17 thuyền nhân Syria chết đuối hôm Chủ nhật khi tàu của họ bị đắm trong vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc đang trên đường đến đảo Leros của Hy Lạp. Truyền thông địa phương cho hay 20 người có mặt áo phao được cứu sống.
Tuần dương Thổ Nhĩ Kỳ vớt được một số xác chết và những người thoát chết được đưa đến một nhà xác ở Bodrum để họ nhận diện thân nhân của họ.
Chiếc tàu dài 8 mét bị đắm sau khi xuất phát. Những người chết đuối hôm Chủ nhật do bị kẹt trong khoang tàu, theo tin của hãng thông tấn Dogan.
Tỉnh trưởng Amir Cicek của tỉnh Mugla nói rằng không có ai mất tích hoặc bị đếm sót và nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
Bodrum, một địa điểm du lịch nổi tiếng, đã trở thành một điểm xuất phát trên hành trình của di dân và người tị nạn tìm đến châu Âu.
Trong khi đó hơn một ngàn di dân và người tị nạn đã băng qua Serbia để vào Croatia hôm Chủ nhật, để tiếp tục hành trình của họ đến tây Âu. Nhiều người mặc áo đi mưa mỏng lội qua biên giới sình lầy trong điều kiện thời tiết đang trở nên xấu đi.
Croatia đã giúp đưa người tị nạn từ biên giới của họ với Hungary băng qua nước họ để đến Áo, nhưng Croatia đang trở nên chật vật trong nỗ lực đối phó với làn sóng người tị nạn đổ vào nước họ hiện nay.
Chính phủ Croatia nói họ có thể kiểm soát đến 5.000 người tị nạn đổ vào mỗi ngày. Hơn 60.000 người tị nạn, nhiều người trốn chạy cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria, đã từ Serbia băng qua Croatia trong tuần lễ qua.
Dòng người tị nạn, được giới hữu trách mô tả là chưa từng thấy, đã đổ vào kể từ khi Croatia dỡ bỏ rào cản ở biên giới với Serbia, chấm dứt vụ đối đầu căng thẳng kéo dài cả tuần lễ khiến cho quan hệ giữa hai nước Balkan trở nên căng thẳng.
Làn sóng người tị nạn đổ vào cũng tiếp diễn sau khi Liên hiệp Âu châu họp để giải quyết cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất tại châu lục này kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc.
Riêng nước Đức dự kiến sẽ nhận đến một triệu di dân trong năm nay.
Giới hữu trách Đức cho hay 200.000 người tị nạn được Đức tiếp nhận trong nửa đầu năm nay, trong đó có 40% đến từ các nước Albania, Kosovo, Macedonia, và Serbia trốn chạy thất nghiệp và nghèo đói với hy vọng tìm được cuộc sống sung túc hơn ở nơi khác.