Chuyến thăm Miến Điện trong hai ngày của bà Yingluck Shinawatra gồm các vụ trao đổi nhằm tăng cường quan hệ doanh thương và kinh tế, nhưng điểm gây chú ý nhiều nhất là cuộc hội kiến trong nửa tiếng đồng hồ với bà Aung San Suu Kyi. Đây là cuộc gặp đầu tiên của lãnh tụ phe đối lập Miến Điện với một người đứng đầu chính phủ kể từ khi bà được phóng thích khỏi tình trạng quản thúc tại gia hồi năm ngoái.
Bà Aung San Suu Kyi đang chuẩn bị ra tranh cử trong cuộc bầu cử phụ vào đầu năm 2012. Một nữ phát ngôn viên chính phủ Thái Lan cho biết bà Yingluck đã dành sự ủng hộ cho bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử này.
Trước đó, trong một cuộc họp với Tổng thống Miến Điện Thein Sein, bà Yingluck đã bầy tỏ sự ủng hộ cho các nỗ lực của Miến Điện nhằm hòa giải với các cộng đồng sắc tộc trong nước. Bà cũng kêu gọi mở rộng quan hệ doanh thương.
Một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, ông Thitinan Pongsudirak nói rằng cuộc họp giữa bà Yingluck và bà Aung San Suu Kyi cũng làm tăng thêm uy tín chính trị của Thủ tướng Thái ở Thái Lan.
Ông Thitinan nói rằng các quan hệ thuận lợi với Miến Điện rất quan trọng đối với Thái Lan. Ông nói “Miến Điện là quốc gia quan trọng nhất đối với Thái Lan về mặt thương mại, đầu tư, lao động và sự lệ thuộc về năng lượng của Thái Lan vào dầu khí và cung ứng của Miến Điện trong những năm sắp tới. Ngay bây giờ, chúng ta đã có hơn 20 phần trăm khí đốt thiên nhiên ở Thái Lan là nhập của Miến Điện.”
Tại Thái Lan, các bài tường thuật về chuyến đi thăm Miến Điện đã bị che lấp sau những lời nhận định của người anh bà Yingluck, cựu thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra. Ông này tuyên bố ông đã đi thăm Miến Điện hồi tuần trước để “góp phần dọn đường cho cô em gái ông.”
Ông Thaksin nổi tiếng là có quan hệ chặt chẽ với chính quyền quân nhân cũ của Miến Điện và hiện vẫn là một nhân vật gây chia rẽ sâu xa tại Thái Lan.
Cùng với Trung Quốc và Singapore, Thái Lan là một trong những nước đầu tư nhiều nhất tại Miến Điện. Các biện pháp trừng phạt quốc tế đã hạn chế đầu tư nước ngoài ở Miến Điện vì thành tích nhân quyền của nước này. Nhưng người ta hy vọng sẽ có thêm các cải cách kinh tế và chính trị, giúp nới lỏng các biện pháp trừng phạt và đem lại nhiều đầu tư hơn.
Nhưng thư ký của Hiệp hội Trợ giúp Tù nhân Chính trị tại Miến Điện, ông Tate Naing, cảnh báo rằng những lợi ích có thể không được phân phối đồng đều.
Ông nói các cải cách kinh tế khác có thể đem lại lợi ích cho giới doanh thương có liên kết chặt chẽ với chính phủ và đưa tới việc trưng thu đất đai.
Một trong các công ty lớn nhất làm việc ở Thái Lan là nhà thầu Italian Thai Development, hiện đang xây dựng một cảng nước sâu và khu công nghiệp khoảng 4 tỷ đôla tại Cảng Dawei ở nam bộ Miến Điện.
Công ty sản xuất dầu khí Thái Lan PTT Exploration and Production, có một giếng dầu khí thứ ba dự trù sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2013.
Các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Thái Lan và Miến Điện đang mưu tìm việc tái thiết các quan hệ thương mại sau một chuyến thăm trong 2 ngày của Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, một điểm nổi bật trong chuyến đi là cuộc gặp gỡ giữa bà Yingluck và lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ Augn San Suu Kyi.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1