Đường dẫn truy cập

Thái Lan-Campuchia phối hợp đàn áp người bất đồng chính kiến


Hai gia tộc của ông Hun Sen và Thaksin Shinawatra có mối quan hệ gần gũi
Hai gia tộc của ông Hun Sen và Thaksin Shinawatra có mối quan hệ gần gũi

Các chuyên gia nói với đài VOA rằng việc Thái Lan trục xuất sáu nhà hoạt động Campuchia về nước hồi tháng trước cho thấy Bangkok tiếp tục tham gia ‘đàn áp xuyên quốc gia’ – tức là các chính phủ phối hợp với nhau nhằm vào những người bất đồng chính kiến bên ngoài đất nước họ.

Giới chức Thái Lan đã trục xuất Pen Chan Sangkream, Hong An, Mean Chanthon, Yin Chanthou, Soeung Khunthea và Vorn Chanratchana hồi tháng trước.

Bốn phụ nữ và hai người đàn ông này đã bị Campuchia buộc tội phản quốc vì đăng các tuyên bố trên mạng xã hội chỉ trích các chính sách của Campuchia đối với Hiệp định Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA) kéo dài 20 năm, nhằm nới lỏng giao thương và di dân giữa ba nước, AP đưa tin.

Họ hiện đang bị tạm giữ chờ ngày ra tòa trong các trại giam khác nhau ở Campuchia, và sẽ phải đối mặt các cáo trạng với mức án tù nặng nề, theo Đài Á Châu Tự do.

Sáu nhà hoạt động này là những ủng hộ viên của Đảng Cứu quốc Campuchia, đảng đối lập bị cấm và đã rời Campuchia đến Thái Lan vào năm 2022.

Tiy Chung, phát ngôn viên khu vực của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), xác nhận với VOA qua email rằng sáu người này đã bị trục xuất và ‘là những đối tượng được quan ngại’.

UNHCR ‘quan ngại sâu sắc’ về việc trục xuất này, vốn cũng có một đứa trẻ, ông nói, và nó đi ngược lại nghĩa vụ của Thái Lan là cần đảm bảo không ai bị trục xuất hoặc trở về một nơi nào đó mà tính mạng hoặc sự tự do của họ có thể bị đe dọa.

“Chúng tôi đang yêu cầu chính quyền Thái Lan làm rõ khẩn cấp về hoàn cảnh dẫn đến việc trục xuất này và kêu gọi họ tôn trọng luật pháp Thái Lan và các nghĩa vụ quốc tế của họ để ngăn chặn những hành động như vậy trong tương lai,” ông viết.

Trong những năm gần đây, chính phủ Campuchia đã đàn áp những người chỉ trích trong và ngoài nước.

Các cuộc biểu tình được lên kế hoạch chống lại thỏa thuận CLV-DTA đã dẫn đến việc ít nhất 100 nhà hoạt động bị bắt giữ vào tháng 9. Họ cáo buộc Phnom Penh nhượng lãnh thổ Campuchia, mặc dù trong tháng đó Thủ tướng Hun Manet đã tuyên bố Campuchia sẽ rút khỏi thỏa thuận đã kéo dài hàng thập kỷ.

Hồi tháng 2, ba nhà hoạt động Campuchia khác, vốn được UNHCR công nhận là những người thuộc diện quan ngại, và thân nhân của họ, đã bị bắt ở Thái Lan trước khi họ dự tính phản đối chuyến công du Thái Lan của ông Manet.

Đàn áp xuyên quốc gia không phải là điều gì mới.
Freedom House hồi năm 2022 cho biết rằng kể từ năm 2014, hơn 150 người ở Thái Lan đã trở thành nạn nhân của việc này.

Ông Phil Robertson, giám đốc Tổ chức Vận động Lao động Nhân quyền Châu Á, cho biết Thái Lan là nước không an toàn cho người tị nạn Campuchia.

“Thông điệp gửi đến tất cả những người tị nạn Campuchia trú ẩn ở Thái Lan là các bạn không an toàn vì tình bạn giữa gia đình Hun và Shinawatra áp đảo bất kỳ nghĩa vụ nào mà Thái Lan phải tuân thủ theo luật nhân quyền quốc tế,” ông nói.

Campuchia nằm dưới sự lãnh đạo của được Đảng Nhân dân Campuchia trong 45 năm qua, và những người chỉ trích nói rằng trong những năm gần đây chế độ đã tăng cường nỗ lực nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến, các đảng đối lập và truyền thông độc lập, những người đe dọa thanh danh hoặc vai trò lãnh đạo của họ. Ông Hun Manet lên nắm quyền vào năm 2023, kế nhiệm thân phụ mình, ông Hun Sen, người đã cầm quyền ở Campuchia trong gần bốn thập kỷ.

Thái Lan và Campuchia đã trải qua mối quan hệ thăng trầm trong những năm qua, và xung đột biên giới và văn hóa lâu lâu lại chia rẽ hai nước.

Những mối quan hệ đó dường như đang nồng ấm, một phần vì mối quan hệ gia đình. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã gặp ông Manet tại Lào hồi tháng 10. Nhưng chính mối quan hệ giữa hai người cha cũng là người tiền nhiệm của họ, hai ông Thaksin Shinawatra và Hun Sen, đã củng cố mối quan hệ bền chặt giữa hai gia tộc.

Đảng Pheu Thai cầm quyền của Thái Lan đã cam kết sẽ hợp tác với ông Manet về tội phạm xuyên quốc gia.

Thitinan Pongsudhirak, nhà phân tích chính trị ở Thái Lan, nói với VOA rằng quan hệ gia tộc có thể là yếu tố then chốt trong vụ trục xuất này.

“Các mối quan hệ cá nhân thân thiết và thậm chí cả mối quan hệ giữa hai gia tộc đã khiến việc trục xuất này trở nên đáng ngờ. Khó mà không kết luận rằng mối quan hệ gần gũi này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trục xuất.

Việc trục xuất là một hành động thiếu cân nhắc của bà Paetongtarn và chính phủ của bà vốn nói họ lên nắm quyền hợp pháp mặc dù Đảng của họ về thứ hai trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 năm 2023,” ông nói với VOA.

Các tội phản quốc mà sáu nhà hoạt động Campuchia bị cáo buộc nằm trong Điều 453 của bộ luật hình sự Campuchia. Nếu bị kết tội thì những lời lên án chế độ Campuchia và các chính sách của họ đối với Việt Nam và Lào có thể khiến họ phải ngồi tù một thập kỷ.

Thái Lan cũng có luật nghiêm ngặt đối với những người chỉ trích chế độ quân chủ. Theo Điều 112 của bộ luật hình sự Thái Lan, chỉ trích chế độ quân chủ là bất hợp pháp với mức án 15 năm tù.

Hồi tháng Giêng, một người đàn ông 30 tuổi đã bị kết án 50 năm tù sau khi bị phán quyết là phỉ báng chế độ quân chủ.

Ông Prem Singh Gill, nhà nghiên cứu khách mời tại Đại học Muhammadiyah Yogyakarta, Indonesia, nói rằng chính phủ Thái Lan và Campuchia có cùng lợi ích trong việc cấm bất đồng chính kiến.

“Cách tiếp cận hợp tác này không phải ngẫu nhiên mà là có tính chiến lược. Cả hai nước đều có những xung lực độc tài như nhau, với các định chế hoàng gia và giới tinh hoa chính trị phối hợp để duy trì quyền lực của họ. Bằng cách phối hợp trong cách tiếp cận đối với người bất đồng chính kiến, Thái Lan và Campuchia đã tạo ra cơ chế toàn diện hơn để kiểm soát tiếng nói chính trị,” ông Gill nhận định với VOA.

“Đàn áp xuyên quốc gia đã trở thành công cụ tinh vi của chủ nghĩa độc tài khu vực, nơi các nhà hoạt động bị kẹt trong mạng lưới các mối đe dọa pháp lý và ngoài pháp luật. Các chính phủ hợp tác thông qua các kênh không chính thức, chia sẻ thông tin tình báo, điều phối trục xuất và tạo ra môi trường khiến những người bất đồng chính kiến lúc nào cũng gặp nguy,” ông nói thêm.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG