Đường dẫn truy cập

Thái Lan, Trung Quốc thảo luận về việc tăng cường hợp tác thương mại


Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra duyệt hàng quân danh dự tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 17/4/2012
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra duyệt hàng quân danh dự tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 17/4/2012

Thái Lan và Trung Quốc muốn tăng kim ngạch mậu dịch song phương lên tới mức 100 tỉ đô la mỗi năm vào nằm 2015. Theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben của đài VOA ở Bangkok, mục tiêu vừa kể được loan báo trong lúc Thủ tướng Thái Lan đến thăm Bắc Kinh để bàn về các vấn đề kinh tế và chiến lược.

Trong chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc trong 4 ngày của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, hai nước đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong các lãnh vực tài chánh, du lịch, nông nghiệp và giao thông.

Họ cũng thảo luận về nhiều dự án, trong đó có dự án xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc nối liền miền nam Trung Quốc với Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn, ông Thitinan Ponsudhirak cho rằng chuyến viếng thăm của bà Yingluck củng cố vị thế tuyến đầu của Trung Quốc trong các mối quan hệ ở Đông Nam Á.

Ông Thitinan nói rằng chuyến đi này cũng xây dựng các mối quan hệ đã được phát triển dưới thời của anh bà Yingluck, là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh năm 2006 vì những cáo giác tham nhũng.

Ông Thitinan nói: "Trung Quốc có ảnh hưởng lớn ở Miến Điện, Lào, Campuchia, và với một mức độ ít hơn ở Việt Nam; nhưng Thái Lan là nước có tính chất vô cùng quan trọng. Nước này đã nghiêng về Trung Quốc trong khoảng 10 năm nay, đặc biệt là sau khi xảy ra cuộc đảo chánh quân sự và tình trạng phân cực ở Thái Lan. Nhưng, cả ông Thaksin lẫn những địch thủ của ông ấy, bên nào cũng nghiêng về Trung Quốc."

Cùng đi với Thủ tướng Yingluck đến Trung Quốc có nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp Thái Lan. Hội đồng Đầu tư Thái Lan loan báo 5 công ty hoạt động trong ngành xe hơi, máy móc, hương liệu thực phẩm, và địa ốc đang xem xét tới việc đầu tư hơn 2 tỉ đô la vào Thái Lan. Các công ty Thái Lan, thông qua những thỏa thuận liên doanh với các công ty Trung Quốc, cũng định đầu tư 2,4 tỉ đô la.

Giáo sư Thitinan nói rằng vị thế của Trung Quốc trong khu vực đã tăng cao nhờ vai trò then chốt của họ như một đầu máy cho sự tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Ông Thitinan nói tiếp: "Trung Quốc đã trở thành đầu tàu chính cho sự phát triển kinh tế của vùng Đông Á, cho nên việc này chẳng những có tác dụng tượng trưng về chính trị và chiến lược mà còn có những ảnh hưởng thực chất về thương mại và đầu tư."

Thái Lan là nước đầu tiên trong số 10 nước hội viên ASEAN ký kết hiệp định khung về hợp tác dài hạn với Trung Quốc cách nay hơn một thập niên.

Giáo sư Carl Thayer, một nhà phân tích chính trị của Đại học New South Wales ở Australia, cho rằng việc nâng cấp quan hệ thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đã tăng cường các mối liên hệ giữa Bangkok với Bắc Kinh.

Ông Thayer nói: "Việc dùng một tên gọi như vậy cho mối quan hệ đã tạo ra một tình trạng tôn ti và ít nhất nó cho chúng ta biết được quan điểm của Trung Quốc về Thái Lan và vì thế mục tiêu chính của quan hệ này là làm thế nào để đôi bên không có tranh cãi gì đối với những vấn đề mà Trung Quốc thật sự quan tâm."

Bên cạnh các mối liên hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ, Thái Lan và Trung Quốc đã đồng ý tăng cường hoạt động tuần tiễu chung trên sông Mekong dọc theo biên giới Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Miến Điện.

Tháng 10 năm ngoái 13 thủy thủ Trung Quốc bị giết chết trên sông Mekong trong một vụ tấn công mà người cho rằng thủ phạm là những băng đảng buôn lậu ma túy. Những hoạt động thương mại trên sông đã tạm thời sút giảm sau vụ tấn công, nhưng giờ đây đã được phục hồi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG