Đường dẫn truy cập

Khi thầy Toán chăm sóc tâm lý học trò


Thước “French curve” để vẽ các đường cong. (Hình: Radomil/Wikimedia/CC BY-SA 3.0)
Thước “French curve” để vẽ các đường cong. (Hình: Radomil/Wikimedia/CC BY-SA 3.0)

Chẳng mấy khi mà một cái tuýt của thầy giáo Toán lại trở nên “viral,” được chia sẻ rộng rãi. Đầu tháng 5, thầy José Vilson, dạy Toán ở New York, lên Twitter thố lộ điều này.

Thầy nói, hầu hết công việc dạy Toán của thầy chả phải là Toán, mà là “giúp học sinh tự tin rằng các em cũng làm toán được. Chúng ta không nói đủ về điều này.” Tuýt của thầy được gần 31,000 người thích, và hơn 4,200 người re-tweet, tức là lập lại trên Twitter của họ.

Điều mà thầy Vilson nói ra có tên gọi đàng hoàng, tiếng Anh gọi là “affective domain.” Affective domain, tạm dịch là mảng cảm xúc, là một trong ba mảng trong giáo dục hiện đại, theo cách phân loại của Bloom (Bloom's taxonomy). Theo Bloom's taxonomy, một nền giáo dục không chỉ dạy kiến thức suông, mà dạy 3 mảng sau đây: Cognitive domain (mảng nhận thức), psychomotor domain (mảng kỹ năng), và affective domain. Những chữ tiếng Việt là do tôi dịch tạm vì không biết ở Việt Nam gọi là gì.

Psychomotor domain gồm dạy cho học sinh những kỹ năng tay chân, thí dụ như ném tạ ném sào, nối các mạch điện, cưa một khúc gỗ, hay trồng một cây cà chua. Có những môn học chú trọng phần này hơn, như thể dục thể thao. Toán xưa nay được xem là môn dùng giấy bút là nhiều, nhưng cũng có phần psychomotor trong đó. Thí dụ như cách dùng cây thước để kẻ một đường thẳng, hoặc cách dùng com-pa để vẽ một hình tròn. Thời xưa, học sinh còn được dạy dùng thước cong “French curve” để vẽ các đường cong, nhưng thời nay hết rồi. (Có ai nhớ không?)

Cognitive domain (mảng nhận thức) là phần truyền thống của giáo dục. Dạy kiến thức. Truyền kiến thức từ đời thầy xuống đời trò. Trong Toán, xưa nay các thầy cô thường chỉ chú trọng vào phần cognitive domain. Đơn giản thì dạy các công thức, định lý và dùng để giải bài toán. Cao hơn thì dạy cho các em hiểu các công thức, định lý đó đến từ đâu ra và dùng vào những mục đích gì - những mục đích đó có thể thuần túy toán, hoặc có thể áp dụng ra ngoài. Cao hơn nữa thì các em sẽ biết cách tự tìm ra các công thức và định lý.

Nói tóm lại, mảng nhận thức có nghĩa là thầy Toán dạy toán, thầy Văn dạy văn, thầy lớp 1 dạy kiến thức lớp 1, thầy lớp 3 dạy kiến thức lớp 3. Thầy lớp 3 mà không biết lớp 1 dạy cái gì thì có thể hơi phiền chút nhưng tương đối không sao.

Điều đó trở thành thói quen của nhiều thầy cô. Họ biết họ cần giỏi phần họ dạy. Một người thầy dạy toán thường sẽ chăm chú học hỏi tìm hiểu thêm về toán, hơn là về cái gì khác.

Nhưng đó là điều thầy José Vilson nêu lên. Trong việc dạy và học toán, có hẳn một chữ cho các học sinh sợ toán, là Math Anxiety. Math Anxiety có nhiều định nghĩa khác nhau, ở đây tôi chọn định nghĩa là “cảm xúc bất an hay sợ hãi khi phải giải một bài toán, cụ thể trong tình huống bị người khác đánh giá bài giải của mình.”

Math Anxiety là một hiện tượng rất phổ biến trong giới học sinh sinh viên ở Mỹ. Một tài liệu của hệ thống trường công lập Miami-Dade County cho biết có tới 93% người Mỹ bị math anxiety ở một mức độ nào đó, và có tới 30% bị xem là có math anxiety nặng. Trong khối OECD các nước phát triển, kết quả cuộc thi và thăm dò PISA năm 2012 cho thấy 59% học sinh từ 15 tới 16 tuổi thường xuyên lo ngại lớp toán sẽ quá khó với các em; 33% học sinh nói các em bị căng thẳng khi làm bài tập toán ở nhà.

Nghiên cứu của GS Jo Boaler đại học Stanford cho thấy có những em mới 5 tuổi đã bắt đầu có dấu hiệu math anxiety. Càng học lên lớp trên tình trạng càng nặng, các em càng có khuynh hướng né tránh và sợ lớp toán.

Ngay cả khi tôi còn học phổ thông tại Việt Nam, đã có hiện tượng này rồi. Các bạn tôi có những người học rất được, Văn Sử Địa không nói làm gì, ngay cả Lý Hóa học cũng rất khá nhưng đụng tới toán là có vấn đề. Thời đó chưa biết tới chữ Math Anxiety, thầy cô vá chính các bạn ấy chỉ cho rằng các bạn bị “thiếu căn bản.” Đã “thiếu căn bản” thì coi như thua rồi, bỏ cuộc luôn, ráng học cho đủ điểm lên lớp, đủ điểm tốt nghiệp, đủ điểm vào đại học, rồi có dịp bỏ toán là bỏ ngay.

Tuýt của thầy Vilson nhắm vào vấn đề đó. Nó thuộc mảng cảm xúc của các em. Mảng cám xúc ảnh hưởng trực tiếp tới mảng nhận thức. Không thể nhét kiến thức vào đầu học sinh được khi các em bị cảm xúc làm rào cản.

Nhưng trên thực tế, nhiều thầy cô không muốn dành thời giờ cho mảng cảm xúc của học sinh. Không phải họ chối bỏ tầm quan trọng của affective domain, họ chỉ cho rằng đó không phải là việc của họ. Việc của họ là dạy Toán. Việc lo cho cảm xúc, tâm lý của học sinh, là việc của người khác - của cha mẹ, của gia đình, của cố vấn giáo dục (counselor) chẳng hạn.

Nhất là ở bậc đại học, các thầy cô dạy Toán hầu hết có bằng Toán chứ không có bằng Sư phạm. Ngược lại, counselor hầu hết có bằng Tâm lý học, nhiều người có tiến sĩ Sư phạm. Giao cho mấy người đó chăm sóc mảng cảm xúc của sinh viên nghe rất hợp lý.

Tuy nhiên, counselor không thể gặp mặt các em nhiều bằng thầy cô dạy các em trong lớp. Từ đó mới có tuýt của thầy Vilson: Hầu hết công việc của thầy là giúp học sinh tự tin các em biết làm toán.

Tuýt của thầy Vilson đánh trúng vào mấu chốt của math anxiety. Các em biết làm toán, các em chỉ không biết là các em biết. Các bạn tôi rõ ràng là có thừa trí thông minh và sự chăm chỉ để giỏi các môn khác và thành công sau này trong đời. Các bạn chỉ bị cái nhãn “mất căn bản” dán lên đầu chặn không cho kiến thức toán chui vào.

Tuýt của thầy Vilson cũng nêu lên một điều khác nữa là “chúng ta không nói đủ về điều này.” Các thầy cô Toán không nói đủ về mảng cảm xúc. Trong các hội nghị về dạy và học toán, hấu hết diễn giả đều nói về các phương pháp và kỹ thuật dạy đề tài này, chủ đề kia, trong toán, chứ số diễn giả nói về mảng cảm xúc, về affective domain, thường rất ít.

Nhưng ánh sáng cuối đường hầm đang bắt đầu le lói. Trong 3, 4 năm gần đây, affective domain được nói đến nhiều hơn. Sách giáo khoa bắt đầu có thêm bài đọc, bài tập, video,... về cách học toán, cách vượt qua nỗi sợ toán, cách vượt qua nỗi sợ làm bài thi. Mười câu “Math Affirmation” tôi nhắc đến trong một bài trước, chép lại từ GS Geillan Aly, University of Hartford, cũng là một cách lo cho affective domain của các em.

Thầy Vilson nêu đúng vấn đề, và giới giáo chức cũng đang lo giải quyết vấn đề đó.

  • 16x9 Image

    Vũ Quí Hạo Nhiên

    Vũ Quí Hạo Nhiên là giáo sư Toán đại học cộng đồng Coastline College ở Quận Cam, California, với hơn 10 năm dạy các đại học cộng đồng trong vùng như Santa Ana, Cypress, Santiago Canyon, và Orange Coast College. Ngoài ra, ông cũng từng làm báo Việt ngữ trong hơn 10 năm, với chức vụ Tổng thư ký Toà soạn và Phụ tá chủ bút cũng như cộng tác viên cho nhiều báo, đài phát thanh tại Mỹ và các nước khác.

    Ông là giám đốc chương trình luyện thi SAT cho một trung tâm tại Garden Grove, là giám khảo chấm thi AP Statistics cho College Board / ETS, và là cộng tác viên viết sách giáo khoa Toán cho nhà xuất bản Hawkes Learning.

    Trong blog này Vũ Quí Hạo Nhiên viết về những chuyện ông biết: Toán, giáo dục, lịch sử California. Ông hy vọng độc giả sẽ thảo luận, phê bình, kể cả chê trách, cũng như cho ý kiến đề nghị đề tài.

    Các bài viết của tác giả là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG