Lời đe dọa của Chính phủ Thái Lan sẽ rút ra khỏi Ủy ban Bảo tồn Di sản Thế giới của UNESCO gồm 21 nước thành viên, được đưa ra giữa lúc ủy ban đang chuẩn bị biểu quyết về một kế hoạch mới do Kampuchea đề nghị để quản lý ngôi đền Khmer đã có từ 900 năm.
Chính phủ Thái Lan trước đó đã vận động các nước thành viên nhằm hoãn lại cuộc biểu quyết cho tới khi hai nước giải quyết xong các tranh chấp biên giới về khu vực đất đai bao quanh đền Preah Vihear.
Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, ông Panitan Wattanayagorn, nói Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Suvit Khunkitti đã tham dự cuộc họp và được sự hậu thuẫn toàn diện của Nội các để Thái Lan rút khỏi Ủy ban Bảo tồn Di sản Thế giới. Ông Panitan nói:
“Nếu tiến trình áp dụng kế hoạch được phê chuẩn, không những ông Khun Suvit được trao quyền phản đối kế hoạch đó, không biểu quyết chấp thuận kế hoạch đó, mà ông còn được bày tỏ ý kiến và các quan tâm của ông, cũng như ước nguyện của chính phủ Thái Lan muốn tái xét tư cách thành viên của Thái trong Ủy ban Bảo tồn Di sản Thế giới.”
Đền Preah Vihear nằm ngay bên trong biên giới Kampuchea, ngôi đền tọa lạc trên một đỉnh cao 525 mét thuộc dãy núi Dangrek. Tuy nhiên lối đi để lên tới khu đền lại nằm bên phía lãnh thổ Thái Lan.
Năm 1962, Tòa Án Quốc tế phán quyết rằng ngôi đền cổ nằm trên phần đất phía bên biên giới Kampuchea, tuy nhiên tòa không xác quyết chủ quyền của một khu đất sát cạnh ngôi đền.
Từ đó, Thái Lan đã vận động để cả hai nước cùng đệ nạp hồ sơ yêu cầu xếp ngôi đền Preah Vihear vào danh sách di sản thế giới.
Tuy nhiên năm 2008, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan thời ấy là ông Noppadon Pattama bị buộc phải từ nhiệm sau khi một tòa án Thái Lan xét rằng ông đã vi phạm hiến pháp khi ký tuyên bố chung với Kampuchea.
Sự kiện này đã mở đường cho Kampuchea tự đứng ra đệ đơn yêu cầu Liên hiệp quốc công nhận đền Preah Vihear là di sản thế giới.
Theo một kế hoạch được đề nghị để phát triển ngôi đền, Thái Lan lo sợ Kampuchea có thể tạo ra một khu trái độn quanh ngôi đền, một chuyện mà Thái Lan coi như là chiếm đóng đất đai của nước họ.
Thủ Tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva kêu gọi hãy trở lại với thỏa thuận năm 2000, tập trung vào đường biên giới đã được ấn định. Ông nói Thái Lan chỉ chấp nhận kế hoạch quản lý của Kampuchea, với điều kiện cả hai nước cùng đứng chung tên trên hồ sơ.
Ngôi đền cổ đã được công nhận là di sản của thế giới hồi năm 2008, tuy nhiên từ đó, vẫn là một nguồn gây căng thẳng dựa trên tinh thần dân tộc.
Hồi đầu tuần này, các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc tại Thái Lan phản đối bên ngoài các văn phòng UNESCO ở thủ đô Bangkok.
Trong những năm gần đây, căng thẳng leo thang giữa Thái Lan và Kampuchea đã dẫn tới các cuộc xung đột xuyên biên giới, giữa lúc quân đội Thái Lan tố cáo các binh sĩ Kampuchea đặt mìn trong vùng.
Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, đã ra một tuyên cáo kêu gọi đối thoại để giữ gìn địa điểm ngôi đền cổ.
Bà Bokova nói quan tâm hàng đầu của Ủy ban Bảo tồn Di sản Thế giới là bảo vệ và phát huy di sản của khu vực, và các biểu tượng của hòa bình, đối thoại và hòa giải.
Thái Lan dọa sẽ rút lại sự ủng hộ dành cho Tổ chức Giáo dục Khoa Học và Văn hóa LHQ (UNESCO ) nếu Ủy ban Bảo tồn Di sản Thế giới ủng hộ một kế hoạch của Kampuchea để quản lý một ngôi đền Ấn độ giáo nằm tại vùng biên giới giữa 2 quốc gia.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1