Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng Sản đã khẳng định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của họ. Rằng đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Trong Chính cương, Sách lược vắn tắt năm 1930, Đảng Cộng Sản đã xác định con đường của cách mạng Việt Nam là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, tức là thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng, từng bước đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Vì thế mà không có gì là lạ, khi mới đây lãnh đạo Cộng sản Việt Nam kêu gọi toàn đảng toàn dân “Tiếp tục giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa”. Họ làm điều đó, khi mà xu hướng thế giới hiện nay là dân chủ, khi mà hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa còn sót lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vậy thì lời kêu gọi đó có mục đích gì? Và tại sao họ lại kêu gọi toàn dân tiếp tục đi ngược lại với sự phát triển và tiến bộ của nhân loại như thế?
Xét một cách khách quan, việc tiếp tục chế độ độc đảng toàn trị và kiên định con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội không hề có lợi cho người dân, ngược lại họ còn phải chịu đựng vô số những sai trái, bất công của chế độ. Vậy thì đã rõ, chỉ có nhà nước là có lợi, nói chính xác hơn, chỉ một số ít những thành phần cầm quyền cai trị là có lợi do mô hình chính trị độc quyền và sai trái đó mang lại. Nói theo cách mà ở Việt Nam hay nói là: Ý Đảng không hợp với lòng dân vậy.
Tại đại hội lần thứ V của Đảng Cộng Sản năm 1982, họ nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong giai đoạn mới là: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời, xác định hai nhiệm vụ chiến lược đó có quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, đường lối sai lầm nghiêm trọng đó đã làm cho đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội kéo dài.
Để khắc phục những sai lầm đó, tại đại hội lần thứ VI năm 1986 của Đảng, họ lại đề ra đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, nhưng vẫn ngoan cố kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Mặc dù đó mới chính là nguyên nhân của mọi thất bại và khủng hoảng đất nước. Liên tục từ đó, tại các kỳ đại hội tiếp theo của đảng, họ vẫn không chịu từ bỏ lý tưởng chủ nghĩa xã hội, như là một cái phao cứu sinh cho chế độ, nhưng lại gây nên thảm họa cho toàn dân tộc.
Ngày nay, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của đảng Cộng sản gặp phải những thách thức to lớn của thời đại. Tình trạng suy thoái, biến chất về phẩm chất đạo đức, lối sống trong đại bộ phận cán bộ, đảng viên; vấn nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu diễn biến phức tạp, tinh vi, chưa có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi một cách triệt để. Hệ thống chủ nghĩa xã hội trên thế giới đã sụp đổ và tan dã; các thế lực dân chủ không ngừng tiến bộ, thách thức sự cầm quyền độc tôn của đảng Cộng sản.
Dưới đây ý kiến của một số thành phần trí thức về vấn đề phát triển Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:
Giáo sư Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng chính phủ tại cuộc Hội thảo góp ý cho văn kiện Đại hội XI, ông đã nói như sau: “Thế bây giờ Chủ nghĩa xã hội của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác. Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta sẽ đi là cái Chủ nghĩa xã hội gì đây?”.
Còn tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã thẳng thắn phân tích rõ ràng như thế này: “Thể chế như một cơ thể bị xé đôi, nửa kinh tế thị trường muốn chạy lên phía trước, nửa ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ cố lưu lại phía sau. Nửa kinh tế là kinh tế trí thức, nửa chính trị Mác Lê thì phản trí thức. Đây là trường hợp phân thân của một cơ thể được ghép bởi hai nửa dị hợp, như người đi hai chân trên hai băng chuyền ngược chiều nhau. Đây là quá trình làm xiếc vô cùng vất vả đầy bất trắc”.
Đại tá Phạm Đình Trọng thì cho chúng ta thấy được cái hậu quả tai hại do đảng Cộng sản đưa dân tộc Việt Nam theo con đường Xã hội chủ nghĩa gây ra: “Đảng CSVN đã đưa dân tộc Việt Nam vào cuộc thí nghiệm xây dựng Xã hội chủ nghĩa suốt gần nửa thế kỷ và nhân dân Việt Nam phải trả giá quá đắt. Mấy thế hệ người Việt Nam trở thành vật hy sinh cho cuộc thí nghiệm đó! Hàng chục vạn người bị giết, bị tù đày trong những cuộc đấu tranh giai cấp sắt máu diễn ra triền miên và rộng khắp từ nông thôn tới thành phố, từ giới kinh doanh đến giới trí thức! Mấy thế hệ trí thức, nghệ sĩ, những tinh hoa, tài sản quí giá nhất của dân tộc bị khinh rẻ, đày đọa, bị biến thành bung xung, bị biến thành chim mồi, cá cảnh! Trả giá đắt như vậy để có một Chủ nghĩa xã hội hiện hình là một nền văn hóa thấp kém, lạc hậu, đạo đức xã hội suy đồi, hạ tầng xã hội tồi tàn, kinh tế suy sụp, cuộc sống người dân đến đáy cùng cực nghèo đói!”
Thực tế, Chủ nghĩa xã hội được đảng Cộng sản thực thi ở Việt Nam đã bị phá sản, nó bị phá sản ngay từ nơi xuất phát ra nó: Liên Xô và cả các nước Đông Âu.
Sự phát triển trong thời gian qua của Việt Nam thực chất là do áp dụng đường lối của chế độ tư bản, nhưng Chủ nghĩa xã hội thì lại cứ vơ nhận công lao mà mình không có. Chuyện kể cũng thật nực cười.
Đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi nghiêm túc đối với nhà cầm quyền hiện nay ở Việt Nam: “Tại sao lại phải tiếp tục giương cao ngọn cờ Xã hội chủ nghĩa”, khi mà cái học thuyết Cộng sản chính là lực cản đối với sự phát triển của đất nước? Khi mà người ta đã biết rằng nó sai trái và phi nhân?