Đường dẫn truy cập

Tết của người Việt tại Mỹ đã tới gần


Tết về không thể thiếu trò chơi lắc bầu cua trong sinh hoạt vui xuân của người Việt hải ngoại (ảnh Bùi Văn Phú)
Tết về không thể thiếu trò chơi lắc bầu cua trong sinh hoạt vui xuân của người Việt hải ngoại (ảnh Bùi Văn Phú)

Mai vàng đã hé nụ khoe những cánh hoa ngấp nghé trong các nhà vườn của người Việt ở Florida, tiểu bang có khí hậu gần gũi nhất với Việt Nam tại nước Mỹ. Bánh chưng xanh cũng đã được nhiều cửa tiệm hối hả gói ngay từ bây giờ để chuẩn bị cung cấp cho các gia đình đón một cái Tết sum vầy bên người thân. Còn tại các ngôi chùa, các hội Thánh và những cộng đồng khác nhau của người Việt hải ngoại, người ta cũng đã chuẩn bị xong các chương trình đón Tết. Năm nay, Tết Mậu Tuất rơi đúng vào dịp cuối tuần nên đây sẽ là một cái Tết đầm ấm cho hầu hết các gia đình người gốc Việt tại Mỹ.

Mai nở trên đất Mỹ

Đứng giữa vườn mai hơn 10.000 gốc tại thành phố Sarasota, tiểu bang Florida, anh Sang Bùi, chủ vườn mai được coi là lớn nhất và cũng là đầu mối cung cấp mai quan trọng nhất cho hầu hết các tiểu bang của nước Mỹ, vui mừng ra mặt. Năm nay, dù khu vực đông bắc nước Mỹ phải chịu một đợt giá lạnh kỷ lục và Florida cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng may mắn vườn mai của anh vẫn phát triển tốt. Ngay từ giữa tháng 11, anh Sang đã tỉa bớt lá để chuyển mai đi phục vụ những khu vực có khí hậu lạnh như ở Canada và một số tiểu bang phía Bắc của nước Mỹ. 9.000 gốc mai bán buôn cho tới thời điểm này đã được anh Sang chuyển tới đại lý ở các tiểu bang xa.

1.000 gốc mai còn lại này thì chỉ khoảng hơn 2 tuần nữa là sẽ được bán hết…
Anh Sang Bùi, chủ vườn mai vàng tại Sarasota, Florida

Hiện tại, cả khu vườn chỉ còn lại gần 1.000 gốc để bán lẻ cho khách hàng tới từ các tiểu bang lân cận như New York, thủ đô Washington DC hay Virginia và Maryland. Anh Sang cũng cho biết nhu cầu về mai cho dịp Tết năm nay cao hơn 30% so với những năm gần đây. Phần lớn các gốc mai còn lại trong vườn của anh cho tới thời điểm này đã hé nụ, những cánh mai vàng đã chuẩn bị bung nở và, theo kinh nghiệm nhiều năm trồng mai trên đất Mỹ, anh Sang dự tính những gốc mai này sẽ nở rực rỡ đúng vào dịp Tết âm lịch sắp tới đây. Mặc dù còn hơn 4 tuần nữa mới chính thức đến Tết, nhưng hiện đã có rất nhiều khách hàng tới với vườn mai của anh Sang để mua và ngắm mai.

Anh Sang cho biết: “Từ sáng tới giờ, tôi cũng đã phục vụ khoảng hơn 200 khách ghé thăm vườn. Chủ yếu họ tới đây để coi mai, xem có cây nào đẹp, giá cả hợp lý là họ mua. Còn không thì mọi người ngắm mai chụp ảnh. Nói chung khoảng 1.000 gốc mai còn lại này thì chỉ khoảng hơn 2 tuần nữa là sẽ được bán hết…”

Bánh chưng, bánh tét

Ngoài một cây mai vàng cho không khí gia đình thêm ấm áp thì tất nhiên bánh chưng, bánh tét cũng là những thức không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt dù là ở Việt Nam hay ở hải ngoại. Mấy tuần gần đây, các cửa tiệm bán đồ ăn của người Việt nơi thì bắt đầu nhập bánh chưng, bánh tét từ các cơ sở sản xuất, nơi thì cũng đã chuẩn bị đầy đủ gạo nếp, đỗ xanh để cho ra lò những chiếc bánh chưng, bánh tét phục vụ cộng đồng. Do không có nguồn lá dong nên hầu hết bánh trưng, bánh tét ở Mỹ được gói bằng lá chuối đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan nhưng vẫn đảm bảo màu xanh mướt của vỏ bánh, đúng với thói quen “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành” trong dịp Tết.

Là một trong những cửa tiệm hiếm hoi tại tiểu bang Virginia thường xuyên sản xuất bánh chưng, bánh tét tại chỗ phục vụ các gia đình người Việt, tiệm bánh Kim Phụng những ngày này đã bắt đầu các công đoạn gói và luộc bánh để bán cho những người háo hức muốn thưởng thức mùi vị bánh mới trước dịp Tết.

Trong gian bếp rộng rãi nhưng giờ đây cũng trở thành chật chội với đầy những gạo nếp đã ngâm nước vừa tới, đậu xanh đồ chín, lá chuối và những nồi bánh sôi ùng ục, ông Trần Hán Vinh, chủ tiệm cho biết: " Trung bình mỗi năm tiệm chúng tôi cung cấp từ 1.000 cho tới 2.000 chiếc bánh chưng, bánh tét các loại phục vụ bà con đón Tết. Thường thì trong 2 tuần cuối cùng trước Tết là khách hàng đông nhất, những ngày đó là cả tiệm bận bịu từ sáng tới tối.

Trung bình mỗi năm tiệm chúng tôi cung cấp từ 1.000 cho tới 2.000 chiếc bánh chưng, bánh tét các loại phục vụ bà con đón Tết. Thường thì trong 2 tuần cuối cùng trước Tết là khách hàng đông nhất, những ngày đó là cả tiệm bận bịu từ sáng tới tối.
Ông Trần Hán Vinh, chủ tiệm Kim Phụng, Virginia

Nhưng ngay từ bây giờ cũng đã có nhiều người tìm tới để mua bánh về thưởng thức trước Tết rồi.”

Ông Vinh cũng cho biết thêm do lượng bánh chưng, bánh tét được cung cấp ra ngoài thị trường tăng đột biến trong những ngày giáp Tết, nên cửa tiệm của ông phải tính toán rất kỹ về nhân công phục vụ việc gói và luộc bánh để có bánh mới kịp giao cho khách hàng. Nếu số lượng khách trong những ngày tới tăng cao hơn nữa thì tiệm của ông sẽ buộc phải thuê thêm nhân công, và tăng thêm giờ làm việc để đáp ứng.

Các sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Còn tại các hội Thánh và các ngôi chùa của cộng đồng người Việt, mặc dù vào ngày trong tuần vẫn là một không khí trầm lắng, yên tĩnh nhưng những chương trình chào đón giao thừa và Tết nguyên đán cho bà con hiện đã được lên lịch và sắp xếp cẩn thận.

Thượng tọa Thích Thông Đạt, chủ trì chùa Giác Hoàng, ngôi chùa được xây dựng từ cuối những năm 1970 tại thủ đô Washington DC, cho biết trong đêm 30 tết, nhà chùa sẽ mở cửa đón khách thập phương và làm lễ chào đón năm mới và riêng ngày mùng 1 đầu năm thì sẽ có một buổi lễ cầu an cho bà con, Phật tử gần xa. Hiện tại thì các Phật tử ở xung quanh chùa và những tín hữu thường xuyên tham gia vào các hoạt động Phật sự đã chuẩn bị đầy đủ các hoạt động để chào đón hàng nghìn Phật tử từ Washington DC, Virginia và Maryland đến chùa thắp hương trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Tại các hội Thánh, nhiều chương trình đón Tết vào ngày chủ Nhật 18/2, tức ngày mùng 3 tết cũng đã được chuẩn bị với nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống như múa lân hay lì xì đầu năm cho các em nhỏ để tạo ra một không khí quê hương, thân thuộc cho các gia đình gốc Việt trên đất Mỹ.

Mục sư Phan Đức Hiếu, Hội Thánh Giám lý Việt – Mỹ cho biết: “Thường thì người Việt mình xa quê hay nhớ về quê hương mỗi dịp năm hết Tết đến. Vì thế mà Hội Thánh chúng tôi cố gắng tổ chức các chương trình phục vụ cộng đồng, để có thể đem không khí Tết đến với mọi gia đình. Đây rõ ràng là dịp hiếm hoi để các gia đình ngồi lại với nhau, để con em được vui chơi, được lì xì, được biết về cái Tết truyền thống ở Việt Nam, bởi phần lớn các em đều sinh ra ở đây, không biết nhiều về các sinh hoạt văn hóa truyền thống Việt Nam."

Đây rõ ràng là dịp hiếm hoi để các gia đình ngồi lại với nhau, để con em được vui chơi, được lì xì, được biết về cái Tết truyền thống ở Việt Nam, bởi phần lớn các em đều sinh ra ở đây, không biết nhiều về các sinh hoạt văn hóa truyền thống Việt Nam...
Mục sư Phan Đức Hiếu, Hội Thánh Giám lý Việt - Mỹ, Virginia

Trở lại với anh Sang Bùi, chủ vườn mai tại thành phố Sarasota tiểu bang Florida, câu chuyện của anh về cơ duyên anh đến với cây mai cũng là câu chuyện mà nhiều người Việt đã trải qua trong những ngày đầu đặt chân đến nước Mỹ khi Tết đến xuân về. Là con trong một gia đình nông dân đông con ở miền Nam, anh Sang qua Mỹ một mình. Trong những ngày cuối cùng của năm cũ và một cái Tết chuẩn bị đến, ngồi nhớ về những ngày Tết khi còn ở Việt Nam, anh không thể quên được hình ảnh cây mai vàng được trồng trước cửa nhà cha mẹ.

Anh Sang cho biết: “Mình sang đây có một mình, lúc đấy Tết nhớ nhà lắm. Nhớ đến cây mai vàng trước cửa nhà. Mà bên này thì thời tiết lạnh giá nên rất khó trồng mai. Phần lớn mọi gia đình nhiều năm trước chỉ ngắm mai qua tivi, tranh ảnh, sách báo, chứ không có mai vì không trồng được.”

Sau nhiều lần thử nghiệm và thất bại, cuối cùng anh Sang cũng thành công trong việc trồng, phát triển và giúp mai nở đúng dịp Tết hàng năm. Những gốc mai vàng của anh giờ đã có mặt ở hầu khắp các tiểu bang của nước Mỹ phục vụ đồng bào, đem không khí Tết và đem xuân về với mọi nhà.

Vào cuối tuần sau, các hoạt động hội chợ hoa và hàng hóa, thực phẩm ngày Tết của các cộng đồng gốc Việt cũng bắt đầu được tổ chức ở nhiều nơi để phục vụ bà con tại các tiểu bang trên đất Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG