Đường dẫn truy cập

Thế Vận Hội Tokyo đáng công tổ chức


Nhờ Simone Biles rút lui nên nước Mỹ khám phá một nữ lực sĩ gymnastics mới: Sunisa Lee, 18 tuổi, người Mỹ đầu tiên tham dự Thế Vận Hội có nguồn gốc Hmong tị nạn!
Nhờ Simone Biles rút lui nên nước Mỹ khám phá một nữ lực sĩ gymnastics mới: Sunisa Lee, 18 tuổi, người Mỹ đầu tiên tham dự Thế Vận Hội có nguồn gốc Hmong tị nạn!

Chính phủ Nhật quyết định rất đúng khi tiếp tục Thế Vận Hội Tokyo giữa lúc bệnh dịch Covid-19 đang tái phát, mặc dù 70 đến 80 phần trăm dân chúng thủ đô không muốn.

Gần 11,000 lực sĩ khắp thế giới đã thao luyện suốt 4 năm chuẩn bị tranh tài, họ đã bị hụt, phải chờ một năm rồi. Mặc dù thi đua trong những thao trường trống rỗng, dù nhiều người đã phải bỏ cuộc vào phút chót vì nhiễm bệnh; nhưng cuối cùng rất nhiều lực sĩ đã phá những kỷ lục cũ, tạo thành tích mới.

Hàng tuần lễ trước ngày Thế Vận Hội bế mạc, cô Emma McKeon người Úc đã phá kỷ lục bơi 100 mét trong 51.96 giây! Karsten Warholm nước Na Uy đã phá kỷ lục môn chạy 400 mét vượt rào, trong 45.94 giây; Rai Benjamin, người Mỹ gốc Antigua về thứ nhì chạy mất 46.17 giây, nhưng cả hai đều vượt qua kỷ lục cũ của Warholm là 46.70 giây! Cô Elaine Thompson-Herah người Jamaica chạy 100 mét chỉ mất 10.61 giây, phá kỷ lục 10.71 giây của chính mình ở Rio de Janeiro năm 2016. Khi chạy 200 mét cô cũng về nhất, nhưng mất 21.53 giây, chút xíu nữa thì phá kỷ lục 21.34 giây của Florence Griffith Joyner năm 1988!

Trong cuộc đua xe đạp, các đấu thủ Hòa Lan đã phá ba kỷ lục, Australia phá hai, Anh và Ý phá một kỷ lục. Hai cô gái Mỹ và Nam Hàn đã phá kỷ lục trong môn bắn cung.

Phá kỷ lục là một mục tiêu của các lực sĩ! Nhưng đó cũng không phải là mục tiêu cao nhất ở thế vận hội. Thế vận hội không chỉ nhắm coi ai thắng, ai bại mà còn phải biểu dương cái mà người Việt mình gọi là “tinh thần thượng võ.”

Ở Tokyo năm nay, tất cả mọi người khâm phục “tinh thần thể thao” của anh Isaiah Jewett. Lực sĩ chạy bộ 24 tuổi, ở Inglewood, California, chuyên chạy đua 800 mét. Ngày Chủ Nhật 1 tháng Tám, trong vòng bán kết anh cố gắng để được vào chung kết. Ngay từ đầu, Jewett chạy ở lằn đường ngoài cùng cho đỡ vướng, tự tin rằng tới quãng sau cùng anh sẽ rút lên thật nhanh. Đang chạy sau ba lực sĩ khác, anh đổi vào lằn đường phía trong, bắt đầu chạy nước rút; bỗng nhiên gót chân anh bị vướng vào chân một lực sĩ chạy sau. Jewett té nhào! Thế là hết hy vọng!

Người đụng chân anh, cũng lộn qua người Jewett té xuống, là Nijel Amos, một lực sĩ xứ Botswana, châu Phi. Amos vội vàng nói “Tôi xin lỗi!” Jewett trả lời, “Không sao!” Đưa bàn tay đỡ Amos lên, Jewett bảo “Chúng mình cùng chạy cho hết đường!”

Chân phải của Jewett chảy máu, nhưng anh và Amos bá vai nhau chạy tiếp. Họ tới trễ một phút so với những người dẫn đầu. Nhưng cả hai đáng hãnh diện về “tinh thần mã thượng!”

Simone Biles là một tấm gương khác. Cô là lực sĩ nhiều triển vọng nhất trong đội nữ nhào lộn gymnastics của nước Mỹ.

Simone Biles, 24 tuổi, và anh chị em, sinh ở Ohio, đã được ông bà ngoại đem về Texas nuôi sau khi bà mẹ cô không chịu được cuộc sống bần hàn đã đem cả bốn đứa con cho người khác. Chỉ nhờ tài năng và quyết tâm luyện tập nên cô đã đem về cho nước Mỹ tổng cộng 25 huy chương, 19 vàng. Cô đã chiếm nhiều giải nhất ở các Thế vận hội và các cuộc tranh tài khác, so với tất cả các nam và nữ lực sĩ;

Nhưng sau mấy lần thao dượt ở Tokyo cô Biles cảm thấy mình không làm chủ được tình trạng thân thể rớt trong không khí như trước nữa. Cô đã rút lui ra khỏi đội gymnastics Mỹ để người khác thế vào. Một tuần sau, Simone Biles trở lại tranh tài một môn, cô chỉ chiếm huy chương đồng nhưng “tinh thần thể thao” của cô đáng khen ngợi không khác gì Isaiah Jewett!

Cô Simone Biles nói cô chịu ảnh hưởng của Naomi Osaka; trong tháng trước Naomi đã rút lui không dự giải quần vợt French Open và Wimbledon, để bảo vệ sức khỏe tâm thần. Naomi cũng là người gốc Phi châu lai Nhật.

Nhờ Simone Biles rút lui nên nước Mỹ khám phá một nữ lực sĩ gymnastics mới: Sunisa Lee, 18 tuổi, người Mỹ đầu tiên tham dự Thế Vận Hội có nguồn gốc Hmong tị nạn! Gia đình Sunisa Lee từ nước Lào chạy tị nạn cộng sản sau năm 1975, không khác gì các người Việt tị nạn. Ở Minnesota, nơi tập trung 66 ngàn người Hmong, 60 phần trăm được coi là “lợi tức thấp.” Nhưng họ vẫn cống hiến cho nền thể thao Mỹ một huy chương vàng Thế Vận Hội! Trong khi Biles đứng trong hàng khán giả cổ võ thì Sunisa Lee trở thành cô gái Mỹ thứ năm đoạt huy chương vàng trong cuộc thi toàn thể các môn nhẩy lộn, Biles dẫn đầu trong số đó!

Một lực sĩ khác mới đạt huy chương vàng, cô Athing Mu cũng là di dân tị nạn, cha mẹ cô từ nước Sudan chạy qua Mỹ làm lại cuộc đời; sanh ra cô ở Trenton, New Jersey trong đám bảy đứa con. Athing Mu chiếm giải nhất trong cuộc chạy đua 800 mét, nữ. Cô chạy vượt lên ngay từ sau vòng đầu, rồi cứ thế tiếp tục, chạy mất 1 phút 55.21, bỏ xa người về thứ nhì 5 mét ở mức chót! Sau khi lãnh huy chương vàng, cô chụp hình chung với Raevyn Rogers, người Mỹ về thứ ba, hai người phủ chung một lá quốc kỳ.

Những thành tích của Athing Mu và Sunisa Lee có thể giúp nhiều người Mỹ bớt kỳ thị di dân hay không? Chưa biết được. Ngay cả với một lực sĩ Mỹ đã từng đoạt 25 huy chương, nhiều người vẫn nuôi óc kỳ thị!

Sau khi Simone Biles rút lui không tham dự vì lo về tâm thần của mình, một luật sư ở Texas, ông Aaron Reitz, đã lớn tiếng chỉ trích cô. Ông so sánh cô với Kerri Strug, một nữ lực sĩ điền kinh Mỹ, năm 1996 vẫn tiếp tục dự Thế Vận Hội Atlanta mặc dù bị trật cổ chân; sau đó toàn đội chiếm huy chương vàng.

Aaron Reitz chê Simone Biles là “ích kỷ, trẻ con, làm cả nước xấu hổ!” Ông không biết bị trật mắt cá chân khác với mối lo bệnh tâm thần. Ngay lập tức, nhiều lực sĩ ở Mỹ, kể cả Kerri Strug lên tiếng hoan hô Simone Biles. Cô Strug, người phải nhờ huấn luyện viên bế lên đài lãnh huy chương năm 1966, với cổ chân bên phải còn băng bó, đã gửi qua Twitter một thông điệp của tình yêu: “Sending love to you @Simone_Biles …”

Thế Vận Hội Tokyo còn một “anh hùng” đáng nhắc đến nữa là Krystsina Tsimanouskaya, nữ lực sĩ chạy bộ Belarus 24 tuổi. Cô đã xin tị nạn chính trị sau khi bị đưa ra phi trường bắt phải trở về nước. Belarus đang sống dưới chế độ độc tài của Alexander Lukashenko, người mới tự tuyên bố đắc cử tổng thống lần thứ sáu sau một cuộc bỏ phiếu gian lận. Cô Tsimanouskaya đã được hai nước Cộng Hòa Tiệp (Czech Republic) và Ba Lan mời, và cô đã chọn Ba Lan. Các nước Czech, Ba Lan đều thuộc khối cộng sản trước đây. Lithuania và Ukraine đều nằm trong Liên bang Xô Viết cũ. Hiện các nước này đang tiếp nhận rất nhiều người tị nạn từ Belarus. Bà Svetlana Tikhanovskaya, người thật sự đắc cử tổng thống năm ngoái đang tị nạn ở Vilnius, Lithuania.

Trong tuần tới, Tokyo Olympics sẽ chấm dứt. Một Thế Vận Hội không có khán giả tham dự, các đài truyền hình không thu được tiền quảng cáo, nhưng vẫn thành công! Chính phủ Nhật Bản quyết định cứ tiến hành tổ chức Olympics là điều rất đúng. Đằng nào thì Nhật cũng đã chi tiêu gần $20 tỷ mỹ kim để chuẩn bị, số tiền đó không phí uổng!

Tổ chức Olympics, trễ một năm, vẫn còn hơn không. Các nước xưa nay phải tranh giành nhau để được đứng ra tổ chức Thế Vận Hội. Nước Nhật đã cam kết với cả thế giới khi nhận đóng vai chủ nhà. Đây là vấn đề danh dự quốc gia. Người dân Nhật sẽ thấy Olympics không khiến cho bệnh dịch Covid-19 lan rộng hơn. Ngoài số lực sĩ, không có hàng triệu du khách kéo vào nước coi hội!

Nhưng các lực sĩ và giới hâm mộ thể thao cả thế giới sẽ không thể nào quên những cuộc đua tài diễn ra ở Tokyo năm nay! Ba năm nữa, ở Milan và Paris, người ta sẽ nhắc lại những kỷ lục đạt được ở Tokyo Olympics! Bảy năm nữa, các lực sĩ dự Thế Vận Hội Los Angeles sẽ còn tìm cách vượt qua các thành tích Tokyo.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG