Đường dẫn truy cập

Tàu Trung Quốc bị tình nghi làm hỏng cáp ngầm gần Đài Loan


Biểu tượng của Chunghwa Telecom. Công ty nói việc cáp biển bị đứt không ảnh hưởng đến dịch vụ internet trên toàn đảo, có thể là do một tàu kéo neo dọc theo đáy biển nơi đặt cáp ngầm gần cảng Cơ Long ở phía bắc Đài Loan vào sáng ngày 3/1/2025.
Biểu tượng của Chunghwa Telecom. Công ty nói việc cáp biển bị đứt không ảnh hưởng đến dịch vụ internet trên toàn đảo, có thể là do một tàu kéo neo dọc theo đáy biển nơi đặt cáp ngầm gần cảng Cơ Long ở phía bắc Đài Loan vào sáng ngày 3/1/2025.

Đài Loan đang điều tra một tàu do Trung Quốc sở hữu bị tình nghi cắt đứt một tuyến cáp quang ngầm ở phía bắc Đài Loan. Mặc dù vụ này chỉ gây gián đoạn tối thiểu cho các dịch vụ internet, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó phản ánh sự dễ bị tổn thương của Đài Loan và cơ sở hạ tầng ngầm của nước này trong trường hợp bị quân đội Trung Quốc tấn công hoặc phong tỏa.

“Đây là điểm yếu chung của nhiều quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa”, ông Drew Thompson, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore và là cựu quan chức Ngũ Giác Đài, nói.

“Thách thức thực sự đối với Đài Loan là làm thế nào để họ tăng khả năng phục hồi của mình khi ngày càng có nhiều nhận thức rằng họ có thể bị cố tình làm tổn thương thông qua các cuộc tấn công trực tiếp khó có thể quy cho một tác nhân cụ thể”, ông nói với VOA qua điện thoại.

Nhà điều hành viễn thông do chính phủ Đài Loan kiểm soát Chunghwa Telecom đã nhận được cảnh báo về thiệt hại đối với một tuyến cáp ngầm gần Cảng Cơ Long ở phía bắc Đài Loan vào sáng ngày 3/1.

Chunghwa Telecom cho biết việc gián đoạn, không ảnh hưởng đến dịch vụ internet trên toàn đảo, có thể là do một tàu kéo neo dọc theo đáy biển nơi đặt cáp ngầm.

Trong vòng vài giờ, lực lượng cảnh sát biển Đài Loan đã điều tàu ra và phát hiện tàu Shunxin-39 treo cờ Cameroon ở vùng biển phía bắc Đài Loan. Chính quyền Đài Loan đã ra lệnh cho tàu quay trở lại vùng biển ngoài khơi Cảng Cơ Long để kiểm tra nhưng không lên tàu do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Đài Bắc đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hàn Quốc để điều tra con tàu đang đi về phía thành phố Busan của Hàn Quốc. Lực lượng cảnh sát biển Đài Loan cho biết trong một tuyên bố chia sẻ với VOA rằng con tàu thuộc sở hữu của một công ty Hong Kong do một công dân Trung Quốc đứng đầu. Bảy thành viên thủy thủ đoàn trên tàu đều là công dân Trung Quốc.

Ngoài việc treo cờ Cameroon, chính quyền Đài Loan cho biết con tàu cũng được đăng ký tại Tanzania và dường như hoạt động theo hai bộ thiết bị Hệ thống Nhận dạng Tự động vốn cho thấy thông tin cơ bản và tọa độ của tàu.

Lực lượng cảnh sát biển cho biết trong khi ý định của tàu Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, vụ việc có thể là một phần trong các hoạt động vùng xám của Trung Quốc nhằm gây áp lực lên Đài Loan thông qua các chiến thuật bất thường không liên quan đến chiến đấu.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã nhiều lần tuyên bố sẽ thống nhất với hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã tăng tần suất các hoạt động vùng xám xung quanh Đài Loan trong những năm gần đây, thường xuyên triển khai máy bay quân sự, tàu hải quân và tàu cảnh sát biển đến không phận và vùng biển gần Đài Loan.

Ông Ray Powell, giám đốc dự án Sealight của Đại học Stanford, nơi theo dõi các hoạt động hàng hải của Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nói với VOA rằng tàu Trung Quốc đã hoạt động giữa các vùng biển gần Cảng Cơ Long của Đài Loan, Busan của Hàn Quốc và dọc theo bờ biển Trung Quốc dưới hai tên khác nhau, hai lá cờ khác nhau và sáu số nhận dạng khác nhau trong sáu tháng qua.

“Có ít nhất sáu số đăng ký khác nhau cho thấy con tàu này chuyên hoạt động độc lập hoặc khó theo dõi”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Ông Powell cho biết con tàu có thể đang tiến hành một hoạt động vùng xám chống lại cơ sở hạ tầng quan trọng của Đài Loan trong khu vực.

“Lý do chúng tôi phân loại sự kiện này là hoạt động tiềm ẩn trong vùng xám là vì nó ẩn sau một công ty tư nhân có trụ sở tại Hong Kong với chủ sở hữu ở Trung Quốc và treo cờ các nước châu Phi, để thể hiện là chính phủ Trung Quốc không dính dáng tới các hoạt động của tàu”, ông nói với VOA.

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington trả lời VOA bằng văn bản rằng họ không biết về việc cắt đứt cáp ngầm gần phía bắc Đài Loan, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh “luôn hoan nghênh và ủng hộ các quốc gia và công ty viễn thông khác lắp đặt cáp ngầm quốc tế tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”.

Vụ này xảy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều thiệt hại đối với cáp ngầm và đường ống, do tàu của Trung Quốc và Nga gây ra ở Biển Baltic kể từ năm 2023.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên một tàu Trung Quốc bị nghi ngờ cắt cáp ngầm gần Đài Loan. Vào tháng 2 năm 2023, chính quyền Đài Loan đã tìm ra bằng chứng cho thấy hai tàu Trung Quốc đã cắt hai cáp internet gần đảo Mã Tổ xa xôi của Đài Loan, gây ra tình trạng mất internet kéo dài một tháng trên hòn đảo nhỏ này.

Kể từ đó, Đài Loan đã đổ nhiều nguồn lực hơn vào việc chuẩn bị cho khả năng mất internet do hư hỏng cáp ngầm dưới biển. Tháng 10 năm ngoái, Chunghwa Telecom thông báo rằng tín hiệu từ các vệ tinh quỹ đạo Trái Đất thấp sẽ phủ sóng toàn bộ hòn đảo. Đây là một phần trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc của Đài Loan vào cáp ngầm dưới biển để liên lạc ra bên ngoài.

Trong khi Chunghwa Telecom cho biết cáp sẽ được sửa vào cuối tháng này, Bộ Các vấn đề Kỹ thuật số của Đài Loan đã cam kết sẽ bảo đảm thêm kinh phí để giúp công ty mạng viễn thông này xây dựng thêm cơ sở vật chất nhằm tăng cường kết nối của hòn đảo này với các tuyến cáp ngầm quốc tế.

Một số nhà lập pháp Đài Loan cũng kêu gọi lực lượng cảnh sát biển tăng cường năng lực giám sát các hoạt động tại các khu vực tập trung nhiều cáp ngầm và cập nhật các giao thức để đề phòng các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Một số nhà phân tích cho rằng lực lượng cảnh sát biển cần tăng cường năng lực để giải quyết những thách thức do Trung Quốc gây ra, vốn đã trở nên thường xuyên hơn trong những năm gần đây.

Ông Shen Ming-shih, một nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết điều đó bao gồm việc giám sát “các hoạt động bất thường do tàu đánh cá hoặc tàu thương mại thực hiện ở vùng biển gần cáp ngầm của Đài Loan”.

Ông nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng Đài Loan cũng nên nâng cao hiệu quả trong việc sửa chữa “các tuyến cáp ngầm bị hư hỏng trong thời gian ngắn nhất”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG