Diễn biến chính trị ở Thái Lan
Diễn biến chính trị ở Thái Lan2006: Quân đội lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra
2007: Đảng Quyền lực Nhân dân ủng hộ ông Thaksin thắng cử
2008: Người biểu tình chống ông Thaksin, được gọi là phe “Áo Vàng,” biểu tình hàng tháng liền và làm tê liệt sân bay Bangkok một thời gian ngắn. Ông Abhisit Vejjajiva trở thành thủ tướng.
2010: Phe "Áo đỏ" ủng hộ ông Thaksin biểu tình rầm rộ ở Bangkok, hàng chục người thiệt mạng
2011: Bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, được bầu làm thủ tướng
2013: Những người biểu tình chống chính phủ lại tổ chức biểu tình lớn, bà Yingluck cho tiến hành bầu cử mới
2014: Trại biểu tình ở Bangkok và chính phủ bà Yingluck bị dẹp, quân đội tuyên bố thiết quân luật sau đó đảo chính chiếm quyền vào tháng 5.
Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha
Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha· 60 tuổi, trở thành Tổng tư lệnh quân đội vào tháng 10, 2010
· Dự định về hưu vào tháng 9, 2014
· Được tiếng trung thành với chế độ quân chủ, đặc biệt là Hoàng hậu Sirikit
· Từng phục vụ đội Vệ binh Hoàng hậu, nhánh quân sự rất có ảnh hưởng trong chính trường Thái Lan
· Có vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính năm 2006 lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra
· Loan báo vụ tiếp quản quân sự mới nhất trên truyền hình
Thủ tướng lâm thời Niwattamrong Boongsongpaisan cũng nằm trong số những giới chức bị quân đội triệu tập. Trước cuộc đảo chính, ông đảm nhiệm chức quyền Thủ tướng sau khi tòa ra lệnh cho bà Yingluck phải rời chức.
Reuters dẫn lời một sĩ quan cao cấp trong quân đội Thái cho hay bà Yingluck sẽ bị tạm giữ ‘tới 1 tuần’.
Quân đội Thái đã cấm bà Yingluck và hơn 150 nhân vật chính trị khác không được rời khỏi nước mà không được phép.
Các đài phát thanh-phát hình ở Thái tối nay đã bắt đầu tái tục các hoạt động bình thường.
Cuộc đảo chính hôm thứ Năm không đổ máu, không bạo động dù giới lãnh đạo quân đội cũng ra lệnh giới nghiêm toàn quốc và đình chỉ Hiến pháp.
Tướng Prayuth Chan-Ocha nói giới lãnh đạo cuộc đảo chính nhắm vãn hồi trật tự và đẩy mạnh cải cách chính trị. Thái Lan bị xâu xé bởi nửa năm tranh chấp chính trị và các cuộc biểu tình đôi khi bạo động.
Ðại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan, bà Kristie Kenney, hôm nay nói với đài VOA rằng Washington quan ngại về tình hình nhân quyền tại Thái Lan. Phản ứng sơ khởi trước cuộc đảo chính ở Bangkok, Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây kêu gọi Thái nhanh chóng quay trở lại một chính phủ dân sự và chỉ trích rằng sự can thiệp của quân đội là không cần thiết.
Đại sứ Mỹ Kristie Kenny nói:
“Người dân Thái dĩ nhiên sẽ vạch ra đường đi riêng cho mình, nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Hoa Kỳ kêu gọi Thái ngay lập tức quay lại một chính phủ dân sự, dỡ bỏ những hạn chế đối với truyền thông, và tôn trọng nhân quyền cũng như tiến trình tới bầu cử.”
Cuộc đảo chính hôm thứ Năm xảy ra sau một lệnh thiết quân luật giữa lúc các cuộc đàm phán giữa các đảng phái đối thủ chính trị bước sang ngày thứ nhì. Những người chứng kiến cho biết những người tham gia đàm phán đã bị các binh sĩ giải đi sau khi cuộc thảo luận không đạt được thỏa hiệp giữa phe ủng hộ và chống đối cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh bà Yingluck. Người ta tin rằng đa số những người bị giải đi vẫn chưa được phóng thích.
Khủng hoảng chính trị Thái rẽ ngoặt trước đây trong tháng khi em gái ông Thaksin, bà Yingluck và một số thành viên nội các bị Tòa án Tối cao truất phế vì lạm dụng quyền hành. Tuy nhiên, phe đối lập vẫn tiếp tục các cuộc biểu tình yêu cầu gạt bỏ toàn bộ chính phủ sang một bên.
Gần 30 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài 6 tháng.
Quân đội Thái đã tiến hành 12 cuộc đảo chính trong 8 thập niên qua.