yêu cầu Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp điều giải vụ tranh chấp.

Ông Karti nói: “Chúng tôi mời cả các công ty CNPBC và Petronas cho ý kiến để giúp vào cuộc điều giải, và chúng tôi cũng mời Trung Quốc và Malaysia và chắc chắn cả phía Aán Độ để góp ý kiến giúp vào cuộc điều giải để đi đến một giải pháp.”

Nam Sudan đã trở thành một nước độc lập hồi năm ngoái, theo một hòa ước năm 2006. Vụ tách rời này đã khiến phần lớn các giếng dầu nằm ở miền nam, còn miền bắc thì nắm quyền kiểm soát các ống dẫn dầu để xuất khẩu. Trung Quốc là nước đầu tư nhiều nhất vào các cơ sở dầu ở cả hai nước. Trước khi miền Nam cắt giảm sản lượng, Trung Quốc nhận được 5 phần trăm lượng cung ứng dầu từ Sudan.

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói ông hy vọng Sudan và Nam Sudan sẽ sớm giải quyết các bất đồng. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay ông Tập cũng đã bầy tỏ hậu thuẫn cho Sudan trong cuộc họp với ông Karti.

Hồi tháng Giêng, 29 công nhân Trung Quốc đã bị lực lượng nổi dậy bắt cóc gần biên giới Sudan với miền nam.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi nói các cuộc họp trong tuần này đề cập đến tình hình an ninh và Trung Quốc lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Sudan và Nam Sudan.

Vụ bắt cóc hồi tháng Giêng là vụ bắt cóc thứ tư những người mang quốc tịch Trung Quốc ở quốc gia châu Phi này. 5 công nhân Trung Quốc đã bị giết sau khi bị bắt cóc tại Sudan vào năm 2008.

Ngoại trưởng Karti nói Sudan đã tìm các phương sách để gìn giữ an ninh cho công nhân Trung Quốc.

Ông Karti cho biết: “Tôi đã đưa ra lời bảo đảm của chúng tôi là sẽ bảo vệ các công nhân đó, và các khoản đầu tư và thiết bị đó, và chúng tôi đang thảo luận vấn đề với chính phủ Trung Quốc về cách thức cùng xử lý an toàn và an ninh cho các công nhân và các khoản đầu tư.”

Cuộc nội chiến giữa Sudan theo Hồi giáo và Nam Sudan theo Cơ đốc giáo đã gây thiệt mạng cho hơn 1 triệu người. Trung Quốc là nước hàng đầu cung cấp vũ khí cho Bắc Sudang và duy trì quan hệ kinh tế với nước này, bất chấp một lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Trước khi chia rẽ, Sudan nói chung là nguồn cung ứng dầu đứng hàng thứ 6 của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG