Hằng chục ngàn người Thái đổ về Bangkok trong tuần lễ vừa qua đòi tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Những người biểu tình áo đỏ thường gắn bó với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.
Nhưng nhiều người biểu tình lần này không quan tâm tới ông Thaksin. Họ muốn tổ chức các cuộc bầu cử bởi vì họ nghĩ là chính phủ không phục vụ người nghèo.
Một người biểu tình cho biết:
“Nếu có bầu cử, và có một chính phủ của tôi, của chúng tôi, thì sẽ khá hơn bây giờ.”
Quốc hội đã chọn Thủ Tướng Abhisit Vejjajiva hồi năm 2008, theo luật được thiết lập bởi chính phủ quân nhân đã lật đổ ông Thaksin.
Bà Pan, một phụ nữ giúp việc nhà, là một trong hằng vạn người hoan hô những người biểu tình tuần hành tại Bangkok. Bà muốn tổ chức một cuộc bầu cử mới vì bà nghĩ rằng ông Abhishit không đếm xỉa tới nhu cầu của người nghèo.
Bà nói tiếp: “Ông ta đã nói với mọi người là sẽ làm điều này điều nọ nhưng chẳng làm gì cả. Ông đã lừa dối mọi người, ông ta đã nói dối nhân dân Thái Lan.”
Giáo sư môn khoa học chính trị trường đại học Chulalongkorn, bà Naruemon Thabchumpon, nói:
“Nhiều người không được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình kinh tế của chính phủ. Tôi nghĩ rằng, đây là một vấn đề lớn của chính phủ Abhisit bởi vì chính phủ của ông vẫn còn tin tưởng ở hiệu quả từ từ của các chính sách. Căn bản là gói kích thích kinh tế của ông chỉ đổ vào khu vực chính thức của nền kinh tế.”
Nhưng 62% người lao động Thái Lan lại làm việc trong khu vực không chính thức của nền kinh tế, như các công nhân làm theo hợp đồng, các nông dân, những người bán hàng rong, và những người lái xe ba bánh chở khách.
Bà Naruemon nghĩ rằng thành phần này chiếm số đông trong đám người biểu tình, họ có những bất bình khác nhau nhưng có chung nguyện vọng là muốn có cuộc bầu cử mới.
Mặc dầu Thủ Tướng Abhisit nói sẽ không tổ chức cuộc bầu cử dưới áp lực, nhưng ông thừa nhận những bất bình của nhiều người biểu tình.
Ông nói chính phủ đang làm việc để giải quyết các vấn đề như rút ngắn khoảng cách thu nhập và cải tiến điều kiện nhà ở không tốt.
Nhưng các nhà phân tích chính trị và các cử tri nói rằng, nếu không có tiến bộ thật sự thì chính phủ sẽ khó có thể thuyết phục những người như bà Pan, bà này cho biết là muốn bầu cho một nhà lãnh đạo đáp ứng được nhu cầu của bà.
Lại một lần nữa Thái Lan bị kẹt trong những xáo trộn chính trị. Nhưng không giống như những cuộc biểu tình trước chủ yếu nhằm ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, Thông tín viên Kate Dawson VOA từ Bangkok ghi nhận các nhà phân tích chính trị cho rằng các cuộc biểu tình mới đã trở thành một diễn đàn cho những người cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội và muốn có thay đổi chính trị rộng rãi.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1