Đường dẫn truy cập

Đài Loan xem xét du lịch sinh thái để khẳng định tuyên bố lãnh thổ


Đảo san hô nhìn từ trên không tại quần đảo Ðông Sa ở phía đông Ðài Loan
Đảo san hô nhìn từ trên không tại quần đảo Ðông Sa ở phía đông Ðài Loan

Đài Loan đã đóng một vai trò tương đối thầm lặng trong vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Đông. Sự kiện này có thể thay đổi với một sáng kiến bất thường mà Đài Bắc nói là một phương sách ôn hòa để khẳng định chủ quyền của họ trong một vùng nước mà Trung Quốc, Việt Nam, Philippin, Malaysia và Brunei đều đòi chủ quyền. Từ thành phố cảng Cao Hùng của Đài Loan, thông tín viên VOA Ralph Jennings tường thuật về một kế hoạch có liên quan đến du khách, những loại rùa quý hiếm và một hòn đảo hẻo lánh.

Hồi tháng 8, chính phủ Đài Loan đã đưa 21 sinh viên đại học từ Cao Hùng đến hòn đảo Đông Sa miền nhiệt đới, cách Đài Loan khoảng 460 kilomet. Chuyến đi này nhắm xây dựng nhận thức địa phương về hòn đảo này, nhưng còn trùng hợp với một phát hiện hiếm hoi về một đàn rùa biển thường lên hòn đảo này để đẻ trứng.

Các giới chức thuộc Hải viên Quốc gia nói rằng sự trở về của đàn rùa này là một dấu hiệu cho thấy hệ thống sinh thái đại dương có thể đã ông định bất kể tình trạng đánh bắt thủy sản quá mức trong những năm gần đây. Nay đã có những kế hoạch thiết lập một trung tâm nghiên cứu hải dương mới.

Bà Lin Ling, phó giám đốc Trung tâm Hải viên Quốc gia ở phía nam Đài Loan, nói rằng công chúng có thể trông đợi thêm những bất ngờ từ cuộc khảo cứu về sinh thái.

Bà Lin nói các tài nguyên của hòn đảo rất lạ thường, và tuy chưa rõ ý nghĩa của đối với toàn vùng Biển phía nam Trung Hoa, các tài nguyên này dứt khoát là mang tính rất độc đáo. Bà tin rằng có những chủng loài chưa hề được phát hiện sẽ thu hút các nhà khảo cứu của các nước gần đó.

Nỗ lực của Đài Loan không phải chỉ liên quan đến môi trường. Đài Loan và Trung Quốc đều nhận chủ quyền gần như toàn bộ 3,5 triệu kilomét vuông trong vùng Biển Ðông.

Trung Quốc nhận chủ quyền không riêng vùng biển đang có tranh chấp mà còn cả chính Đài Loan nữa, và Bắc Kinh cấm mọi đồng minh ngoại giao ở khắp châu Á nói chuyện chính thức với các giới chức ở Đài Bắc.

Đài Bắc đang tìm cách giao dịch tốt hơn với Trung Quốc sau 6 thập niên thù nghịch về chính trị, và đang mưu tìm một quan hệ thương mại có lợi cho cả hai bên. Vì thế Đài Loan coi nỗ lực bảo toàn môi trường hải sinh và kèm theo đó là nền ngư nghiệp của cả vùng, là một cách biểu lộ sức mạnh mềm của mình.

Thứ trưởng duyên phòng Cheng Chang-Hsiung giải thích rằng việc bảo toàn sinh thái là một mục tiêu chung được tôn trọng trên khắp thế giới, do đó các chính phủ sẽ ủng hộ những gì mà chính phủ Đài Loan đang làm trên hòn đảo này như một điều tốt đẹp cho hành tinh. Ông nói nhiều học giả đã thực hiện công cuộc khảo cứu và bảo vệ sinh thài làm việc ở Dongsha và các báo cáo của họ có thể được dễ dàng phổ biến cho tất cả các bên. Ông nói thêm rằng chính phủ Đài Loan muốn có một giải pháp ôn hòa cho bất kỳ vụ tranh chấp nào thay vì những cuộc xung đột có vũ trang.

Hồi tháng 7, Bắc Kinh và Hiệp hội các Quốc gia đông nam Á đồng ý với các đường hướng xây dựng lòng tin ở Biển Nam Trung Hoa sau 9 năm đàm phán, nhưng Đài Loan đã không được mời tham dự, và sự kiện này đã khơi ra sự phản đối của Đài Bắc.

Bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán trong khu vực, Đài Loan dự định mở cửa hòn đảo Dongsha cho du khách. Hiện chỉ có nhân viên chính phủ và các nhà khảo cứu có giấy phép đặc biệt mới được đến thăm hòn đảo này. Nhưng một khi hòn đảo được mở cho du khác, thì các chuyến phà và các chueýn bay sẽ đưa du khách đến từ Đài Loan, kể cả du khách nước ngoài. Đội tuần duyên đã đưa hai nhóm sinh viên đại học đến đảo này và dự định sẽ tổ chức thêm các chuyến du khảo khác vào năm tới.

Anh Fang Hsueh-wen, một sinh viên tại Học viện Quân sự của Cộng hòa Trung Hoa đã đi thăm Dongsha, nói rằng anh không có nghi ngờ gì về vấn đề ai là sở hữu chủ của hòn đảo này.

Anh Fang nói nhiều nước muốn dùng hòn đảo này nhưng rõ ràng là đảo nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Đài Loan, nước Cộng hòa Trung Hoa. Anh tin rằng nhóm sinh viên từ 16 trường đại học sẽ khảo cứu, đi thăm hòn đảo này và ở trong quá trình hiểu rõ rằng hòn đảo này thuộc về chính phủ của họ, chứ không phải thuộc về bất cứ nước nào đòi chủ quyền.

Mặc dù các chuyến thăm của du khách có thể tăng thêm sức mạnh cho những lời khẳng định chủ quyền của Đài Loan, chúng cũng có thể thêm vào những áp lực đối với hệ thống sinh thái yếu đuối ở địa phương. Hòn đảo bằng phẳng này chủ yếu là những bờ biển cát trắng, một vùng cỏ và các cơ sở tuần duyên có rất ít nước ngọt.

Không có một khách sạn nào và ngay cả một cửa hàng tạp hóa. Bà Lâm thuộc Công viên Quốc gia nói chưa có thời biểu nào được định cho việc mở hòn đảo cho du khách thường xuyên đến thăm.

Bà Lin nói việc mở cửa đảo Donghsa cho công chúng có thể gay go, bởi lẽ các chuyến phà sẽ tính phí chuyên chở rất cao trong khi thức ăn và nước uống khó kiếm vì kích thước nhỏ bé của hòn đảo. Bà nói thực phẩm được đưa đến bằng thuyền và một nhà máy lọc nước mặn trên đảo xản xuất nước ngọt cho nhân viên chính phủ công tác ở đó, nhưng không đủ cho công chúng.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG