Đường dẫn truy cập

Tết, nhớ


Tết, nhớ
Tết, nhớ

Tết là thời gian dừng lại, nghỉ ngơi và nghĩ ngợi. Và nhớ. Ngày xưa, ở Việt Nam, cái gọi là dừng lại có khi kéo dài cả tháng, “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Bây giờ, ở Việt Nam, thời gian nghỉ Tết cũng kéo dài khá lâu. Công sở, nếu không đóng cửa sau ba ngày Tết, thì nhân viên cũng ơ hờ không mấy khi tất bật như trước. Còn ở hải ngoại? Năm nay, Tết rơi vào Thứ hai, hầu hết đều vẫn đi làm như bình thường. Tôi cũng đi làm. Thật ra, cũng chẳng có ai bắt buộc. Đi dạy, mùa này, ở Úc, là hè. Sinh viên đang nghỉ. Thầy cô giáo muốn đến trường thì đến. Không thì thôi. Có đến thì cũng vào văn phòng, đóng cửa lại, ngồi với computer và sách vở. Một mình.

Tôi đến trường, một mình ngồi trong văn phòng. Ngồi thừ người ra nhớ. Nhớ những cái Tết hồi nhỏ. Dạo ấy, chiến tranh và nghèo khó, chỉ có dịp Tết mới thực sự có quần áo mới và mới thực sự ăn những loại bánh thèm thuồng cả năm. Ở miền Trung, không có bánh chưng. Mẹ tôi chỉ nấu bánh tét, bánh tổ, bánh ít, làm bánh in, trưởi (giống tré ở Huế và nem ở miền Bắc nhưng làm bằng thịt heo – chủ yếu là thịt phần đầu - luộc chín) cũng như các loại mứt, nhiều nhất là mứt gừng. Không hiểu sao, hồi nhỏ tôi lại thích bánh tổ nhất. Thường, đó là loại bánh ăn sau cùng, khi Tết đã qua hẳn. Bao giờ người ta cũng ăn các loại bánh khác trước. Có lẽ lý do chính là vì bánh tổ, vốn không có nhân, chỉ toàn bột và đường, để lâu được chăng? Để lâu đến độ có khi nổi mốc, mặt bánh lốm đốm xanh. Không sao cả. Chỉ cần lấy dao gọt lớp mốc xanh ấy, rồi cắt bánh ra từng lát, bỏ lên chảo chiên, cả nhà xúm vào ăn ngon lành. Chao ôi, nó dẻo, thơm và ngọt làm sao. Ăn xong cứ hít hà mong đến Tết lại để lại được ăn bánh tổ. Sau này, khi đã sống ở hải ngoại, nhiều năm liền, đến Tết, tôi vẫn bồi hồi nhớ đến hương vị của bánh tổ. Chỉ cách đây năm bảy năm gì đó, trong một dịp tình cờ, tôi lại được ăn bánh tổ. Trước khi ăn, nhìn ổ bánh, thấy nôn nao một cảm giác kỳ lạ. Bao nhiêu hồi ức từ tuổi thơ ùa về. Thấy mình là một thằng bé quần áo nhem nhuốc ngồi chờ mẹ chiên bánh. Nước miếng tôi ứa ra khi nhìn người bạn đưa dao cắt bánh ra từng lát, từng lát. Khi bánh được cho vào dĩa, để trước mặt tôi, tôi nhìn trân trối. Tôi xắn một miếng nhỏ, đưa vào miệng một cách trân trọng. Và nhai từ từ. Lạ lùng, không thấy ngon chút xíu nào cả. Nếu không muốn nói là dở. Dở ẹt.

Mà cũng phải. Nghĩ xem, làm sao ngon được khi nó chỉ có nếp và đường? Không có vị gì khác. Nếu có, may ra, chỉ có mùi lá. Mà lá thì, để lâu, đến héo queo, còn gì là mùi vị nữa chứ?

Biết vậy, nhưng tôi vẫn cứ ngạc nhiên không hiểu sao hồi nhỏ mình lại thấy ngon đến như vậy. Tại thiếu thốn quá ư? Một phần. Nhưng có lẽ chỉ là một phần nhỏ. Gia đình tôi dạo ấy không phải quá nghèo để đến nỗi thiếu ăn. Hơn nữa, các loại bánh khác cũng có. Nhiều nữa là khác. Bánh tét bao giờ mẹ tôi cũng nấu cả một nồi lớn, như ở miền Bắc người ta nấu bánh chưng. Ngoài ra, còn có bánh ít, một món tôi cũng rất mê. Vậy mà tôi vẫn cứ thích và nhớ bánh tổ. Hình như có một cái khác ở bánh tổ khiến tôi bị quyến rũ đến như vậy. Cái gì là cái gì? Tôi nghĩ mãi vẫn không tìm được câu trả lời.

Có điều, tôi biết, thức ăn không phải chỉ là chuyện thức ăn. Cái lưỡi nào cũng nặng trĩu ký ức. Người ta ăn là ăn với cả kỷ niệm. Món ăn ngon chỉ ngon một phần vì bản thân nó; còn lại, là vì những thứ không dính dáng gì đến gạo, bột, thịt hay cá. Tôi có ông anh ruột, lúc nào cũng nhắc đến những món ăn mẹ chúng tôi nấu hồi nhỏ. Anh vừa nhắc vừa chép miệng, thèm thuồng. Với anh, dường như không có món ăn nào trên đời ngon hơn những món ấy cả. Rồi anh loay hoay tìm cách nấu thử. Ăn xong, chê: Không ngon bằng mẹ nấu! Rồi lại thử món khác. Rồi lại tự chê: Vẫn không ngon bằng mẹ nấu!

Có lẽ cả đời, anh cũng sẽ không tìm ra được món ăn nào ngon hơn món mẹ nấu hồi nhỏ.

Bản thân tôi hay đi đây đó. Ăn uống ở các tiệm Tây hay Tàu, ngon, sang và đắt tiền đến mấy, vẫn có cảm giác thiếu thiếu một cái gì. Một người bạn tôi cũng có kinh nghiệm y như vậy. Trong một bữa ăn ở Canberra mới đây, bạn tôi nói: “Ăn thức ăn không phải của Việt Nam, thấy ngon, nhưng không thấy… đã!”

Phải, cái cảm giác thiếu thiếu ấy chính là cảm giác… đã.

Chỉ có thức ăn Việt Nam, đặc biệt những món chúng ta ăn từ nhỏ, do mẹ nấu, mới làm chúng ta thấy “đã”.

À, mà bạn có thấy chữ “đã” trong tiếng Việt hay không nhỉ? Bỏ qua cái nghĩa diễn tả thời gian (đã/đang/sẽ), chữ “đã” được dùng để diễn tả cảm giác thỏa mãn một nhu cầu sinh lý hay tâm lý nào đó. Nhiều nhất là nhu cầu sinh lý: gãi đã ngứa, ngủ đã mắt, nghe đã tai, uống đã khát, ăn đã miệng… Trong tất cả những cách diễn tả này, dùng chữ “thỏa mãn” có lẽ chưa hẳn chính xác. Trong chữ “đã”, còn có cái gì như sung sướng, hả hê. Hãy tưởng tượng một người đang “đã”: mặt hắn hẳn phải nghệch ra, đờ đẫn hẳn đi. Phải không?

Làm người, chúng ta mang trong mình, và nhất là trên lưỡi, những nỗi thèm hầu như bất tận. Nỗi thèm ấy gắn liền với ký ức. Mà ký ức không bao giờ chỉ là ký ức. Ký ức nào cũng được bồi đắp bằng tưởng tượng. Để càng ngày càng lớn, càng lấp lánh và càng đẹp hơn. Thỏa mãn những cơn thèm gắn liền với ký ức, do đó, hầu như là một điều bất khả.

Ồ, mà cái lưỡi đâu phải chỉ biết nhớ hay thèm một món ăn. Còn bao nhiêu hương vị nữa chứ. Những hương vị, thiếu chúng, người ta không bao giờ thấy “đã” được.

Mà thôi. Tết, lại ngồi nhớ linh tinh.

Chẳng có nỗi nhớ nào liên quan đến “thế sự” cả.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG