Hôm thứ Năm 3/12, Trung Quốc cho biết tàu thăm dò mặt trăng mới nhất của họ vừa hoàn thành công tác thu thập các mẫu vật trên bề mặt của mặt trăng và niêm phong chúng trong tàu vũ trụ để trở về trái đất, lần đầu tiên sau hơn 40 năm mới có một quốc gia thực hiện một sứ mạng như vậy.
Thường Nga 5, tàu thăm dò thứ ba của Trung Quốc hạ cánh lên mặt trăng, là tàu mới nhất tham gia các sứ mệnh ngày càng tham vọng hơn cho chương trình vũ trụ Trung Quốc.
Nước này còn phóng một tàu thăm dò tới sao Hỏa mang theo một robot tự hành để thám hiểm hành tinh này.
Thường Nga 5 hôm thứ Ba hạ cánh xuống Biển Bão thuộc nửa mặt trăng luôn quay về trái đất, trong một sứ mệnh có mục đích thu thập mẫu đất đá trên mặt trăng để đưa về Trái đất, lần đầu tiên từ năm 1976.
Theo kế hoạch, phần trên của tàu thăm dò được gọi là mô-đun lấy mẫu vật sẽ được phóng trở lại vào quỹ đạo mặt trăng để chuyển các mẫu vào một tàu chứa nhỏ để quay lại trái đất. Hiện chưa biết chính xác thời gian tàu chứa mẫu vật trở về trái đất.
Dự kiến Thường Nga 5 sẽ hạ cánh vào khoảng giữa tháng 12 trên các đồng cỏ ở Nội Mông, nơi tàu vũ trụ Thần Châu do phi hành đoàn của Trung Quốc lái đã trở về sau khi Trung Quốc lần đầu tiên đưa người lên vũ trụ vào năm 2003, và trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới làm như vậy sau Nga và Hoa Kỳ. Thường Nga 5 đã hồi sinh các cuộc thảo luận về khả năng Trung Quốc một ngày nào đó, sẽ thực hiện một sứ mệnh lên mặt trăng do người lái và có thể xây dựng một cơ sở khoa học trên đó, mặc dù chưa có thời biểu nào được đề xuất để thực hiện các dự án này.