Đường dẫn truy cập

Tâm niệm thứ ba và thứ tư


Tâm niệm thứ ba và thứ tư
Tâm niệm thứ ba và thứ tư

Lúc còn ở Úc tôi có đọc một bài báo viết về những câu châm ngôn nổi tiếng nhất thế giới và được cho biết câu nói được nhiều người nhắc đến nhiều nhất là:

The greatest thing you’ll ever learn
Is just to love, and be loved in return

Điều lớn lao nhất mà bạn sẽ học được đó là

Bạn hãy cứ yêu để được đền đáp lại bằng tình yêu

Tôi rất thích ý nghĩa của câu nói đơn giản này. Mặc dù nó hoàn toàn không đơn giản để thực hiện đối với tất cả mọi người. Vì sau gần hai thập niên lăn lóc đó đây tôi đã nhận thức được rằng ở đời không phải ai cũng như ai. Và có rất nhiều người đang sống trong phiền muộn, thù ghét. Họ sẵn sàng nổi nóng bất kể lý do và “tình yêu” là một thứ xa xí phẩm họ ít khi nào chịu đem ra tặng cho người khác.

Đối với họ hình như việc “thù ghét” dễ thực hiện hơn và cũng vì vậy họ chẳng bao giờ được đáp lại bằng sự thương yêu. Nó là một cái vòng lẩn quẩn. Nếu chúng ta “cho” thì chắc chắn trong một ngày không xa chúng ta sẽ được “nhận”. Còn như nếu lấy oán báo oán thì hạnh phúc sẽ không bao giờ đến với mình. Tôi tin chắc như vậy.

Như hôm qua trên đường về nhà, chỉ vì tôi vội bước qua đường không kịp thấy chiếc xe đang trờ tới nên tôi đã phải lùi lại vài bước để cho xe đi qua, không quên nói với theo câu “I am so sorry” (vì đèn xanh đã bật cho xe anh ta đi trước), thế vậy mà anh tài xế vẫn quay cửa sổ xuống chỉ để chửi tôi một câu: “Asshole”! (Thằng khốn nạn).

Dĩ nhiên lúc ấy cảm giác đầu tiên đến với tôi là sự buồn giận. Ủa tôi đã làm gì tệ hại đến độ phải bị chửi nặng như thế? Đồng ý tôi là người đã làm sai trước nhưng tôi đâu có ý định đó. Và quan trọng hơn tôi đã biết lỗi và nhận lỗi rồi mà. Thế thì có cần thiết lắm không khi bạn phải chửi vào mặt tôi?

Rất tiếc ngay sau đó anh tài xế phóng xe vọt đi mất nên tôi đã không có dịp hỏi anh những câu này. Vài phút sau tôi cũng kềm chế được sự buồn phiền của chính mình sau khi tự nhắc nhở mình là trên cõi đời này không phải ai cũng như ai. Không phải ai cũng có cùng một quá khứ như mình, được dạy bảo, nuôi nấng trong gia đình như mình.

Đối với tôi dùng chữ “asshole” để chửi bất cứ ai, bất kể vì lý do gì là rất nặng. Tôi tự biết là mình không thể nào dùng những ngôn từ như thế để… chửi lại ngay cả khi chính mình hay ba mẹ của mình bị đối xử tệ như vậy. Ngay cả khi mình muốn nhưng miệng cũng sẽ không bao giờ thốt nên lời!

Nhưng ngược lại đến nay tôi đã nhận thức được rằng đối với một số người việc dùng những ngôn từ như thế để giải bày cảm xúc của họ là một chuyện rất là bình thường. Vì họ đã lớn lên trong những hoàn cảnh cho phép họ làm vậy. Gia đình, bạn bè họ đều ăn nói như vậy mỗi khi nóng giận. Vì thế nó không là gì cả, như một số người trước khi bàn về bất cứ vấn đề gì đều phải kèm theo hai chữ Đ.M!

Điều này không có nghĩa họ là người “xấu” hay “ác’ hơn tôi và bạn. Mà đơn giản chỉ vì đối với họ những ngôn từ ấy nó không “nặng” như tôi và bạn nghĩ. Nó là một phần ngôn ngữ của họ, vì ai cũng biết mỗi người, mỗi dân tộc đều sử dụng một ngôn ngữ khác nhau để nói lên tiếng nói của riêng mình.

Xét từ một khía cạnh khác, tôi lại nghĩ, chính mình mới là người phải biết buông bỏ. Nếu cứ tiếp tục hờn ghét, thù oán thì người đầu tiên không cảm thấy hạnh phúc sẽ là mình. Chứ không phải là anh tài xế lạ mặt kia mà mình sẽ không bao giờ gặp lại. Có ghét anh cách mấy thì nó cũng không thể nào làm cho mình vui sướng hơn được. Đơn giản là vậy. Mỗi người trong chúng ta chỉ có thể điều khiển cảm tính của chính mình, chứ không phải là của vợ hay chồng mình, gia đình, hay bạn bè mình, hoặc người dưng nước lã!

Có thể nói đấy là tâm niệm của tôi trên phương diện cá nhân, cách xử thế giữa người và người trong cuộc sống hằng ngày. Riêng trên phương diện xã hội, tôi nhận thấy câu châm ngôn trên chưa hẳn đã được thực tế cho lắm. Và khó mà chúng ta thực hiện được vì có quen biết đâu mà nói đến hai chữ thương yêu! Người ta không ghét bỏ mình là đã quý hóa lắm rồi, đừng đòi hỏi mọi người phải tỏ lòng thương mến. Bởi không những thiên hạ không biết gì về mình, không hiểu mình là người như thế nào, tính tình ra sao mà hơn thế nữa, trên cõi đời ô trọc này mỗi người đều được thúc đẩy bởi một động lực khác nhau. Anh có thể hoàn toàn sống vì tình nhưng em thì cần tiền nhiều hơn. Hay quyền lực. Hoặc cả hai. Hoặc có người chẳng thiết tha gì cả. Như những người quyết định quy y nơi cửa Phật chẳng hạn.

Bởi vậy suy ra tôi thấy chỉ có câu nói này mới có ý nghĩa nhất đối với riêng tôi (và hình như cũng đã có hơn một lần tôi chia sẻ với các bạn). Đó là câu nói của nhà tranh đấu nổi tiếng nhất cho nền độc lập Ấn Độ, thánh Mahatma Gandhi:

You have to be the change you want to see in the world.
Chính chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trong xã hội.

Nếu bạn là người muốn xã hội tốt đẹp hơn, văn minh hơn, nhân bản hơn, chính bạn phải biết xăn tay áo tự thực hiện những công việc đó. Nếu bạn cảm thấy đất nước đang gặp hiểm nguy chính bạn phải là người dám đứng lên đảm nhận trọng trách của thế hệ. Đừng ngồi đó trách móc, đẩy ùn cho người khác. Quan trọng hơn, bạn đừng bao giờ tin tưởng giao phó nó cho bất cứ một thế lực nào. Vì đó là đất nước của bạn. Là tương lai của chính bạn, của con cái bạn. Nếu bạn không thay đổi được chính mình thì đừng hòng xã hội tự nó sẽ thay đổi.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG