Ở thành phố Columbia thuộc bang Missouri của Mỹ, nơi Đinh Thị Thu Uyên đang sinh sống, ngày mùng một Tết chỉ là ngày cuối cùng trong một tuần học tập bận bịu của cô. Năm ngoái Thu Uyên còn được tận hưởng không khí tưng bừng của ngày Tết bên gia đình và bạn bè, năm nay cô chỉ có thể cảm nhận điều đó qua mạng xã hội.
“Cả một tuần nay khi mà trên mạng xã hội bạn bè và người thân ở Việt Nam đã bắt đầu đăng ảnh nhà cửa trang trí, gói bánh chưng, mâm cơm, đồ ăn chuẩn bị ngày Tết thì em cũng rất là buồn,” Thu Uyên chia sẻ, “tại vì bên này dường như người ta cũng không có nhiều những cái chuẩn bị cho ngày Tết lắm.”
Đây là năm đầu tiên nữ sinh viên 18 tuổi này đón Tết xa nhà, gần sáu tháng sau khi cô lần đầu tiên tới Mỹ du học ngành Truyền thông và Báo chí.
Nhưng những lời nhắn tin chúc Tết của gia đình và bạn bè vào đêm giao thừa khiến Thu Uyên cảm thấy được an ủi phần nào, “không phải là mất hoàn toàn một cái Tết” theo lời cô nói.
Thu Uyên cũng may mắn nhận được giúp đỡ và hỗ trợ hết lòng của những du học sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại Đại học Missouri ở Columbia, thường được gọi với cái tên thân thuộc là Mizzou. Vì du học sinh Việt Nam ở đây đa phần theo học lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ, Thu Uyên là một trong những sinh viên nhỏ tuổi nhất trong cộng đồng này.
Và tình cảm của họ dành cho cô chẳng khác gì anh chị em trong cùng một gia đình, cô cho biết.
“Các anh chị luôn coi em giống như em út, giúp đỡ em, cũng như quan tâm chăm sóc đến em,” cô nói thêm.
Sự gắn bó của cộng đồng du học sinh Việt Nam ở đây khiến cho những cái Tết xa nhà của các bạn thêm đầm ấm và nhiều ý nghĩa, mang tới niềm vui sum họp gia đình mà những người con xa quê hương mong mỏi.
Chị Hoàng Khánh Hòa hiểu rõ điều này. Suốt gần 10 năm sinh sống và học tập ở Mỹ, đây là năm thứ bảy chị ăn Tết xa nhà. Đó là lý do vì sao nữ tiến sĩ kinh tế nông nghiệp này tiếp nối một truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam tại Mizzou mà chị hiện đang làm chủ tịch: một sự kiện mừng Tết Nguyên Đán của Hội sẽ được tổ chức trong khuôn viên trường đại học vào ngày 28 tháng 1.
“Khoảng năm, sáu năm gần đây Tết ở Mizzou thành truyền thống,” chị Hòa nói. “Mọi người đến thuê một cái phòng rất là rộng, sau đấy thì mời rất là nhiều giáo sư, bạn bè nước ngoài của mình như người Mỹ và các bạn bè quốc tế đến cùng chứ không chỉ là sinh viên Việt Nam.”
Đó là điểm đặc biệt của những sự kiện mừng Tết của du học sinh Việt Nam ở đây. Trong một xã hội với sự đa dạng văn hóa cao như xã hội Mỹ, những sự kiện văn hóa như thế này không chỉ là dịp để một cộng đồng tôn vinh sự độc đáo của nền văn hóa của mình mà còn để chia sẻ trải nghiệm này với những cộng đồng thuộc những nền văn hóa khác.
Dù người bản xứ và bạn bè quốc tế ở đây thường biết tới Tết ta qua tên gọi “Chinese New Year” (Tết Tàu), song Hội Sinh viên Việt Nam ở Mizzou vẫn tự hào giới thiệu sự kiện của mình là “Vietnamese Lunar New Year” (Tết âm lịch Việt Nam).
“Mình có các chương trình như là các gia đình tụ họp gói bánh chưng, bánh tét trước tết,” chị Hòa cho biết thêm. “Hôm Tết thì mọi người giúp nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam như chả giò, nem rán, gỏi cuốn, những món ăn ngày Tết, rồi mang tới. Có chương trình lì xì cho các cháu nhỏ. Có thể là có văn nghệ.”
Đó là những hoạt động cơ bản trong những sự kiện Tết mỗi năm của Hội, còn những hoạt động giải trí khác có thể tùy thuộc vào sự sáng tạo của người tổ chức, chị Hòa nói. Năm nay sự kiện Tết của Hội có một tiết mục đố vui để giới thiệu văn hóa Việt Nam, những món đồ thủ công mỹ nghệ mang từ Việt Nam sang để bán đấu giá gây quỹ cho Hội, và một đoạn video ngắn kể về đời sống của nghiên cứu sinh học lấy bằng tiến sĩ ở Mizzou sẽ được chiếu tại sự kiện này.
Đối với những sinh viên mới đến như Thu Uyên, sự kiện mừng Tết này có một ý nghĩa đặc biệt. Cô cho biết:
“Ngoài việc sự kiện đấy làm cho em cảm thấy mình vẫn không hoàn toàn bị mất đi những truyền thống của người Việt Nam mỗi khi đến những dịp đặc biệt trong năm mà nó còn làm em cảm thấy bớt nhớ nhà hơn, bớt cô đơn hơn ở giữa cộng đồng những người mà có thể không cùng văn hóa với mình, không cùng những truyền thống như mình.”
Ngoài những món ăn ngày Tết, nữ sinh viên này cho biết cô rất mong được nhìn thấy “những em bé mặc quần áo xinh xắn được bố mẹ đưa đến và sau đó nhận tiền lì xì,” bởi vì hình ảnh này khiến Thu Uyên nhớ tới gia đình đông đúc của cô ở Việt Nam.
Còn đối với chị Khánh Hòa, một bữa tiệc Tết tươm tất và đầm ấm bên gia đình nhỏ của chị cùng những người bạn thân là điều khiến chị mãn nguyện. Nhưng năm nay có một thứ mà chị quyết tâm làm cho thật đúng.
“Năm nay em muốn giới thiệu với khách nước ngoài về cà phê sữa đá Việt Nam và trà đá Việt Nam,” chị nói. “Thế thành ra là rất là muốn cố gắng làm cho đúng, và làm đủ.”
“Năm ngoái cũng có thử nhưng mà làm không đủ, cũng không biết cách trình bày,” chị bật cười chia sẻ.