Súng tiếp tục nổ lẻ tẻ ở thủ đô Thái vào lúc kỳ hạn chính phủ định cho người biểu tình rời khỏi nơi cắm trại là xế trưa đã đến rồi đi. Giới hữu trách cho hay người biểu tình có thể bị hai năm tù về tội cưỡng lệnh, và một lần nữa đe dọa sẽ dùng vũ lực để giải tán người biểu tình.
Nhưng điều đó sẽ không phải là dễ thực hiện.
Khoảng 5.000 người biểu tình vẫn còn ở lại trong quận thương mại trung tâm thủ đô mà họ đã chiếm đóng từ hơn 2 tháng nay, đòi chính phủ từ chức và tổ chức bầu cử mới.
Sân khấu biểu tình chính được bao quanh bởi các thương xá đã bị đóng cửa nhiều tuần lễ.
Tại một ngôi chùa ở gần đó, Hội Chữ Thập Đỏ Thái Lan và Dịch vụ Khẩn cấp phân phát thực phẩm đóng hộp và đồ tiếp liệu vệ sinh cho đám người biểu tình xếp hàng dài.
Bác sĩ Pichit Siriwan điều hành hoạt động của Hội chữ thập đỏ. Ông cho biết toán công tác chỉ đem đủ thức ăn cho vài ngày và ông lo ngại về những gì sẽ xảy ra nếu chính phủ ra lệnh mở cuộc đàn áp.
Bác sĩ Siriwan cho biết: “Chúng tôi phải chuẩn bị lỡ xảy ra số thương vong tập thể lớn. Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi chuẫn bị cho tình hình đó suốt ngày đêm.”
Ngôi chùa tọa lạc bên trong khu cắm trại mà người biểu tình đã dựng lên cách đây 9 tuần, và đã trở thành nơi trú thân cho phụ nữ, trẻ em và người già.
Một phụ nữ lớn tuổi xếp hàng chờ cho biết tên gọi là Ding nói rằng bà đã biểu tình 2 tháng rồi, nhưng không muốn bỏ cuộc.
Nhưng, sự căng thẳng và sợ hãi rằng binh sĩ có thể tìm cách dùng vũ lực đẩy họ đi biểu hiện rõ.
Bà Ding nói rằng bà không sợ nhưng cảm thấy đau đớn. Bà thấy đau cho nhiều người. Binh sĩ không nói gì mà cứ tiến vào và trẻ em bị bắn.
Bạo động làm rúng động thành phố bắt đầu hôm thứ năm khi một vị tướng lãnh Thái ủng hộ biểu tình bị bắn bên trong khu người biểu tình chiếm đóng, dường như do một tay bắn tỉa. Vị tướng này qua đời hôm nay.
Người biểu tình nói rằng những tay bắn tỉa và binh sĩ đang tìm cách giết họ, trong khi giới hữu trách nói họ chỉ nổ súng để tự vệ.
Weng Tokirakarn là một trong những người lãnh đạo biểu tình.
Ông Tokirakarn nói: “Định ra kỳ hạn có nghĩa là muốn sát hại thêm, bởi vì không thể chấm dứt một vụ xung đột chính trị bằng cách này. Phương cách duy nhất để chấm dứt xung đột chính trị là phải có một cuộc đối thoại, một cuộc nói chuyện, phải bàn thảo, chứ không định ra kỳ hạn.”
Nhưng ông Weng nói người biểu tình sẽ không thương lượng sau khi chính phủ đồng ý rút binh sĩ đi. Mặt khác, giới lãnh đạo chính phủ lại nói rằng họ không nói chuyện nữa.
Người biểu tình Thái đã cưỡng lại một kỳ hạn của chính phủ buộc họ rời khỏi nơi chiếm đóng ở trung tâm Bangkok vào lúc số tử vong vì các cuộc xung đột với quân đội lên đến 36 người, với hơn 200 người bị thương. Hội Chữ Thập Đỏ Thái đang cung cấp thực phẩm cho những người biểu tình và cho biết sẵn sàng ứng cứu số thương vong lớn nếu quân đội tìm cách phá vỡ nơi người biểu tình cắm trại. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1