Triều Tiên đã phóng thích ba tù nhân người Mỹ và trao trả họ cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Tư, giải tỏa một trở ngại lớn đối với một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Những người đàn ông này, được phóng thích sau khi ông Pompeo hội kiến ông Kim, đang trên đường về nhà từ Bình Nhưỡng trên chiếc máy bay chở nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ. Tổng thống dự định sẽ đón tiếp họ khi họ đáp xuống Căn cứ Không quân Andrews bên ngoài Washington vào khoảng 2 giờ sáng giờ miền đông của Mỹ ngày thứ Năm.
Việc phóng thích này, được Nhà Trắng ca ngợi là "cử chỉ thiện chí," dường như cho thấy một nỗ lực của ông Kim nhằm tạo tiền đề thuận lợi hơn cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới và tuân theo cam kết gần đây của ông đình chỉ các cuộc thử nghiệm phi đạn và đóng cửa một địa điểm thử bom hạt nhân của Triều Tiên.
Dù ông Kim phóng thích những tù nhân Mỹ cuối cùng này, những người mà Triều Tiên thường sử dụng làm con bài mặc cả với Mỹ, song vụ phóng thích cũng có thể nhằm gây áp lực để ông Trump đưa ra nhượng bộ của riêng mình trong khi ông tìm cách buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình, điều mà họ chưa tỏ dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng làm.
Vụ phóng thích cho ông Trump một cơ hội để ca ngợi một thành tựu ngoại giao chỉ một ngày sau khi quyết định của ông rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran khơi lên những lời chỉ trích nặng nề từ các đồng minh Châu Âu và những nước khác.
"Tôi vui mừng thông báo với các bạn rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo đang bay trên đường trở về từ Triều Tiên với ba quý ông tuyệt vời mà mọi người đều mong chờ được gặp mặt. Họ dường như khỏe mạnh," ông Trump viết trên Twitter.
"Tôi đánh giá cao Kim Jong Un làm điều này và cho phép họ rời đi," ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng. Ông cũng cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giúp để những người này được thả ra.
Gia đình của Tony Kim, một trong những tù nhân được trả tự do, nói trong một thông cáo: "Chúng tôi rất biết ơn vì cha và chồng của chúng tôi, Tony Kim, cùng hai tù nhân người Mỹ khác, được phóng thích."
Số phận của ba người Mỹ gốc Hàn trước đó là một trong số những vấn đề nhạy cảm trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc hội kiến đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, hiện đang được hoạch định vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Ba người này là nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn Kim Dong-chul, bị giam giữ vào năm 2015; Kim Sang-duk, còn được gọi là Tony Kim, người đã giảng dạy trong một tháng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Pyongyang (PUST) được nước ngoài tài trợ trước khi bị bắt vào năm 2017; và Kim Hak-song, người cũng dạy tại PUST và bị bắt vào năm ngoái.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên nói rằng họ bị bắt về cáo buộc lật đổ chính quyền hoặc có "hành vi thù địch" chống lại chính phủ. Nhiều người nước ngoài bị Triều Tiên giam giữ trước đây đã nói rằng chính phủ buộc họ phải thú tội về những cáo buộc sai trái hoặc vu khống.
Nói chuyện với các phóng viên, ông Pompeo cho biết các cuộc gặp gỡ của ông với các quan chức Triều Tiên đã "đạt được nhiều kết quả." Hai bên đồng ý gặp nhau lần nữa để "chung quyết các chi tiết" của hội nghị thượng đỉnh, một quan chức Mỹ cho biết.
Ông Trump nói hai bên đã nhất trí về ngày giờ và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh và các chi tiết sẽ được công bố trong vòng ba ngày.
Hội nghị sẽ không diễn ra tại khu phi quân sự được phòng thủ dày đặc giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, ông Trump cho biết. Trước đó ông từng tuyên bố Singapore có thể là một địa điểm gặp gỡ khả dĩ.
Cũng không có dấu hiệu cho thấy chuyến thăm của ông Pompeo đã làm sáng tỏ vấn đề liệu Triều Tiên có sẵn lòng thương lượng từ bỏ phi đạn hạt nhân có thể đe dọa Mỹ hay không.