Đường dẫn truy cập

Bà Thư ăn mít hồn nhiên thật


Bà Thân Thị Thư ăn mít. (Hình: Từ video trên YouTube của Việt Tự Do)
Bà Thân Thị Thư ăn mít. (Hình: Từ video trên YouTube của Việt Tự Do)

Trân Văn


Tuần này, phong thái, cách hành xử của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục hâm nóng mạng xã hội.

Hàng triệu người Việt đã chuyển cho nhau xem một video clip ghi lại cảnh bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo của Thành ủy TP.HCM, ăn… mít.

Ăn, uống vốn là chuyện bình thường nhưng ăn mít khi đang ngồi ở vị trí dành cho những cá nhân giữ vai trò chủ tọa một cuộc họp báo nhằm chuyển thông điệp đầu năm 2019 của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở TP.HCM đến dân chúng thì lại là… đại sự!

Dường như chẳng có ai tiêu hóa nổi hình ảnh một phụ nữ đẫy đà, ăn mặc sang trọng, điềm nhiên bốc từng múi mít, xé nhỏ, bỏ vào miệng, nhai chóp chép, không thèm nhìn ai, chỉ chú mục vào… mít và điện thoại, thỉnh thoảng lượm cây bút lên ghi vài chữ vào sổ tay, bất kể cử tọa là báo giới, đặc biệt là bất kể thượng cấp của bà đang hứa hẹn sẽ nhắc nhở các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở TP.HCM chú tâm đến tương quan giữa hành vi, hành xử với sự… nhạy cảm về chính trị!

Đó là lý do rất nhiều facebooker như Hoang van Nguyen xin phép thân hữu để… Đ.M vì đành… chịu thua bà Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo của Thành ủy TP.HCM (1). Cũng đã có những facebooker như Chanh Tam nêu hàng loạt thắc mắc như một tiếng than: Hẳn bà ấy cũng “học ăn học nói học mở” từ tấm bé như bao người khác. Bà ấy có mắc cỡ với cha mẹ bà ấy không? Bà ấy có mắc cỡ với con bà ấy không? Bà ấy có phải là phụ nữ không? Tư tưởng gì toát ra từ điệu bộ, dáng vẻ của bà ấy? Trời ơi! Sài Gòn! thiệt vậy sao (2)?

Trên facebook của Hien Chi Vo – một trong những facebooker chia sẻ video clip bà Thư, người giữ vai trò chỉ đạo toàn bộ hoạt động tuyên truyền và giáo dục về tư tưởng, văn hóa ở TP.HCM, ăn… mít - Nguyễn Hữu Thành bình luận đó là bằng chứng về văn minh kiểu chợ búa. Vu Quan thì xem đó là điển hình của vô giáo dục, vô ý thức, vô kỷ luật, coi thường người khác mà như vậy thì tuyên truyền cái gì, giáo dục ai? Tuy có thể bị xem là… phản động nhưng Quan nhấn mạnh, có rất nhiều cán bộ, đảng viên không xứng đáng là một người… bình thường, nói gì đến lãnh đạo dân! Bon Ha Van nhắc Vu Quan: Chúng nó do đảng cử, làm gì có giáo dục, biết đ… gì về lễ giáo (3).

Cũng với mạch nhận xét đó, Hoàng Nguyên Vũ bảo rằng, cách hành xử của bà Thư… hồn nhiên tới mức làm người ta… vãi cả linh hồn! Facebooker này khen cách bà Thư ăn mít… duyên quá! Nhìn cách bà Thư ăn mít, Hoàng Nguyên Vũ đoán hẳn bà phải giấu cả nửa trái mít trong… quần. Đó cũng là lý do Hoàng Nguyên Vũ thắc mắc, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở TP.HCM chăm sóc cán bộ thế nào mà họ ăn uống theo kiểu sắp chết vì đó như thế (?). Nguyễn Hữu Lý – một thân hữu của Hoàng Nguyên Vũ – kêu gọi mọi người thông cảm cho cán bộ vì “trình độ văn hóa và nhân cách của họ chỉ có vậy” và “hình như các trường đảng cao cấp mà bà Thư từng theo học chưa hướng dẫn nên ăn mít chỗ nào” (4)!

***

Chẳng riêng bà Thư. Tuần này dân chúng Việt Nam còn được một số viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam giúp… rửa mắt, khai tâm theo kiểu như vậy.

Tuần trước, dân chúng Việt Nam được nghe, ngày 4 tháng 1, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, Bộ trưởng Công Thương, điều động công xa đến tận chân thang máy bay đón vợ con, buộc hàng trăm người đi cùng chuyến bay phải chờ “quý bà, quý cậu” ra trước. Tuần này, dân chúng Việt Nam được thấy, cũng vào ngày ấy, khi tiếp ông Khammany Inthirath, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ của Lào, ông Anh – từng là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Mỹ - vừa chơi điện thoại, vừa gỡ đồng hồ đeo tay ra chỉnh giờ.

Cũng tuần này, dân chúng Việt Nam được nghe ca sĩ Đinh Hiền Anh răn đe, cô không bận tâm tới dư luận, nếu mạng xã hội quá đáng thì pháp luật sẽ “chế tài” (5). Cô ca sĩ đã tứ tuần này vốn chuyên hát ở các phòng trà, từng tham dự vài cuộc thi người đẹp vốn chẳng có bao nhiêu người bận tâm và chỉ thật sự nổi tiếng sau khi trở thành vợ ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Tài chính (6), lập tức có ngay 50 vé xem trận chung kết lượt về của Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2018, giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia, tại sân Mỹ Đình hồi giữa tháng trước, trên facebook. Sau trận bão dư luận vì được “ưu ái” tặng 50 vé xem bóng đá vốn rất khó kiếm, mới đây, Đinh Hiền Anh lại tạo ra một trận bão dư luận nữa khi khoe sang, khoe giàu trên facebook. Tuy chỉ mới trở thành phu nhân một viên chức trong vài tháng, song giọng điệu của Đinh Hiền Anh y hệt như một viên chức, cô trực tiếp yêu cầu báo giới không được… “bôi nhọ”, nhắn nhủ báo giới “không được làm phiền chồng chị”!

Trên facebook của mình, Nguyễn Quang Cương gọi đó là sự trơ tráo. Cương nhấn mạnh, những “trò khốn” ấy giống như “thuộc tính của quan chức Việt” nên có thể thấy ở bất kỳ đâu, bất kể đó là sự sỉ nhục quốc gia, dân tộc. Theo Cương, “quan chức Việt” đang “thực thi chức phận như một lũ ô trọc, lưu manh, khốn nạn đến mức khó tin rằng có loại quan chức như thế trên cõi đời này!” (7).

Có một điều mà Cương và nhiều triệu người Việt khác nhìn không ra, đó là cho dù lối hành xử “ô trọc, lưu manh, khốn nạn đến mức khó tin” ấy của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, có thể thấy ở bất kỳ đâu và thật sự bôi nhọ thể diện quốc gia, khiến cả dân tộc bứt rứt vì liên tục bị sỉ nhục thì chúng cũng sẽ còn tồn tại rất lâu.

Cứ đọc kỹ tường thuật về cuộc họp báo đầu năm 2019 do hệ thống chính trị, hệ thống công ở TP.HCM tổ chức, ắt sẽ thấy, bà Thư thản nhiên ăn mít đúng vào lúc ông Nguyễn Thiện, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, tâm tình: “Việc phải kỷ luật cán bộ dù là nghỉ hưu hay đương chức cũng đều tổn thương đến uy tín của Đảng bộ TP.HCM” - và cam kết sẽ… rút kinh nghiệm để bảo đảm các viên chức nhớ ba bài học: Cái gì đúng thì làm, không đúng không làm. Nếu thấy phức tạp thì tổ chức thảo luận dân chủ để hành xử an toàn. Phải chú trọng đến nhạy cảm chính trị (8).

Chuyện bà Thư ăn mít không thuần túy là bốc hốt, xé nhỏ, nhai, nuốt - thỏa mãn vị giác, chơi điện thoại – thỏa mãn xúc giác, thị giác, tri giác! Đó chính là minh họa hết sức sống động cho những tâm tình của ông Nhân. Phải gộp tất cả vào làm một mới thấy thực chất của những tâm tình ấy. Trên facebook của Tiến Sĩ Phổ Cập, một facebooker tên là Minh Khôi, tự sự thế này: Thấy thương dân Việt mình quá. Vì ngu dại mà để tụi sâu bọ, chuột dơi lên nắm quyền (9)!

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/hoang.vannguyen.94/videos/10214292854300665/

(2) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/1762226823883577

(3) https://www.facebook.com/vo.chi.hien.2018/posts/289310901943768

(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10205259380320338&id=1721755473

(5) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/khoe-ve-xem-bong-da-tren-mang-vo-thu-truong-noi-gi-1365164.tpo

(6) https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/nhac/dinh-hien-anh-tu-ca-si-phong-tra-toi-phu-nhan-cua-thu-truong-501794.html

(7) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=628622184224230&set=a.124199371333183&type=3&theater

(8) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/can-bo-bi-xu-ly-sai-pham-la-ton-that-voi-tp-hcm-501364.html

(9) https://www.facebook.com/Tiensiphocap/posts/814540228887898

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG