Ủy ban Bầu cử Thái Lan nói rằng Đảng Dân chủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva can tội lạm dụng tiền đóng góp và nên bị giải thể.
Quyết định của ủy ban trước tiên cần phải được sự chấp thuận của Tòa án Bảo hiến, mà giới hữu trách cho rằng phải mất nhiều ngày.
Phát ngôn viên của Đảng Dân chủ, ông Buranaj Smutharaks nói rằng đảng sẽ hợp tác đầy đủ theo đúng tiến trình luật pháp.
Ông Buranaj cho biết: “Chúng tôi tin rằng phán quyết đó sẽ không xảy ra bởi vì chúng tôi luôn luôn chủ trương rằng chúng tôi đã tuân thủ đầy đủ với tất cả các luật lệ có liên quan đến việc sử dụng ngân quỹ trong cuộc vận động tranh cử.”
Đảng Dân chủ bị cáo buộc là nhận nhiều triệu đôla tiền gây quỹ vào năm 2005. Các luật lệ của Thái Lan hạn chế các quỹ đóng góp chính trị ở mức vài trăm ngàn đôla một năm.
Tuần trước, những người biểu tình chống chính phủ đã tràn vào ủy ban bầu cử và nói rằng ủy ban quá chậm chạp trong việc đưa ra phán quyết về vụ này.
Đề xuất của ủy ban đã tăng thêm vào áp lực đè nặng lên vị thủ tướng đang gặp khó khăn.
Có ít nhất 21 người biểu tình, binh sĩ và một ký giả đã thiệt mạng hôm thứ Bảy khi chính phủ ra lệnh cho lực lượng an ninh chấm dứt cuộc biểu tình chống chính phủ đã kéo dài cả tháng nay. Người biểu tình mặc áo đỏ đã đi tuần hành với một số thi hài của những người bị sát hại qua khắp thủ đô ngày hôm nay.
Họ quy trách cho binh sĩ về những cái chết này và đòi ông Abhisit phải từ chức và tổ chức bầu cử mới.
Trong một bài phát biểu được truyền đi cả nước, Thủ tướng Thái Lan tuyên bố một nhóm nhỏ trong số người biểu tình chịu trách nhiệm về tình trạng bạo động.
Thủ tướng Thái Lan nói rằng họ có thể thấy rõ là nhóm người đã hành động giống như các phần tử khủng bố và họ nằm trong nhóm những người biểu tình đòi dân chủ. Ông cho rằng nhóm này muốn một sự thay đổi lớn trong chính phủ.
Ông Abhisit tuyên bố ông vẫn sẵn sàng thương lượng một giải pháp với giới lãnh đạo biểu tình, một đề nghị mà người biểu tình đã bác bỏ.
Chính phủ đã bị đặt dưới áp lực nghiêm trọng phải từ chức từ hồi tháng ba khi hàng chục ngàn người biểu tình đổ xô vào Bangkok. Các cuộc biểu tình đã chuyển sang thành phản kháng dân sự và vô luật pháp hồi tuần trước khi người biểu tình chiếm đóng một trung tâm thương mại chính và đột nhập vào tòa nhà quốc hội và một đài truyền hình qua vệ tinh.
Chính phủ đã công bố tình trạng khẩn trương và sau đó đã tìm cách giải tán một số người biểu tình mà không đạt được kết quả, khiến một số người thiệt mạng và bị thương.
Phe áo đỏ chủ yếu xuất phát từ vùng nông thôn và nói rằng chính phủ được đưa lên cầm quyền bởi các tầng lớp thượng lưu ở Bangkok và được sự hậu thuẫn của quân đội chứ không phải do dân bầu.
Nhiều người Áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bị quân đội lật đổ năm 2006. Ông Thaksin hiện đang sống lưu vong để tránh một án tù vì cáo buộc tham nhũng.
Ủy ban bầu cử Thái Lan nói rằng nên giải tán đảng cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva vì những cáo buộc gây quỹ bất hợp pháp. Quyết định được đưa ra giữa lúc áp lực ngày càng tăng đè nặng lên chính phủ sau những cuộc xung đột đầy bạo lực giữa binh sĩ quân đội và người biểu tình chống chính phủ khiến 21 người thiệt mạng. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1