Đường dẫn truy cập

Nhóm quan sát châu Á ca ngợi cuộc bầu cử ở Thái Lan


Bà Yingluck Shinawatra, lãnh đạo đảng Pheu Thái đã đắc thắng trong cuộc bầu cử ở Thái Lan. Bà Yingluck là em gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006
Bà Yingluck Shinawatra, lãnh đạo đảng Pheu Thái đã đắc thắng trong cuộc bầu cử ở Thái Lan. Bà Yingluck là em gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006

Một tổ chức theo dõi bầu cử châu Á ca ngợi cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan đã diễn ra ôn hòa, trật tự và cho phép người dân bày tỏ ý nguyện, trong khi kết quả cuối cùng được công bố. Nhưng Mạng lưới Bầu cử Tự do châu Á cũng dẫn ra một số sai sót trong cuộc bầu cử và cảnh báo quân đội Thái Lan không nên can thiệp vào chính trường. Thông tín viên VOA Daniel Schearf gởi về bài tường thuật từ Bangkok.

Mạng lưới Bầu cử Tự do châu Á chúc mừng Thái Lan đã tổ chức một cuộc bầu cử ôn hòa và trật tự với một số lượng cử tri đi bầu đông đảo.

Ủy ban Bầu cử Thái Lan ước tính hơn 70% cử tri hợp lệ đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra hôm Chủ Nhật.

Các kết quả chính thức của Ủy ban này, công bố ngày hôm nay, cho thấy đảng Pheu Thai đã giành thế đa số dễ dàng với 265 ghế trong tổng số 500 ghế tại quốc hội. Đảng Dân chủ cầm quyền giành được 159 ghế.

Mạng lưới Bầu cử Tự do Châu Á hôm nay đã ra một thông cáo, đề cập tới một số sai sót trong cuộc bầu cử như một số trường hợp bạo lực, đe dọa và mua phiếu bầu mà tổ chức này kêu gọi giới hữu trách giải quyết một cách hợp lý.

Nhưng tổ chức này cũng nói rằng không xảy ra các vụ việc lớn, ảnh hưởng tới kết quả bầu cử.

Nhóm theo dõi này nói rằng vấn đề quan trọng nhất là ủy ban bầu cử đã không cung cấp đủ thông tin cho một số cử tri về việc họ cần phải làm là đăng ký bầu cử. Theo Mạng lưới Bầu cử Tự do châu Á, điều đó khiến khoảng một triệu người Thái, tức 3% cử tri, không thể tham gia bầu cử.

Ông Damaso Magbual là chủ tịch của Mạng lưới Bầu cử Tự do châu Á. Trao đổi với phóng viên ngày hôm nay, ông Magbual nhận định rằng, trong bối cảnh căng thẳng tại nước này, nhìn chung, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã điều hành tốt tiến trình bầu cử và kết quả là lá phiếu phản ánh ước nguyện của người dân.

Ông Damaso nói: “Sau nhiều năm xáo động chính trị và bạo lực gây chia rẽ đất nước, người dân Thái Lan đã bỏ phiếu và cho dù quan điểm chính trị như thế nào thì họ đã có thể bày tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hòa dựa vào pháp trị.”

Cuộc bầu cử được coi là một một cuộc đối đầu giữa Đảng Dân chủ được quân đội và giới thượng lưu ở Thái hậu thuẫn và cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Em của ông này, bà Yingluck Shinawatra đã dẫn đảng Pheu Thai tới chiến thắng.

Năm 2006, quân đội đã lật đổ ông Thaksin. Nhiều nhà phân tích chính trị nhận định rằng quân đội hành động như vậy vì lo ngại rằng chính trị gia theo đường lối dân túy đã hai lần đắc cử này quá quyền lực.

Kể từ đó, Thái Lan lâm vào một cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực ủng hộ và chống đối ông Thaksin, và đã chứng kiến việc hai chính phủ đứng về phía ông bị tòa án ra lệnh giải tán cũng như các cuộc biểu tình và bạo động. Năm 2008, ông Thaksin đã bỏ nước đi sống lưu vong để tránh án tù về tội tham nhũng.

Năm ngoái, những phần tử vũ trang trong số các ủng hộ viên Aùo Đỏ hậu thuẫn ông Thaksin đã đụng độ với binh sĩ được triển khai để chấm dứt cuộc biểu tình kéo dài hai tháng nhằm yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử mới cũng như đối xử công bằng với các nhà lãnh đạo của họ.

Hơn 90 người đã thiệt mạng và 2.000 người bị thương, phần lớn là dân thường.

Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng chiến thắng của Đảng Pheu Thai sẽ lại dẫn tới việc quân đội can thiệp, dù họ lặp lại cam kết sẽ không tiến hành thêm các cuộc đảo chính.

Ông Magbual nêu ra rằng, không giống như cuộc bầu cử diễn ra năm 2007, lần này, đảng với ông Thaksin đã giành thế đa số lớn. Oâng này nói rằng nên để cho quân đội được hưởng lợi thế của sự nghi ngờ, nhưng cũng phải đưa ra lời cảnh báo.

Ông Magbual nói: “Một đảng phái có thể giành được thế đa số. Tôi nghĩ rằng quân đội cần phải suy nghĩ kỹ trước khi tiến hành bất kỳ hành động bất tuân nào trong bối cảnh những gì đang xảy ra ở Trung Đông hay ở một số nơi khác trên thế giới. Họ nên cân nhắc kỹ trước khi có hành động sai trái nào.”

Kể từ năm 1932, Thái Lan đã chứng kiến 18 cuộc đảo chính hay âm mưu đảo chính.

Ủy ban bầu cử đang tiến hành điều tra các cáo buộc về bất thường trong bầu cử, và nếu những vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện, ủy ban này có thể loại bỏ các giới chức đã được bầu.

Mạng lưới Bầu cử Tự do châu Á đề nghị Thái Lan ngưng chức các chính trị gia bị nghi gian lận hay các tội trạng bầu cử trước khi bỏ phiếu diễn ra, thay vì sau khi bầu cử, nhằm ngăn chặn căng thẳng từ các kết quả bị đảo ngược.

Ông Magbual nói rằng họ cũng nên loại bỏ các điều luật cho phép giải tán toàn bộ một đảng phái nếu các cá nhân trong đảng phạm luật.

Ông Magbual nói rằng các cá nhân nên bị quy trách nhiệm vì các hành động của riêng họ và rằng trừng phạt cả một đảng sẽ tạo điều kiện cho việc lạm dụng chính trị.

Mạng lưới Bầu cử Tự do châu Á sẽ tiếp tục theo dõi tiến trình bầu cử cũng như cách thức xử lý các khiếu kiện trước khi ra một phúc trình cuối cùng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG