Thái Lan đang làm việc với giới chức ở các thủ đô hoặc sứ quán của một số nước có công dân mắc kẹt ở biên giới Thái Lan-Myanmar sau khi họ được giải cứu từ các trại lừa đảo để thúc đẩy việc hồi hương, một quan chức cho biết hôm 6/3.
Khoảng 7.000 người được đưa ra khỏi các trại lừa đảo ở tỉnh Myawaddy của Myanmar hiện đang được bố trí ở trong trong các trại do các nhóm vũ trang hoạt động dọc biên giới quản lý, sau một cuộc trấn dẹp được nhiều nước phối hợp để dỡ bỏ các trại lừa đảo bất hợp pháp.
Các trại lừa đảo ở Myawaddy là một phần của một mạng lưới trên khắp Đông Nam Á, nơi các băng nhóm tội phạm đã đưa đến hàng trăm ngàn lao động để tạo ra doanh thu bất hợp pháp lên tới hàng tỷ đô la mỗi năm, theo Liên Hợp Quốc.
Các lao động ở các trại lừa đảo này, nhiều người trong số họ nói rằng họ đã bị cưỡng ép, đã thực hiện các hành vi lừa đảo trên mạng để gạt tiền các nạn nhân trên toàn thế giới.
Các quốc gia như Trung Quốc và Indonesia đã hồi hương một số công dân của họ từ Myawaddy với sự trợ giúp của chính quyền Thái Lan, nhưng hàng ngàn người vẫn còn kẹt lại, bao gồm cả những người từ các nước châu Phi vốn không có đại sứ quán ở Thái Lan.
Hôm 6/3, chuyến đầu tiên trong số 19 chuyến bay hồi hương về Trung Quốc vốn được sắp xếp trong tuần này để hồi hương gần 1.500 công dân Trung Quốc được giải cứu từ Myawaddy đã cất cánh từ thị trấn biên giới Mae Sot của Thái Lan.
Đối với những nước không có phái bộ ngoại giao tại chỗ, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã liên lạc trực tiếp với đại sứ quán được công nhận hay thủ đô của nước đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết.
“Việc cử các quan chức ở đại sứ quán bay đến Thái Lan hay điều người từ thủ đô của họ tùy thuộc vào chính phủ tiếp nhận,” ông nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Bangkok.
Thái Lan yêu cầu bất kỳ nước nào hồi hương công dân của mình từ Myawaddy phải cử các quan chức đến biên giới Thái Lan-Myanmar để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này, vốn bao gồm sàng lọc về dịch bệnh và kiểm tra tình trạng di trú.
Hàng trăm công dân nước ngoài được giải cứu không có nhiều thực phẩm, điều kiện y tế nghèo nàn và nhà vệ sinh bẩn thỉu trong một trại dân quân hẻo lánh nơi họ được đưa đến.
Một số người châu Phi hiện ở trong trại đó nói với Reuters tuần trước rằng họ cũng không có điều kiện để mua vé trở về nước.
Diễn đàn