Đường dẫn truy cập

Tại sao một số người không bao giờ bị triệu chứng COVID?


Các bác sĩ Venezuela nghỉ ngơi sau khi kiểm tra các bệnh nhân COVID-19 không triệu chúng cách ly tại một khách sạn ở Caracas, Venezuela, ngày 29/8/2020.
Các bác sĩ Venezuela nghỉ ngơi sau khi kiểm tra các bệnh nhân COVID-19 không triệu chúng cách ly tại một khách sạn ở Caracas, Venezuela, ngày 29/8/2020.

Những người có một biến thể di truyền cụ thể có khả năng cao gấp đôi là không bao giờ bị ốm khi nhiễm phải COVID-19, các nhà nghiên cứu cho biết hôm 19/7. Đây là giải thích khả dĩ đầu tiên cho nhóm người may mắn không bao giờ bị các triệu chứng của COVID, được mệnh danh là “những người siêu né tránh”.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, những người có hai bản sao của biến thể này có khả năng cao gấp 8 lần không bao giờ mắc bất kỳ triệu chứng nào từ COVID.

Nghiên cứu trước đây từng gợi ý rằng ít nhất 20% trong số hàng triệu ca nhiễm bệnh trong đại dịch là không có triệu chứng. Để tìm ra nguyên nhân đằng sau những trường hợp này, các nhà nghiên cứu đã tận dụng cơ sở dữ liệu về những người hiến tủy xương tình nguyện ở Hoa Kỳ.

Cơ sở dữ liệu bao gồm loại kháng nguyên bạch cầu người (HLA) của mỗi cá nhân, là các phân tử trên bề mặt của hầu hết các tế bào trong cơ thể. Hệ thống miễn dịch sử dụng HLA để xem tế bào nào thuộc về cơ thể và chúng được cho là đóng vai trò chính trong phản ứng với việc nhiễm virus.

Tự ghi nhận các triệu chứng

Các nhà nghiên cứu cho gần 30.000 người trong sổ đăng ký tủy xương tự báo cáo các triệu chứng và xét nghiệm COVID của họ trên một ứng dụng điện thoại di động.

Nghiên cứu cho biết hơn 1.400 người chưa được tiêm chủng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID từ tháng 2 năm 2020 đến cuối tháng 4 năm 2021. Ngoài nhóm đó, 136 người không có triệu chứng nào hai tuần trước và sau khi xét nghiệm dương tính.

Một trong năm người trong nhóm đó mang ít nhất một bản sao của biến thể HLA có tên là HLA-B*15:01.

Nghiên cứu cho biết những người may mắn có hai bản sao gen này, một từ mẹ và một từ cha, có khả năng không có triệu chứng từ COVID cao hơn gấp 8 lần so với những người khác.

Để tìm hiểu lý do tại sao lại như vậy, nhóm đã thực hiện nghiên cứu riêng biệt xem xét tế bào T, tế bào bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng, ở những người mang biến thể vừa kể. Các nhà nghiên cứu đã xem xét cụ thể cách các tế bào T ghi nhớ các loại virus mà chúng đã gặp trước đó.

Điều này có nghĩa là chúng “được trang bị vũ khí và sẵn sàng tấn công khi gặp lại mầm bệnh tương tự”, bà Jill Hollenbach thuộc Đại học California, San Francisco, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Khi những người có biến thể HLA tiếp xúc với virus corona, các tế bào T của họ đặc biệt sẵn sàng chiến đấu vì chúng nhớ những loại virus cảm lạnh tương tự mà chúng đã chống lại trước đó.

Trẻ em thường né được những tệ hại nhất của COVID

Lý thuyết - rằng việc phơi nhiễm gần đây với cảm lạnh và các loại virus corona khác có thể dẫn đến ít triệu chứng COVID hơn - trước đây từng được đề nghị để giải thích lý do tại sao trẻ em thường tránh được những điều tồi tệ nhất của COVID.

Bà Hollenbach nói: “Bất kỳ ai đã từng làm cha mẹ đều biết rằng những đứa trẻ thường chảy nước mũi trong 5 hoặc 6 năm, vì vậy tôi nghĩ rằng đó là điều thực sự hợp lý để suy đoán.”

Bà cho biết biến thể HLA có thể chỉ là một phần của bài toán về di truyền đằng sau COVID không có triệu chứng.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng việc nghiên cứu phản ứng miễn dịch đối với COVID có thể dẫn đến các phương pháp điều trị hoặc vắc-xin mới trong tương lai. Bà Hollenbach nói một ý tưởng thú vị là một loại vắc-xin ngăn ngừa các triệu chứng COVID, thay vì ngăn ngừa việc bị lây nhiễm, vốn có khả năng hiệu quả lâu hơn các loại vắc-xin hiện có.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng hầu hết những người tham gia nghiên cứu là người da trắng, điều này có thể hạn chế phát hiện đối với các nhóm khác. Cuộc nghiên cứu bao gồm giai đoạn trước đây của đại dịch và không bao gồm các trường hợp tái nhiễm.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG