Đường dẫn truy cập

Tham nhũng ở Việt Nam ‘được ngăn chặn’, ‘bị đẩy lùi’?


TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tại một hội nghị hôm 3/12/2019 ở Hà Nội
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tại một hội nghị hôm 3/12/2019 ở Hà Nội

Một hội nghị về phòng chống tham nhũng trong các dự án hạ tầng ở châu Á-Thái Bình Dương vừa khai mạc tại Hà Nội hôm 3/12 và sẽ kéo dài trong 4 ngày.

Đây là hội nghị khu vực lần thứ 10 của chương trình mang tên “Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đồng lãnh đạo.

Sáng kiến này ra đời năm 1999 với 31 nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam.

Tại hội nghị, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết rằng vào thời điểm này, công tác phòng chống tham nhũng “đã có chuyển biến tích cực”, theo tường thuật trên các báo trong nước như Dân Việt hay Thanh Tra.

Để so sánh, tiến sĩ Lộc trích dẫn một đoạn trong văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hồi đầu năm 2016 nói rằng tình trạng tham nhũng khi đó “vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn”, các bài báo cho hay.

Lâu nay, cộng đồng doanh nghiệp được nhà nước quan tâm, thúc đẩy. Nói chung cũng có nhiều cải thiện, tiến bộ. Thủ tục hành chính, đầu tư, thủ tục thành lập doanh nghiệp có nhiều chuyển biến, tháo gỡ.
Luật sư Ngô Ngọc Trai


Nhưng năm 2019, theo lời chủ tịch VCCI được báo chí dẫn lại, là năm đầu tiên tỷ lệ doanh nghiệp phải chịu chi phí bôi trơn “đã giảm đi”.

“Điều này có nghĩa là tham nhũng ở Việt Nam đã được ngăn chặn và từng bước được đẩy lùi. Đây là thành quả không dễ dàng”, ông Vũ Tiến Lộc nói, theo các bài báo.

Luật sư Ngô Ngọc Trai, một người theo dõi lâu năm và viết nhiều bài phân tích về mối quan hệ giữa nền tư pháp và các doanh nghiệp Việt Nam, bình luận với VOA về phát biểu của tiến sĩ Lộc:

“Lâu nay, cộng đồng doanh nghiệp được nhà nước quan tâm, thúc đẩy. Nói chung cũng có nhiều cải thiện, tiến bộ. Thủ tục hành chính, đầu tư, thủ tục thành lập doanh nghiệp có nhiều chuyển biến, tháo gỡ. Phòng Thương mại và Công nghiệp chỗ ông Vũ Tiến Lộc thì hẳn là cảm nhận rõ sự thay đổi. Nhưng riêng mảng tư pháp lại không được VCCI quan tâm”.

Hội nghị lần thứ 10 của Sáng kiến phòng chống tham nhũng châu Á-Thái Bình Dương, 3/12/2019, Hà Nội
Hội nghị lần thứ 10 của Sáng kiến phòng chống tham nhũng châu Á-Thái Bình Dương, 3/12/2019, Hà Nội
Bây giờ từ phường xã đến huyện đến thuế, hải quan vẫn phải có phí bôi trơn, dù là trong trường hợp mình đúng. Vẫn phải bôi trơn bởi vì không muốn bị gây khó. Tôi không hiểu ông Lộc dựa vào đâu nói là phí bôi trơn nó giảm đi.
Doanh nhân Lê Hoài Anh


Khác với đánh giá có phần tích cực của luật sư Ngô Ngọc Trai, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh tỏ ý nghi ngờ về cơ sở để tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đưa ra nhận định rằng tham nhũng bị đẩy lùi ở Việt Nam.

Bà Hoài Anh nói với VOA:

“Ông Vũ Tiến Lộc nói chi phí bôi trơn của doanh nghiệp giảm thì tôi thấy không đúng. Bây giờ từ phường xã đến huyện đến thuế, hải quan vẫn phải có phí bôi trơn, dù là trong trường hợp mình đúng. Vẫn phải bôi trơn bởi vì không muốn bị gây khó. Tôi không hiểu ông Lộc dựa vào đâu nói là phí bôi trơn nó giảm đi”.

Trong khi tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra đánh giá lạc quan về phòng chống tham nhũng, người dân vẫn bức xúc cao độ về tệ nạn này, thể hiện qua cuộc gặp giữa cử tri và 3 đại biểu quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng trong ngày 3/12.

Theo tường thuật của báo chí trong nước, cử tri 3 quận của Tp.HCM đã gặp các đại biểu quốc hội Trần Lưu Quang, người cũng giữ chức phó bí thư Thường trực Thành ủy; Lâm Đình Thắng, phó bí thư Quận ủy Bình Thạnh; và thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, chính ủy Bộ Tư lệnh Tp.HCM.

Một nữ cử tri có tên Kim Hương phát biểu rằng nạn tham nhũng “còn rất nghiêm trọng, gây giảm sút niềm tin của người dân, nhất là vấn nạn tham nhũng đã diễn ra ngay tại một số cơ quan chống tham nhũng”, các báo Tiền Phong và Tuổi Trẻ cho hay.

“Tôi kiến nghị không đặc xá, không giảm án và tuyên mức án cao nhất đối với tội phạm tham nhũng. Nhân dân muốn tiêu diệt chứ không chỉ phòng chống và phải coi tội tham nhũng như tội phản quốc”, bà Hương được các báo dẫn lại lời trong các bài tường thuật.

Phải tiêu diệt tham nhũng mới tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn. Tham nhũng sẽ tạo ra lợi ích nhóm, đi đêm với nhau để ăn chia ... Chính phủ phải thấy phải có chiến dịch không chỉ phòng chống tham nhũng mà là tìm và tiêu diệt.
Doanh nhân Lê Hoài Anh


Một cử tri khác, ông Nguyễn Xuân Cường, đưa ra quy kết là “chỉ những người có chức, có quyền lực mới tham nhũng được, chứ nhân dân không có quyền chức thì không thể tham nhũng”.

Vì vậy, ông Cường cho rằng “phải xử lý các quan lớn trước, quan bé sau để làm gương”, vẫn theo báo chí trong nước.

Với tư cách vừa là một doanh nhân, vừa là một cử tri, bà Lê Hoài Anh nói với VOA rằng bà tán thành các ý kiến kể trên của bà Hương và ông Cường. Bà Hoài Anh nói thêm:

“Phải tiêu diệt tham nhũng mới tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn. Tham nhũng sẽ tạo ra lợi ích nhóm, đi đêm với nhau để ăn chia, cho nên các doanh nghiệp đa số, đa phần chỉ lao vào đất cát, khai thác tài nguyên, chiếm đất của dân, phá hoại môi trường, kiếm lợi bất chính. Việt Nam trong tốp đầu của các nước có tham nhũng. Chính phủ phải thấy phải có chiến dịch không chỉ phòng chống tham nhũng mà là tìm và tiêu diệt”.

Hồi đầu năm nay, tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng của năm 2018, theo đó, Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, với xếp hạng 117/180 toàn cầu.

Theo Minh bạch Quốc tế, xét trên thang điểm từ 0-100 của Chỉ số cảm nhận tham nhũng, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, thì tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được xem là “rất nghiêm trọng”.

Trong những năm qua, Việt Nam được cho là đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng tham nhũng hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, Minh bạch Quốc tế nói khi công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2018.

VOA Express

XS
SM
MD
LG