Đường dẫn truy cập

Thách thức về tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Bắc Kinh gia tăng


Bản đồ 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc mà theo văn kiện của Mỹ kết luận là không có cơ sở trong luật quốc tế.
Bản đồ 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc mà theo văn kiện của Mỹ kết luận là không có cơ sở trong luật quốc tế.

Thứ Hai, 15 tháng 12, là thời hạn chót để Trung Quốc đệ trình phản biện về vụ Philippines kiện nước này tại tòa án trọng tài về việc đòi chủ quyền rộng khắp trên biển Đông. Nhưng Trung Quốc tránh tòa án trọng tài và không muốn trả lời, trong khi những thách thức đối với lập trường của họ tiếp tục gia tăng.

Chỉ vài ngày trước hạn chót 15 tháng 12, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết chính phủ Việt Nam đã nói với Tòa án Trọng tài Thường trực rằng Việt Nam hoàn toàn bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng biển lân cận.

Trong một tuyên bố, Philippines nói lập trường của Việt Nam “hữu ích về phương diện phát huy tinh thần thượng tôn luật pháp và trong việc tìm giải pháp hòa bình và bất bạo động cho các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông…”

Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc thúc giục Việt Nam “tôn trọng một cách nghiêm chỉnh chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền lợi hải dương, và các lợi ích của Trung Quốc.” Bộ này nhắc lại quan điểm của Trung Quốc là tòa án trọng tài không có thẩm quyền tài phán đối với vụ kiện.

Trong một văn bản phổ biến cách nay một tuần, Trung Quốc lập luận rằng Philippines trên cơ bản đưa một vụ tranh chấp lãnh thổ ra trước tòa án và rằng vấn đề chủ quyền lãnh thổ không phải là vấn đề được giải quyết bởi Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói rằng chính phủ của ông đã ghi nhận vấn đề này. Ông nói:

“Thực ra các lập luận được Trung Quốc nêu lên không mới mẻ gì nữa. Chúng tôi biết các điểm đó và chúng tôi đã trả lời các lập luận đó trong bị vong lục chúng tôi đệ nạp.”

Trung Quốc nói rằng các tuyên bố về lãnh hải của họ có từ 2000 năm trước và lập luận rằng họ là nước đầu tiên “phát hiện, đặt tên và thám hiểm” các đảo đang tranh chấp bởi Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Bắc Kinh cũng lập lại rằng họ có quyền chọn không tham gia giải quyết theo đường lối trọng tài cưỡng chế về những vấn đề liên quan đến biên giới trên biển.

Văn bản còn nêu lên các trường hợp trong nhiều năm qua, trong đó Trung Quốc và Philippines đã đồng ý giải quyết các tranh chấp chủ quyền thông qua đàm phán song phương. Và Trung Quốc nói rằng Philippines, qua việc đưa các vấn đề bất bình của mình ra tòa án trọng tài, “đã vi phạm nghĩa vụ chiếu theo luật quốc tế.”

Philippines đã đệ nạp 4.000 trang luận chứng hỗ trợ cho vụ kiện, nêu lên các câu hỏi về căn bản pháp lý đối với đòi hỏi chủ quyền theo “đường 9 đoạn”, hay đường lưỡi bò, của Trung Quốc chiếm khoảng 80% vùng biển. Bản luận chứng cũng yêu cầu tòa án bảo đảm rằng vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền là phần nằm trong thềm lục địa và trong vòng 370 km đặc quyền kinh tế của nước này.

Ông Carl Thayer, một nhà phân tích về an ninh Á châu tại Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng trong khi tránh tòa án trọng tài, Trung quốc đang kháng cáo qua việc công bố văn bản về quan điểm của mình. Ông nhận định:

“Ở một mức độ nào đó Trung Quốc sẽ được một số thẩm phán hoan nghênh vì ít ra bây giờ họ biết thêm đôi chút về những gì mà Trung Quốc đòi hỏi.”

Ông Thayer nói rằng các thẩm phán cũng sẽ xem xét một cuộc nghiên cứu mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra chỉ mấy ngày trước khi Trung Quốc công bố văn bản về lập trường. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn giữ vai trò trung lập trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, cuộc nghiên cứu này tìm cách khẳng định điều mà họ gọi là tính chất mơ hồ của đường 9 đoạn của Trung Quốc. Sau khi trình bày 3 cách giải thích có thể có về đòi hỏi của Trung Quốc, văn kiện của Mỹ kết luận rằng đòi hỏi của Trung Quốc không có cơ sở trong luật quốc tế.

Ông Myron Nordquist, phó giám đốc Trung tâm Chính sách và Luật Biển thuộc Đại học Virginia, nói ông nghĩ rằng tòa án sẽ thấy rằng họ không có thẩm quyền tài phán đối với vụ kiện.

Ông Myron Nordquist nói:

“Khi Trung Quốc chọn cách không tham gia, họ đã không tham gia – và ngôn từ, văn bản Công ước nói rằng: các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu lịch sử… Vì vậy điều này quả thật có liên quan đến một đòi hỏi về quyền sở hữu lịch sử, bất kể là đòi hỏi có đứng vững hay không.”

Nhưng ông Nordquist cũng nói rằng việc ủy ban không có thẩm quyền tài phán sẽ dẫn đến sự hòa giải bắt buộc, có nghĩa là 2 bên phải bàn thảo với một bên trung lập thứ 3. Tuy nhiên 2 bên tranh chấp không bắt buộc phải theo các đề nghị của đệ tam nhân.

Ông Nordquist nói rằng nếu ủy ban quyết định vấn đề không liên quan đến quyền sở hữu lịch sử, họ có quyền tài phán đối với vụ kiện và sẽ đưa ra phán quyết. Phán quyết sẽ được thi hành bởi Hội đồng Bảo An Liên Hiếp Quốc, mà Trung Quốc, với tư cách là một hội viên thường trực, có thể phủ quyết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG