Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã điện đàm với người tương nhiệm Mexico và Canada, cũng như với Thủ tướng Israel. Ngoài ra, ông đã tiếp Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington hôm thứ Năm, trong ngày đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ.
Không có chi tiết chính thức về nội dung cuộc họp giữa ông Tillerson với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, mặc dù trọng tâm của các cuộc thảo luận có thể xoay quanh Liên minh Bắc Đại Tây Dương, NATO, tương lai của thỏa thuận hạt nhân với Iran, và vấn đề thương mại.
Trao đổi với các nhà báo tại Đại sứ quán Đức ở thủ đô nước Mỹ, ông Gabriel nói ông "rất vinh hạnh được mời đến thủ đô Washington trong giai đoạn khởi đầu của một chính quyền mới."
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói:
"Tôi cấp tốc đến đây không chỉ để làm quen với ông Rex Tillerson, mà còn để chứng minh rằng quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương thiết yếu như thế nào trong giai đoạn có nhiều biến động như hiện nay, đối với chúng tôi, ở Đức và châu Âu cũng như đối với các bạn Mỹ. Tầm quan trọng của mối quan hệ này thể hiện sự hợp tác lâu dài của chúng ta trong lĩnh vực an ninh. Đối với chúng tôi, NATO là một liên minh thiết yếu đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh cho châu Âu và xa hơn nữa. Sự hợp tác giữa chúng ta là thiết yếu về các vấn đề có trong chương trình nghị sự quốc tế, ví dụ như các nỗ lực nhằm kết thúc cuộc nội chiến khủng khiếp tại Syria, và trách nhiệm chung của chúng ta đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, cũng như nỗ lực mưu tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine."
Ca tụng mối quan hệ vững bền giữa Hoa Kỳ và nước Đức, Ngoại trưởng Gabriel nói:
“Đã có những thời kỳ trong quá khứ khi chúng ta vấp phải những khó khăn chính trị, và tranh cãi với nhau về các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, chúng ta luôn luôn nhận thức được rằng chúng ta, tình hữu nghị và hợp tác của chúng ta được đặt trên những giá trị chung.”
Cuộc gặp giữa hai vị Ngoại trưởng diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ vừa ban hành lệnh cấm nhập cảnh áp dụng cho công dân 7 nước, nơi đa số theo Hồi giáo, gây làn sóng phẫn nộ trên trường quốc tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nêu lên vấn đề này lại trong một chuyến đi thăm Ankara ngày hôm qua, thứ Năm 2/1. Bà nói rằng chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố không thể biện minh cho việc vơ đũa cả nắm, nghi ngờ tất cả các tín đồ Hồi giáo.