Đường dẫn truy cập

Thái Lan, Campuchia họp về vấn đề tranh chấp biên giới


Năm 1962, Tòa án Quốc tế đã phán quyết rằng ngôi đền Preah Vihear là thuộc về Campuchia, nhưng một con đường quan trọng dẫn đến ngôi đền lại nằm trong khoảng đất rộng 5 kilomet vuông bên trong lãnh thổ Thái Lan
Năm 1962, Tòa án Quốc tế đã phán quyết rằng ngôi đền Preah Vihear là thuộc về Campuchia, nhưng một con đường quan trọng dẫn đến ngôi đền lại nằm trong khoảng đất rộng 5 kilomet vuông bên trong lãnh thổ Thái Lan

Các thành viên thuộc Ủy Ban Biên Giới Hỗn Hợp Thái-Campuchia đang họp tại Indonesia hôm nay để một lần nữa tìm cách giải quyết một cuộc tranh chấp về đất đai chung quanh ngôi đền Ấn Giáo được xây cất cách đây 900 năm. Trong vai trò là Chủ tịch Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Indonesia đã thương thuyết một cuộc ngưng bắn tiếp theo sau các cuộc giao tranh hồi tháng Hai, giết chết 10 người và buộc hàng ngàn người khác phải dời cư. Nhưng giờ đây, quân đội Thái Lan đã bác bỏ một yếu tố chủ yếu trong thỏa thuận ngưng bắn, kêu gọi bố trí các quan sát viên Indonesia dọc theo biên giới Thái-Campuchia. Thông tín viên VOA Brian Padden từ Jakarta gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Không hiện diện trong các cuộc hòa đàm giữa Thái Lan và Campuchia, là quân đội Thái Lan. Ông Pavin Chachavalpongpun thuộc Viện Nghiên Cứu các vấn đề Đông Nam Á ở Singapore, nói rằng đó là vì một sự bất đồng giữa Bộ Ngoại giao và các nhà lãnh đạo quân sự tại Thái Lan về cách thức xử lý cuộc tranh chấp biên giới.

Ông Chachavalpongpun nói: “Tôi tin rằng có một sự va chạm giữa hai cơ quan nhà nước Thái Lan về quyền kiểm soát chính sách đối ngoại, và tôi tin rằng quân đội không tán thành chính sách của Bộ Ngoại giao Thái Lan đối với Campuchia, mà theo quan điểm của quân đội Thái, có vẻ hơi mềm yếu.”

Ông Pavin Chachavalpongpun nói sự bất đồng này đã ngăn cản tiến trình thực thi thỏa thuận ngưng bắn do Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa thương thuyết hồi tháng Hai, trong cương vị là Chủ Tịch của ASEAN.

Quân đội Thái Lan và Campuchia xung đột vì tranh giành một khu đất bên cạnh một ngôi đền Ấn Giáo của Campuchia, một thắng cảnh lịch sử mà cả hai nước đều tuyên bố thuộc di sản của mình. Cuộc ngưng bắn kêu gọi các quan sát viên Indonesia đóng vai trò giám sát viên trong khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, quân đội Thái Lan từ trước tới nay vẫn chống lại việc cho phép các quan sát viên quân sự nước ngoài vào khu vực liên hệ, họ nói rằng vấn đề này phải được giải quyết trên căn bản song phương, không có sự can thiệp của một bên thứ 3.

Ông Chachavalpongpun nói, dù cho có đạt được một thỏa thuận cho phép sự tham dự của các quan sát viên Indonesia, thì hai bên vẫn còn một số vấn đề hậu cần và dịch vụ cần được giải quyết. Nhưng ông nói ông không thấy có bất cứ tiến bộ nào, nếu không có sự tham gia của quân đội Thái Lan.

Ông Chachavalpongpun giải thích như sau: “Tôi không biết làm cách nào có thể đi đến thỏa hiệp, gửi quan sát viên đến trong khi quân đội vẫn tiếp tục bác bỏ vai trò của Indonesia. Bởi vì rốt cuộc, các giới chức quân đội nói chúng ta phải sát cánh làm việc, nhưng không phải với Bộ Ngoại giao, mà với quân đội và đặc biệt là các quân nhân trú đóng trong khu vực. Tôi thật sự không thể tiên đoán điều gì sẽ xảy ra.”

Mặc dù vậy, ông Chachavalpongpun cho rằng các nỗ lực của Indonesia nhằm tạo điều kiện và duy trì lệnh ngưng bắn, đã tăng áp lực đối với cả hai bên phải duy trì hòa bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG