Đường dẫn truy cập

Tập đoàn quân nhân Myanmar không tiếp đặc sứ ASEAN cho tới khi tình hình ổn định


Ảnh do Dawei Watch cung cấp, chụp cuộc tuần hành của dân phản đối cuộc đảo chính do quân đội thực hiện.Biểu tình diễn ra tại Dawei, Myanmar, ngày 5/5/2021.(Dawei Watch)
Ảnh do Dawei Watch cung cấp, chụp cuộc tuần hành của dân phản đối cuộc đảo chính do quân đội thực hiện.Biểu tình diễn ra tại Dawei, Myanmar, ngày 5/5/2021.(Dawei Watch)

Tập đoàn quân nhân cầm quyền tại Myanmar đang đối mặt với các cuộc biểu tình chống đảo chính trên toàn quốc hôm thứ Sáu nói rằng họ không đồng ý tiếp một đặc sứ từ các nước Đông Nam Á tới thăm cho đến khi nào đã ổn định được tình hình.

Lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã điều đình được một giải pháp 5 điểm tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng trước, bàn về cuộc khủng hoảng ở Myanmar với sự tham dự của nhân vật cầm đầu cuộc đảo chính ngày 1/2, Thượng tướng Min Aung Hlaing.

Giải pháp 5 điểm bao gồm: chấm dứt bạo lực, đối thoại giữa quân đội và phe chống đối, cho phép hỗ trợ nhân đạo, và đồng ý cho một đặc sứ ASEAN tới thăm Myanmar.

"Ngay trong lúc này, chúng tôi đang ưu tiên vấn đề an ninh và ổn định của đất nước", phát ngôn viên của hội đồng quân nhân, Thiếu tá Kaung Htet San, nói trong một cuộc họp báo phát trên đài truyền hình.

Ông nói thêm: "Chỉ khi nào đạt được một mức độ an ninh và ổn định nhất định, chúng tôi mới hợp tác (với ASEAN) về vụ việc liên quan tới vị đặc sứ."

Chính phủ sẽ xem xét các đề xuất được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh nếu chúng hữu ích cho tầm nhìn của chúng tôi về quốc gia, ông nói thêm.

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính, công chúng phẫn nộ vì họ không chấp nhận quay lại với một chế độ do quân đội cầm quyền sau 5 thập kỷ quản lý kinh tế yếu kém, và đất nước kém phát triển.

Các cuộc biểu tình và tuần hành đã diễn ra trong hầu như mỗi ngày, gần đây nhất là cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn hôm thứ Sáu tại thủ đô thương mại Yangon và các cuộc biểu tình ít đông đảo hơn tại ít nhất 10 nơi trên khắp nước.

Theo một nhóm giám sát cuộc khủng hoảng, ít nhất 769 người đã thiệt mạng và gần 3.700 người bị giam giữ trong chiến dịch đàn áp của quân đội.

Hội nghị ASEAN ngày 24/4 tại Jakarta được những người tham dự ca ngợi là thành công, nhưng các nhà phân tích và giới hoạt động không tin tưởng các tướng lĩnh Myanmar sẽ thực thi kế hoạch 5 điểm, vốn không có thời biểu, và cũng không đề cập đến việc thả tù nhân chính trị, trong đó có nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG