Đường dẫn truy cập

Taliban càn quét, phụ nữ Afghanistan lo sợ quay về ‘những ngày đen tối’


Zarmina Kakar, một nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ, khóc trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP ở Kabul, Afghanistan, ngày 13 tháng 8, 2021.
Zarmina Kakar, một nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ, khóc trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP ở Kabul, Afghanistan, ngày 13 tháng 8, 2021.

KABUL, Afghanistan (AP) — Trời mới chập tối và Zahra, mẹ cô và ba chị em gái đang trên đường đi ăn tối tại nhà của một người chị em khác thì họ thấy mọi người bỏ chạy và nghe thấy tiếng súng trên đường phố.

“Taliban ở đây rồi!” mọi người thét lên.

Chỉ trong vài phút, mọi thứ thay đổi đối với cư dân 26 tuổi này ở Herat, thành phố lớn thứ ba của Afghanistan.

Zahra lớn lên ở một nước Afghanistan hầu như sạch bóng Taliban, nơi phụ nữ dám mơ có được nghề nghiệp và các em gái được học hành. Trong năm năm qua, cô làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận địa phương để nâng cao nhận thức cho phụ nữ và vận động cho bình đẳng giới tính.

Những ước mơ và hoài bão của cô sụp đổ vào tối ngày thứ Năm khi Taliban tràn vào thành phố, cắm những lá cờ trắng của họ với tuyên ngôn tín ngưỡng Hồi giáo ở quảng trường trung tâm khi mọi người vội vàng lên xe máy và xe hơi phóng về nhà.

Giống như hầu hết những cư dân khác, Zahra, cha mẹ và năm anh chị em của cô giờ rút vào trong nhà, quá sợ không dám ra ngoài và lo lắng về tương lai. Hãng tin AP quyết định không nêu tên đầy đủ của cô để tránh biến cô thành mục tiêu tấn công.

“Tôi bị sốc nặng,” Zahra, cô gái trẻ với gương mặt bầu bĩnh và giọng nhỏ nhẹ, nói. “Làm sao tôi, một người phụ nữ đã rất nỗ lực và cố gắng học hành và thành đạt, giờ lại phải trốn chui trốn nhủi ở nhà?”

Giữa cuộc tiến công chớp nhoáng trong những ngày qua, Taliban hiện kiểm soát hơn hai phần ba đất nước, chỉ hai tuần trước khi Mỹ theo lịch trình sẽ rút đi những binh sĩ cuối cùng của mình. Và họ đang dần tiến sát thủ đô Kabul.

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết gần 250.000 người Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa của họ kể từ cuối tháng 5 vì lo sợ Taliban sẽ áp đặt lại cách hiểu nghiêm ngặt và tàn nhẫn của họ về Hồi giáo, xóa sạch các quyền của phụ nữ. 80% những người tản cư là phụ nữ và trẻ em.

Tổ chức có chủ trương Hồi giáo bảo thủ này đã cai trị Afghanistan trong năm năm cho đến khi bị lật đổ trong cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu vào năm 2001. Trong khoảng thời gian đó, họ ngăn cấm trẻ em gái học hành và phụ nữ đi làm, và thậm chí không cho họ đi ra khỏi nhà mà không có người thân là nam giới đi cùng. Taliban cũng thực hiện các vụ hành quyết công khai, chặt tay những kẻ trộm và ném đá những phụ nữ bị buộc tội ngoại tình.

Chưa có báo cáo được xác nhận nào về các biện pháp cực đoan như vậy tại các khu vực mà các chiến binh Taliban chiếm giữ gần đây. Nhưng tin nói họ đã chiếm cứ một số ngôi nhà và phóng hỏa ít nhất một trường học.

Tại một công viên ở thủ đô Kabul, từ tuần trước đã được biến thành nơi trú ẩn cho những người tản cư, các gia đình nói với AP hôm thứ Sáu rằng các em gái đi về nhà trên một chiếc xe lam ở tỉnh Takhar miền bắc đã bị chặn đường và bị đánh đòn vì đi “dép hở hang.”

Một giáo viên ở tỉnh này cho biết không ai được phép đi chợ nếu không có người nam đi cùng. Khoảng 3.000 gia đình chủ yếu đến từ các tỉnh miền bắc gần đây bị Taliban chiếm hiện đang sống trong lều bên trong công viên, một số trên vỉa hè.

Zahra đã thôi đến văn phòng khoảng một tháng trước khi các chiến binh áp sát Herat, và cô làm việc từ xa tại nhà. Nhưng ngày thứ Năm, các chiến binh Taliban phá vỡ tuyến phòng thủ của thành phố và kể từ đó cô không làm việc được nữa.

Mắt cô rưng rưng khi nghĩ đến khả năng cô sẽ không thể quay lại làm việc được nữa; rằng em gái 12 tuổi của cô sẽ không thể tiếp tục đến trường (“Con bé thích đi học,” cô nói); rằng anh trai của cô sẽ không thể chơi bóng đá; hoặc cô sẽ không thể tự do chơi đàn guitar. Cây đàn treo trên tường phía sau cô khi cô nói chuyện.

Cô liệt kê một số thành tựu mà phụ nữ đã đạt được trong 20 năm qua kể từ khi Taliban bị lật đổ — những tiến bộ tường bước nhưng có ý nghĩa trong một xã hội vẫn hết sức bảo thủ do nam giới thống trị: Trẻ em gái giờ được đi học, và phụ nữ tham gia trong Quốc hội, chính phủ và doanh nghiệp.

Marianne O'Grady, phó giám đốc quốc gia của tổ chức CARE International tại Kabul, cho biết những bước tiến của phụ nữ trong hai thập niên qua là rất to lớn, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Bà nói bà không hình dung được là mọi thứ sẽ quay trở lại như cũ, ngay cả sau khi Taliban tiếp quản.

“Không thể để cho hàng triệu người thất học được,” bà nói. Nếu phụ nữ “lùi lại sau những bức tường và không thể ra ngoài nhiều, thì ít nhất bây giờ họ có thể giáo dục những người họ hàng và hàng xóm và con cái của họ theo những cách mà 25 năm trước không có.”

Dẫu vậy, cảm giác sợ hãi dường như bao trùm khắp nơi, đặc biệt là ở phụ nữ, khi lực lượng Taliban chiếm thêm lãnh thổ mỗi ngày.

“Tôi cảm thấy chúng tôi giống như con chim làm tổ để sống và dành toàn bộ thời gian để xây tổ, nhưng rồi bất ngờ và bất lực nhìn người khác phá hủy nó,” Zarmina Kakar, 26 tuổi, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Kabul, nói.

Kakar được một tuổi khi Taliban tiến vào Kabul lần đầu tiên vào năm 1996, và cô nhớ lúc mà mẹ cô dẫn cô đi mua kem, khi mà Taliban còn cai trị. Mẹ cô đã bị một chiến binh Taliban đánh đòn vì để lộ khuôn mặt trong vài phút.

“Ngày giờ này một lần nữa, tôi cảm thấy nếu Taliban lên nắm quyền, chúng tôi sẽ quay trở lại những ngày đen tối đó,” cô nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG