Đường dẫn truy cập

Mỹ: Số người chết vì Covid-19 vượt qua số quân nhân hy sinh trong chiến tranh VN


Một bệnh nhân được cấp cứu ở Boston giữa dịch Covid-19, 27/4/2020
Một bệnh nhân được cấp cứu ở Boston giữa dịch Covid-19, 27/4/2020

Chưa đầy 3 tháng kể từ ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 được chính thức ghi nhận ở Mỹ, đến tối 28/4/2020, số người Mỹ thiệt mạng vì đại dịch do virus corona chủng mới gây ra ở Hoa Kỳ đã cao hơn con số 58.220 người Mỹ chết trong gần 2 thập kỷ xung đột và chiến tranh ở Việt Nam.

Theo Đại học Johns Hopkins, số ca tử vong của Mỹ vì Covid-19 lên đến 58.365 người vào đầu giờ tối 28/4, trong tổng số ca nhiễm virus là hơn 1 triệu người.

Tuy số người chết ở Mỹ vì đại dịch hiện nay và số người Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Việt Nam gần bằng nhau, tính đến lúc này, song tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở Mỹ có mức cao hơn, hiện là 17,6 người chết trên 100.000 dân.

Trong năm 1968, năm có mức độ chết chóc cao nhất đối với Mỹ, tổng số người Mỹ thiệt mạng là 16.899, nhưng tỉ lệ tử vong chỉ bằng khoảng một nửa so với dịch bệnh hiện nay - 8,5 quân nhân Mỹ chết trên 100.000 người dân Mỹ.

Tháng 4 năm nay cũng đáng chú ý với thực tế được ghi nhận là có 6 ngày trong tháng chứng kiến số người Mỹ tử vong vì dịch lên đến hơn 2.000 người mỗi ngày. Trong khi đó, ngày có con số lính Mỹ thiệt mạng cao nhất trong Chiến tranh Việt Nam là 31/1/1968, khi 246 quân nhân Mỹ ngã xuống trong trận Tết Mậu Thân.

Lính Mỹ chiến đấu ở Huế trong trận Tết Mậu Thân 1968
Lính Mỹ chiến đấu ở Huế trong trận Tết Mậu Thân 1968

Trong những năm tháng Chiến tranh Việt Nam diễn ra, năm vị tổng thống cầm quyền lúc đó - từ Dwight Eisenhower cho đến Gerald Ford - chỉ thỉnh thoảng phát biểu trước quốc dân về cuộc chiến.

Nhưng nay, công chúng Mỹ thấy Tổng thống Trump tự xưng là nhà lãnh đạo thời chiến và chiếm phần lớn thời gian trong các cuộc họp báo kéo dài được truyền hình trực tiếp vào các buổi chiều tối từ Nhà Trắng.

Tổng thống Trump đã nhiều lần so sánh rằng việc chống đại dịch giống như cuộc chiến chống “kẻ thù vô hình”.

Những phát biểu của ông Trump về đại dịch - từ những nhận xét rằng chính quyền của ông đã kiểm soát “cực tốt” đối với virus, cho đến lời hứa rằng nó sẽ biến mất “một cách kỳ diệu”, cho đến cáo buộc là giới truyền thông cố "thổi bùng lên” dịch bệnh - đều không có nhiều tác dụng làm tăng uy tín của ông.

Chưa đến 1/4 số người được hỏi trong một cuộc thăm dò toàn quốc của AP-NORC ở Mỹ gần đây nói rằng họ dành sự tin tưởng cao cho Tổng thống Trump.

Tương tự như vậy, ngay từ năm 1966, Tổng thống Lyndon Johnson đã đưa ra những mô tả lạc quan về cuộc chiến ở Việt Nam dù nó ngày càng ít được ủng hộ. Những người chỉ trích nói rằng những mô tả của ông Johnson có một khoảng cách lớn với những gì đáng tin.

Khi đó, Thượng nghị sĩ Ernest Gruening (Dân chủ, bang Alaska) bình luận rằng đó là "một uyển ngữ về những gì thực sự diễn ra - tức là người dân Mỹ đang bị các quan chức chính phủ lừa dối".

Các máy bay của Không quân và Hải quân Mỹ bay qua New York, vinh danh các nhân viên y tế, 28/4/2020
Các máy bay của Không quân và Hải quân Mỹ bay qua New York, vinh danh các nhân viên y tế, 28/4/2020

Nếu đem đại dịch hiện nay đặt cạnh Chiến tranh Việt Nam bị xem là khập khiễng, thì có thể so nó với dịch cúm 2017-2018, được xem là mùa dịch chết chóc nhất trong thập kỷ trước. Lúc đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch Mỹ (CDC) thống kê có 61.000 người chết liên quan đến cúm trong vòng 8 tháng.

Cách nửa vòng trái đất, Việt Nam không ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào vì Covid-19, và tính đến sáng 29/4, đã có 270 ca được xác nhận dương tính với virus ở đất nước 95 triệu dân này.

Sau 3 tháng kể từ ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận, Việt Nam dường như đã đánh bại virus, ít nhất tính đến lúc này.

Đất nước Đông Nam Á đã tiến hành các biện pháp quyết liệt, trong đó có việc cách ly ít nhất 45.000 người trong các cơ sở của nhà nước, hay “đóng cửa” cả một vài xã dù chỉ có một số nhóm người nhỏ bị nhiễm mầm bệnh.

Tới 23/4, hàng quán, các cơ sở kinh doanh, v.v… đã bắt đầu mở cửa trở lại sau khi chính phủ Việt Nam nới lỏng quy định hạn chế đi lại áp dụng trong 3 tuần trước đó.

Vốn đã đứng đầu danh sách những nước được các hãng chế tạo cân nhắc sẽ chuyển đến nếu họ rút ra khỏi Trung Quốc, đến nay việc ứng phó với dịch của Việt Nam sẽ càng làm tăng độ tín nhiệm của đất nước, theo nhận xét của Julien Brun, một lãnh đạo điều hành của hãng CEL có văn phòng ở thành phố Hồ Chí Minh. CEL chuyên tư vấn cho các công ty đa quốc gia về đầu tư ở các thị trường đang nổi lên.

(NPR, The Hill, Wall Street Journal)

VOA Express

XS
SM
MD
LG