Đường dẫn truy cập

Tầm quan trọng của liên minh


Hàng không mẫu hạm USS Washington của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể các chiến hạm và phi cơ được triển khai tại Châu Á.
Hàng không mẫu hạm USS Washington của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể các chiến hạm và phi cơ được triển khai tại Châu Á.
Thế giới hôm nay không còn bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, theo đó mối quan hệ phức tạp giữa các quốc gia thường được gắn kết với nhau bởi các lợi ích kinh tế - chính trị nhiều hơn là quan hệ láng giềng. Trong quan hệ quốc tế, tầm quan trọng thiết yếu trong chính sách đối ngoại của chính phủ được đặc biệt chú trọng phải kể đến chính sách “liên minh chiến lược”. Những liên minh này thường được gắn kết với nhau trong mối tương quan của ý thức hệ hoặc sự tương đồng về an ninh, hay lợi ích kinh tế.

Không gian chính trị quốc tế là tập hợp và điều phối của nhiều liên minh (khối), được lãnh đạo bởi ý chí của các cường quốc hay các nhà nước chủ chốt. Các quốc gia nằm trong các liên minh có mối quan hệ cộng hưởng nhằm mưu cầu các quyền lợi chung và giá trị chung. Những quốc gia nhỏ sẽ đối diện với nhiều khó khăn trong việc phát triển nếu không đứng trong một liên minh nào đó. Gia nhập liên minh giúp cho các nước nhược tiểu có ưu thế vượt trội không bao giờ tìm được khi xác định mình ở vị trí trung lập.

Điều này giải thích thấu đáo sự sụp đổ dễ dàng của các chế độ độc tài không đứng trong bất cứ liên minh nào như Miến Điện hay một vài nước Bắc Phi. Trái lại, một chế độ chính trị bất hảo như Bắc Triều Tiên, hay nền chính trị chuyên chế của nhiều quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập hậu Xô Viết vẫn giữ vững guồng máy cai trị độc tài. Tuy không khác biệt về mức độ hà khắc và độc đoán trong chính sách đối nội, nhưng chính thể độc tài quân sự Miến đã tan rã nhanh chóng. Suy thoái quyền lực diễn ra song hành với các tác động ngoại lực.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên nằm trong Khối Cộng sản, được sự hậu thuẫn chính trị từ Trung Quốc (hai nước có chung quyền lợi và ý thức hệ Cộng sản) khiến quốc tế chỉ có thể áp đặt các lệnh cấm vận một cách giới hạn. Cũng tương tự, các nước độc tài trong khối Các quốc gia độc lập luôn cảm thấy an toàn vì được hậu thuẫn mạnh mẽ từ nước Nga. Trong quá khứ, các quốc gia này từng thuộc liên minh Xô Viết, chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn minh Xlavơ.

Nga – Trung sở hữu hồ sơ dày cộm trong “thành tích” bảo vệ các chế độ bất hảo trước các biện pháp trừng phạt từ các nước dân chủ phương Tây. Lá phiếu phủ quyết trong Hội đồng bảo an LHQ được sử dụng như một công cụ hữu hiệu bảo vệ các quốc gia độc tài. Ưu thế này đã trao vào tay những kẻ cầm quyền độc đoán một niềm tin xác đáng và tính chính danh để đàn áp dân chúng mà không phải e ngại đến thái độ của quốc tế. Qua đó, chúng ta nhận dạng rõ ràng hơn khuôn mặt nham hiểm của các chính thể độc tài trong bức tranh tổng thể toàn cầu.

Cộng sản Việt Nam cách đây hai mươi năm đã sớm gia nhập vào liên minh chiến lược với sự đỡ đầu của Cộng sản Trung Hoa, điều này giúp cho Hà Nội đàn áp những người đấu tranh Dân chủ mà không bị quốc tế lên án hay áp đặt các biện pháp chế tài. Một cách cụ thể, Bắc Kinh đã giúp Hà Nội rất nhiều trong việc gia nhập các định chế quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Qua đó, có thể nắm bắt nhiều cơ hội đưa đến thành công đáng kể trong việc thiết lập bang giao với nhiều nước trên thế giới.

Kế hoạch “xoay trục” sang Châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đẩy Cộng sản Việt Nam đối mặt với thách thức to lớn nhất kể từ khi thành lập đảng đến nay. Một kịch bản mà Hà Nội cũng như các chế độ độc tài Cộng sản khác phải sớm dự trù vì sự tồn vong của tập đoàn lãnh đạo đó là sự sụp đổ của hệ thống Cộng sản toàn cầu. Nếu Cộng sản Trung Hoa bị đánh bại bởi liên minh quân sự của Hoa Kỳ thì điều đó sẽ đồng nghĩa với việc hệ thống Cộng sản bị sụp đổ trên quy mô toàn cầu. Hệ quả tất yếu là Hà Nội phải đối mặt với hai nguy cơ có thể dẫn đến sự cáo chung của chính thể độc tài.

Thứ nhất là đảng Cộng sản sẽ trở thành tâm điểm tố cáo của mọi tội ác và là biểu tượng cho sự thất bại thảm hại; thứ hai: Cộng sản Việt Nam sẽ mất đi sự hậu thuẫn quốc tế. Hà Nội sẽ cùng lúc mất đi hai nhân tố: tính chính đáng và ưu thế quốc tế, và điều này sẽ đồng nghĩa với việc bị tước bỏ phần lớn quyền lực. Trước những biến đổi bất lợi của thời cuộc, để tiếp tục bám víu quyền lực, tập đoàn lãnh đạo độc tài phải tính đến việc bãi bỏ tên gọi đảng Cộng sản để thay thế bằng một cái tên khác nghe lọt tai hơn. Song song với chiến thuật “cải tổ”, Hà Nội sẽ tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các cường quốc khác bằng việc gia nhập vào một hoặc nhiều “liên minh chiến lược” khác.

Trong khoảng thời gian một năm trở lại đây, thông qua các nổ lực ngoại giao được đánh giá là sôi động, Hà Nội đã thiết lập mối quan hệ hữu hảo với nhiều nước trên thế giới như một chỉ dấu chứng tỏ sự chuẩn bị cho một kịch bản chính trị tỷ mỹ và công phu. Bên cạnh việc gìn giữ liên minh truyền thống với Bắc Kinh, các hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của Hà Nội gần đây có thể kể đến: quan hệ Việt – Nga, quan hệ Việt – Ấn, quan hệ Việt – Pháp hay quan hệ Việt – Mỹ…

Tôi xét thấy, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước Tây Âu phần nhiều mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Qua đó, có thể xem đây là một động thái chính trị nhằm khẳng định tính độc lập của chính quyền Hà Nội trong các chính sách với Bắc Kinh. Cũng có thể xem đây là một hành động mị dân nhằm che dấu các hoạt động mờ ám trong Liên minh Việt - Trung thường bị quần chúng chỉ trích.

Tuy vậy, về bản chất mối bang giao Âu Tây chứa đựng nhiều khác biệt to lớn với thủ đoạn hình thành liên minh chiến lược Việt – Nga hay Liên minh Việt - Ấn mà chính quyền đang theo đuổi.

Những hợp đồng mua bán vũ khí mà Việt Nam ký kết với Nga trị giá nhiều tỉ đô la có thể khiến nhiều người nhầm tưởng Hà Nội muốn xây dựng một liên minh quân sự với Nga nhằm đối phó với những tranh chấp tại Biển Đông. Mục tiêu thực sự của Hà Nội không có liên hệ gì với quyền lợi quốc gia như nhiều người đã nhầm tưởng. Tôi tin chắc rằng tranh chấp Biển Đông chỉ là lý do để chính quyền hợp thức hóa các hợp đồng vũ khí. Trong tương lai gần, những hạng mục về vũ khí có thể còn nhiều hơn gấp bội con số bây giờ. Mục đích tối hậu cho động thái này không ngoài điều gì khác hơn là đem tiền quốc gia để đổi lấy sự thương cảm của một nước Nga do Putin lãnh đạo.

Những kế hoạch của Cộng sản Việt Nam nhằm tranh thủ sự hậu thuẫn chính trị từ Nga thông qua việc gia nhập vào khối liên minh Xlavơ như trong quá khứ đã làm không dễ dàng thực hiện. Trong quá khứ, khối Xô Viết gắn kết với Việt Nam bằng ý thức hệ Cộng sản, trong khi đó, nước Nga của Putin là một nước Nga Mafia luôn tranh thủ tìm kiếm các khoản lợi nhuận tài chính từ vũ khí và dầu mỏ. Trước thái độ kẻ cả, khinh khỉnh của Putin trong các cuộc họp báo chung, tôi tin chắc rằng, Hà Nội sẽ sớm thất vọng.

Quan hệ Việt - Ấn cũng không nằm ngoài mục đích vừa trình bày. Ấn Độ là một nền kinh tế lớn, hơn nữa lại là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Nhận được sự đỡ đầu từ một cường quốc như Ấn Độ cũng là một kế sách khôn ngoan. Trong nhiều thập niên lãnh đạo, đảng Cộng sản đã có nhiều cơ hội để tương tác và học hỏi các kỹ năng trong ngành ngoại giao quốc tế. Những ứng dụng quan trọng thường thấy trong bang giao Việt - Ấn là dùng những lợi ích kinh tế để đổi lấy sự hậu thuẩn chính trị. Những lợi ích to lớn mà chính quyền Việt Nam có thể mang lại cho Ấn Độ có thể kể đến là dầu mỏ. “Vàng đen” tại thềm lục địa Việt Nam sẽ vô cùng hữu ích đối với nền kinh tế Ấn Độ. Có thể nói rằng: dầu khí là một công cụ đáng giá để trao đổi.

Bất chấp sự thịnh suy của dân tộc, Hà Nội đem tài lực quốc gia để gia cố quyền lực trung ương thông qua việc hình thành nhiều “liên minh chiến lược” với các cường quốc. Những “liên minh chiến lược” này thỏa mãn nhu cầu tạo dựng một thế đứng chính trị ổn định cho chính quyền Cộng sản trong tương lai đề tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo tại Việt Nam.

Nắm bắt được những mưu tính nham hiểm của tập đoàn lãnh đạo sẽ cung cấp cho những người đấu tranh bản lĩnh và hiểu biết để lựa chọn hình thức đấu tranh phù hợp nhằm vô hiệu hóa quyền lực của tập đoàn lãnh đạo khi quan hệ quốc tế đột biến. Một lực lượng đối lập mạnh mẽ là yếu tố nhất thiết để đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chính thể độc tài.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
XS
SM
MD
LG