Ông Tất Thành Cang, người trước đây là lãnh đạo Đảng cao thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh, đã được giảm 18 tháng tù, do được Tòa xét thấy ‘có nhân thân tốt’ tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án bán rẻ cổ phần của Nhà nước cho tư nhân hôm 9/6.
Theo đó, vị cựu phó bí thư Thành ủy này đã nhận mức án 8 năm 6 tháng tù so với bản án sơ thẩm là 10 năm vì tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí’.
Như vậy, ông Cang đã được giảm án ở mức tối đa theo đề nghị của Viện Kiểm sát là giảm từ 12 đến 18 tháng tù.
Nguyên nhân được giảm án, theo lời của Hội đồng xét xử Tỏa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh được tờ Tuổi Trẻ dẫn lại, là do ông Cang ‘có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, gia đình có công với cách mạng, quá trình công tác nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, thành khẩn khai báo, đã có tác động để hậu quả thiệt hại được khắc phục hoàn toàn’.
Theo cáo trạng, ông Cang với vai trò là phó Bí thư thường trực Thành ủy, đã có bút phê ‘đồng ý’ vào tờ trình đề xuất cho Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), công ty 100% vốn nhà nước thuộc sở hữu của Thành ủy, phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Cổ phần đầu tư Nguyễn Kim mà không qua đấu giá.
Dựa vào bút phê này của ông Cang, Văn phòng Thành ủy đã ra thông báo cho phép Sadeco tiến hành việc bán cổ phần này, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 669 tỷ đồng, theo cáo trạng được trang mạng VnExpress dẫn lại.
Hội đồng xét xử cho rằng ông Cang phải chịu trách nhiệm cho vụ bán rẻ tài sản của Nhà nước này vì với cương vị phó Bí thư Thành ủy, ông Cang ‘phải nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm phải thông qua đấu giá và thẩm định giá cổ phần’.
Sau khi vụ án bị phát hiện, Công ty Nguyễn Kim đã hoàn trả toàn bộ 9 triệu cổ phần cùng tiền lãi phát sinh cho Sadeco. Dựa trên điều này, Hội đồng Xét xử cho rằng ‘hậu quả thiệt hại được khắc phục hoàn toàn’ và lấy đó làm căn cứ giảm án cho ông Cang.
‘Khóc trước Tòa’
Trước đó, khi nói lời sau cùng trước Tòa, ông Cang được cho là đã ‘vừa nói vừa khóc’ khi trần tình về thành tích làm việc và truyền thống cách mạng của gia đình ông.
Ông nói rằng bản thân là thế hệ thứ ba trong gia đình được kết nạp Đảng với 33 năm tuổi Đảng, ông đã ‘luôn chấp hành tốt nhiệm vụ Đảng phân công, luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng’, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
“Là phó bí thư thường trực thành ủy, bị cáo không ngại khó ngại khổ, ý thức được trách nhiệm nặng nề để phát triển kinh tế-xã hội thành phố, đất nước. Bị cáo đặt mục tiêu vì dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh, chưa bao giờ giải quyết công việc gì không từ mục tiêu đó,” ông Cang được dẫn lời nói trước Tòa.
Ông Cang cũng nhận trách nhiệm ‘thiếu kiểm tra khi chủ trì họp mà chỉ nghe báo cáo, không phát hiện kịp thời tờ trình nên mới dẫn đến hậu quả’ và kêu gọi các cán bộ cấp dưới khác ‘hãy vì trách nhiệm lương tâm khi trình bày báo cáo, cần trình bày trung thực, khách quan để lãnh đạo có thông tin đầy đủ mới có quyết định đúng đắn’.
Ông Cang gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước và gia đình vì ‘đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước’ và ‘ảnh hưởng đến truyền thống gia đình’.
Ngoài ông Cang, hai bị cáo khác trong phiên xử phúc thẩm vụ án Sadeco là ông Tề Trí Dũng, chủ tịch Hội đồng Quản trị, và bà Hồ Thị Thanh Phúc, phó tổng giám đốc cũng được giảm án lần lượt là 1 và 2 năm. Bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh, thành viên Hội đồng Thành viên IPC, công ty mẹ của Sadeco, được chuyển từ án tù giam thành ba năm tù treo.
Tổng cộng có 11 bị cáo bị kết án trong vụ án của Sadeco về các tội ‘vi phạm quy định của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’ và ‘tham ô tài sản’ với mức án cao nhất là 19 năm tù cho ông Tề Trí Dũng sau khi đã được giảm 1 năm.
Ông Cang từng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, là phó bí thư thường trực Thành ủy từ năm 2016 đến 2019 dưới thời các bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Nguyễn Thiện Nhân. Trước đó, ông từng là phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, giám đốc Sở Giao thông-Vận tải.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1